Vi khuẩn 30.000 năm tuổi vẫn còn sống
Ông Richard Hoover, thuộc NASA cho biết có thể loài vi khuẩn này đã phát triển rất mạnh vào kỷ Platoxen, cùng thời với loài voi mamút lông dài.
Ông Hoover tìm thấy được loại vi khuẩn này vào năm 2000 tại đường hầm Fox thuộc Alaska (đây là một đường hầm ăn sâu vào tầng đất đóng băng vĩnh cửu chỉ gồm sỏi đá, băng, đất và luôn luôn ở nhiệt độ âm 4 oC) nhưng mãi đến những ngày gần đây, các nhà khoa học mới có thể khẳng định chính xác được rằng đây là một dạng sống mới.
Phát hiện này cùng với những nghiên cứu khác do Cơ quan hàng không châu Âu thực hiện một lần nữa củng cố giả thuyết cho rằng có sự sống trên sao Hỏa.
Từ lâu, các nhà khoa học đã tin rằng ngoài trái đất thì trong thái dương hệ chỉ có sao Hoả hội đủ những điều kiện để hình thành sự sống. Tuy nhiên cho đến bây giờ những bằng chứng ủng hộ cho lý thuyết này vẫn dừng lại ở mức phát hiện được trên sao Hỏa đã từng có nước chảy.
Tuy nhiên những bức ảnh mới nhất về sao Hoả cho thấy ở gần xích đạo của hành tinh này, bên dưới bề mặt phủ bụi núi lửa có một biển băng khổng lồ. Hơn nữa các nhà khoa học còn dự đoán rằng dưới sức nóng của ánh sáng mặt trời, một số tầng băng bên dưới bề mặt phủ bụi bị có thể bị tan chảy.
Nếu như tầng băng bên dưới thật sự bị tan thành nước thì đây là một điều rất đáng chú ý vì môi trường nước là điều kiện tiền cần thiết để hình thành nên sự sống ở trái đất và hơn nữa đây cũng là một môi trường hoạt động rất thuận lợi của vi trùng.Phát hiện một vi khuẩn sống lại sau 30.000 năm bị đóng băng cùng với phát hiện sao Hoả có một biển băng khổng lồ, chứng minh giả thuyết cho rằng có sự sống trên sao Hỏa là đúng đắn
Nguồn: www.tuoitre.com.vn ngày 24/2/2005