Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 02/06/2005 16:54 (GMT+7)

Việt Nam làm chủ công nghệ kính hiển vi tiên tiến nhất

Từ máy STM

Tiếp xúc với GS, TSKH Trần Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học, chủ trì đề tài nghiên cứu chế tạo này, chúng tôi được biết SPM là tên gọi chung cho một họ kính hiển vi mới được các nhà vật lý trên thế giới phát minh trong thời gian gần đây (mỗi loại SPM được sử dụng cho một mục đích nhất đích, tạo thành một họ). Họ kính này dùng nguyên lý quét một mũi dò có kích cỡ nguyên tử trên bề mặt mẫu vật để hiển thị hình ảnh của mẫu. Hình ảnh với hệ số phóng đại lớn sẽ được hiển thị trên màn hình máy tính ở dạng một chiều, hai chiều hoặc ba chiều. Tới thăm phòng thí nghiệm hôm 10/3, phải căng mắt lắm chúng tôi mới có thể nhìn thấy lờ mờ một số đầu dò tí hon nằm trên một miếng kim loại có kích cỡ vài milimet vuông.

Được biết kính hiển vi quang học không thể phóng đại các mẫu vật có kích thước tí hon nhỏ hơn 1 phần triệu met, chẳng hạn như virút và phân tử. Kính hiển vi điện tử, sử dụng chùm electron, có thể khắc phục những nhược điểm của hiển vi quang học song rất ""khó tính"", cồng kềnh và cũng rất đắt tiền. Mọi mẫu vật đều phải được đặt trong điều kiện chân không, chẳng hạn muốn nhìn ảnh  virus thì trước tiên phải làm chết virus, sấy khô rồi phủ lên virus một loại màng để dễ dàng hiện được ảnh. Do vậy, với kính hiển vi điện tử con người chỉ nhìn thấy hình ảnh của mẫu vật “không còn nguyên dạng” mà thôi. Còn kính hiển vi quét đầu dò phóng đại mẫu vật trong môi trường không khí mà không cần xử lý trước như phủ, mạ...

Theo ông Hoài, tiền thân của SPM chính là kính kính hiển vi STM (Scanning Tuneling Microscope ) mà các cán bộ khoa học của Viện hợp tác với các nhà khoa học Đức chế tạo năm 2000 nhằm mục đích học tập cũng như nghiên cứu. Nguyên lý của Máy STM này do hai nhà khoa học Đức Binnig và Rohrer phát minh năm 1981 và đoạt giải Nobel năm 1986. Tuy nhiên, STM chỉ hữu ích đối với các nhà nghiên cứu vật lý cơ bản và chỉ phóng đại được mẫu vật là chất dẫn điện. Chính vì lý do này mà các nhà khoa học thế giới phát triển họ kính hiển vi quét đầu dò (SPM), có phạm vi ứng dụng rộng lớn hơn, dựa trên nguyên lý của STM. Kỹ thuật SPM là một trong những công cụ mới và mạnh nhất giúp con người nhìn và xử lý mẫu vật ở kích thước nano (1 nano bằng một phần tỷ của một mét).

Bắt đầu từ thập kỷ 90, các công ty lớn như VEECO,SEIKO, JEOL... đã cho ra các sản phẩm SPM thương mại. Từ năm 2000 tới nay, các phòng thí nghiệm tiếp tục phát triển họ các SPM mới, ứng dụng cho công nghệ nano, sinh học phân tử. Tuy nhiên, giá thành của SPM thường quá cao, từ hàng trăm ngàn tới hàng triệu đôla/thiết bị, không phải phòng thí nghiệm nào cũng mua được, nhất là đối với các nước nghèo như Việt Nam. Ngoài ra, thiết bị nhanh chóng lạc hậu và người dùng không thể can thiệp để nâng cấp do nó là hệ kín, được bảo hộ bản quyền.Tuy nhiên, nếu không có những công cụ như vậy thì khó có thể phát triển công nghệ nano và sinh học phân tử. Đón đầu nhu cầu trang bị SPM cho các phòng thí nghiệm ở Việt Nam, cuối năm 2001 Bộ Khoa học công nghệ đã ký hợp đồng đặt hàng với Viện để nghiên cứu chế tạo SPM trong khuôn khổ các đề tài trọng điểm cấp nhà nước.

Tới việc làm chủ công nghệ SPM

Thế là từ năm 2002, các nhà khoa học do TSKH Trần Xuân Hoài làm trưởng nhóm bắt tay vào chế tạo kính hiển vi quét đầu dò, dựa trên kinh nghiệm chế tạo máy STM mà họ đã làm năm 2000. Để thực hiện đề tài cấp nhà nước này, nhóm đã phát triển nhiều loại công nghệ cao như đo lường tín hiệu cực nhỏ, dịch chuyển và định vị các khoảng cách cỡ một phần tỷ met, kỹ thuật chính xác quang học v.v... Vì nhiều công nghệ này chưa từng có ở Việt Nam nên nhóm vừa nghiên cứu vừa đào tạo cán bộ.

Âm thầm vượt qua nhiều khó khăn, cuối cùng họ đã làm chủ được công nghệ, cho ra đời máy SPM sau 24 tháng. Đây là một tổ hợp kính hiển vi lực nguyên tử AFM và kính hiển vi dòng điện ngầm STM, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đặc tính của SPM này là giúp con người dễ dàng quan sát mẫu vật với độ phóng đại cao trong môi trường bình thường, kể cả mẫu dẫn điện và không dẫn điện. Hình ảnh bề mặt được quan sát với độ phóng đại từ hàng ngàn cho tới vài triệu lần đối với mọi chất liệu như kim loại, bán dẫn, sứ, hữu cơ, đại phân tử và sinh học...

Có thể nói sản phẩm SPM dùng trong công nghệ nano và phân tử sinh học này là thiết bị thí nghiệm cao cấp, rất đắt tiền, lần đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam, với giá thành chỉ bằng một phần nhỏ thiết bị ngoại nhập cùng loại. Hôm 4/3/2005, Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước đã đánh giá thành công này sẽ làm cơ sở cho sự phát triển các ngành khoa học then chốt của nước ta. GS.TSKH Vũ Đình Cự, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước, nhận xét: ""Chúng tôi rất phấn khởi vì chúng ta có những chuyên gia làm được những việc như thế này. Nếu như các chuyên gia chỉ thích có nhiều tiền thì họ không làm tỉ mỉ những cái máy tinh vi như thế. Đây là thiết bị của thế kỷ 21 và là thành công đáng nhớ trong nền khoa học công nghệ Việt Nam"".

Hiện các máy SPM nói trên đang được đưa vào sử dụng ở phòng thí nghiệm, chẳng hạn đã chụp được hình ảnh của một số mẫu virus gây bệnh trên cây trồng tại Viện công nghệ sinh học. Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Hoài cho biết do đã làm chủ được bí quyết chế tạo SPM nên Viện có điều kiện chế tạo các kính hiển vi quét đầu dò rẻ tiền dành cho nhiều đối tượng, có thể cả sinh viên cũng có điều kiện tiếp cận. Ông cũng hy vọng từ công nghệ này có thể chế tạo máy siêu âm dùng trong y tế ở Việt Nam.
                                  Nguồn:www.vnn.vn    ngày 31-5-2005

Kính hiển vi quét đầu dò (trái) và màn hình máy tính hiển thị hình ảnh phóng đại của mẫu (phải).
Một nhân viên thuộc Phòng thí nghiệm của Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học đang cho mẫu vật vào kính hiển vi quét đầu dò.

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.