Vi chất dinh dưỡng – Thực trạng và giải pháp
Theo Báo cáo của Viện Dinh dưỡng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, song tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm vẫn còn ở mức cao (24,3%) và tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao khiêm tốn của thanh niên Việt Nam hiện nay.
Bổ sung vi chất dinh dưỡng giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi (ảnh st)
Thiếu vi chất dinh dưỡng còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe
Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn ở mức cao, chiều cao trung bình còn ở mức khiêm tốn. Nguyên nhân quan trọng đó là bữa ăn của người Việt thiếu vi chất dinh dưỡng rất trầm trọng.
Vi chất dinh dưỡng là các vitamin, khoáng chất hoặc chất vi lượng khác cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển và duy trì sự sống cho cơ thể con người.
Các vi chất dinh dưỡng như I-ốt, sắt, kẽm, vitamin A.… rất cần thiết đối với cơ thể con người. Thiếu I-ốt gây xảy thai, đẻ non, đần độn, thiểu năng trí tuệ, bướu cổ sơ sinh; thiếu sắt gây thiếu máu, thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, giảm phát triển trí tuệ, đẻ non, tử vong ở bà mẹ và trẻ em; thiếu vitamin A gây ra bệnh khô mắt, dẫn đến mù lòa... Hậu quả của việc thiếu vi chất dinh dưỡng đối với sức khỏe con người là rất nghiêm trọng. Nó không biểu hiện nhanh chóng ra bên ngoài trong một vài ngày, một vài năm mà diễn tiến bệnh âm thầm, dần dần bào mòn sự phát triển trí tuệ và sự tăng trưởng của con người. Đối tượng bị tác động mạnh nhất bởi thiếu vi chất dinh dưỡng chính là phụ nữ và trẻ em, trong đó, những tổn thương do thiếu iốt gây ra như đần độn, thiểu năng trí tuệ không thể nào chữa được. Thiếu vi chất dinh dưỡng tạo ra gánh nặng quốc gia về sức khỏe và kinh tế: 136.000 phụ nữ và trẻ em tử vong hằng năm do thiếu máu, thiếu sắt; 45% trẻ em tử vong do thiếu dinh dưỡng; tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 11% ở các nước Châu Á và Châu Phi.
Theo Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, thực trạng về thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam cho thấy những con số đáng lo ngại. Về thiếu vitamin A, năm 1995, Việt Nam đã được Tổ chức y tế thế giới (TCYTTG) công nhận là đã thanh toán thiếu vitamin A thể lâm sàng nhưng thiếu vitamin A tiền lâm sàng vẫn còn ở mức ý nghĩa sự kiện cộng đồng. Kết quả điều tra tình trạng thiếu một số vi chất dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em 6 - 59 tháng tuổi tiến hành năm 2014 - 2015 cho thấy, tỉ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13,0%, có sự chênh lệch giữa các vùng; thậm chí, một số địa phương miền núi, tỉ lệ này lên tới 16,1%, tỉ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp ở mức 34,8%.
Thiếu máu: Cũng theo kết quả điều tra toàn quốc năm 2014 - 2015 cho thấy 32,8% phụ nữ có thai; 25,5% phụ nữ tuổi sinh đẻ; 27,8% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu. Tỉ lệ thiếu máu cao nhất ở trẻ em 6 - 24 tháng tuổi (42,7% - 45%) và phụ nữ tuổi sinh đẻ khu vực miền núi (27,9%). Tỉ lệ thiếu máu ở phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ thấp hơn ở khu vực nông thôn và thành phố với tỉ lệ tương ứng là 26,3% và 20,8%. Tỉ lệ thiếu máu có xu hướng giảm, nhưng giảm ở mức chậm và hiện vẫn ở mức trung bình về YNSKCĐ. Thiếu máu do thiếu sắt chiếm tỉ lệ 63,6 % (ở trẻ em < 5 tuổi); 54,3% (phụ nữ có thai) và 37,7% (phụ nữ tuổi sinh đẻ) trong các trường hợp thiếu máu.
Thiếu kẽm: Theo kết quả của cuộc điều tra vi chất năm 2014 - 2015 cho thấy, có 80,3% phụ nữ có thai, 63,6% phụ nữ tuổi sinh đẻ và 69,4% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm và được đánh giá là ở mức nặng về YNSKCĐ. Tỉ lệ thiếu kẽm đặc biệt cao ở trẻ em dưới 5 tuổi đặc biệt cao ở miền núi (80,8%) và nông thôn (71,6%).
Thiếu vitamin D và can xi: Điều tra vi chất năm 2010 trên 19 tỉnh thành của Việt Nam cho thấy, tỉ lệ thiếu Vitamin D huyết thanh và tỉ lệ vitamin D thấp là 17% và 40% ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và là 21% và 37% ở trẻ em. Nếu sử dụng ngưỡng là 75 nmol/L thì tỉ lệ thiếu vitamin D tương ứng là 90% ở cả phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó mức tiêu thụ vitamin D và canxi của phụ nữ và trẻ em Việt Nam cũng mới chỉ đạt 1% và dưới 43% nhu cầu khuyến nghị.
Các chuyên gia khuyến nghị người dân cần bổ sung thêm muối I ốt (ảnh st)
Việt Nam là một trong 19 nước thiếu I ốt trầm trọng
Năm 1994, Việt Nam điều tra dịch tễ học tình trạng thiếu I-ốt và kết quả cho thấy 94% dân số nằm trong vùng thiếu I-ốt (tình trạng thiếu I-ốt ở Việt Nam mang tính toàn quốc, không kể miền núi, thành thị hay vùng đồng bằng, ven biển), tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-12 tuổi là 22,4%, trung vị I-ốt niệu là 3,2mcg/dl. Chính vì tình hình thiếu I-ốt nghiêm trọng như vậy mà ngày 8/9/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 481/TTg về việc tổ chức và vận động toàn dân ăn muối I-ốt. 05 năm sau, ngày 10 tháng 4 năm 1999, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 19/1999/NĐ-CP về việc sản xuất và cung ứng muối I-ốt cho người ăn thay thế Quyết định số 481/TTg. Nghị định này quy định bắt buộc muối dùng cho người ăn (muối thực phẩm) phải là muối I-ốt, vì vậy, sau 06 năm triển khai thi hành Nghị định này, Việt Nam đã thanh toán được tình trạng thiếu I-ốt và đạt được các tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2005: tỷ lệ bao phủ với muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh > 90%, mức trung vị I-ốt niệu > 100 mcg/l và tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi < 5%.
Cho rằng Việt Nam đã thanh toán được tình trạng thiếu hụt I-ốt và người dân không cần phải sử dụng muối tăng cường I-ốt nữa, ngày 29 tháng 12 năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2005/NĐ-CP thay thế Nghị định số 19/1999/NĐ-CP để chuyển sang cơ chế quản lý mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống các rối loạn thiếu I-ốt trở thành hoạt động thường quy của Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan. Việc sử dụng muối I-ốt trong chế biến thực phẩm không còn là bắt buộc và người dân có thể sử dụng muối thường để ăn. Chính vì vậy hiện nay, theo kết quả đánh giá 09 năm thi hành Nghị định số 163/2005/NĐ-CP thì cả nước chưa đến 50% tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ muối I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh (mức khuyến cáo của WHO là tỷ lệ bao phủ muối I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh phải đạt >90%), mức trung vị I-ốt niệu là 8,4 mcg/dl, thấp hơn khoảng an toàn theo khuyến cáo của WHO (10-19 mcg/dl); tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi là 9,8%, cao hơn mức khuyến cáo của WHO (<5%). Đây là một thực tế đáng báo động và tình trạng thiếu hụt I-ốt đã thực sự quay trở lại Việt Nam. Nếu Chính phủ không kịp thời ban hành các chính sách can thiệp, cụ thể là Nghị định này thay thế Nghị định số 163/2005/NĐ-CP thì Việt Nam có thể sẽ lại quay trở lại tình trạng thiếu I-ốt như những năm 1994.
Tại Việt Nam, kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2010 của Viện Dinh dưỡng cho thấy khoảng 14,2% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu vitamin A tiền lâm sàng. Tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng vẫn còn ở mức ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng. Tỷ lệ thiếu Vitamin A tiền lâm sàng có sự chênh lệch giữa các vùng, một số địa phương miền núi, tỷ lệ này lên tới trên 20%, xếp ở mức nặng về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo phân loại của WHO. Tỷ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp vẫn ở mức 35%, chứng tỏ khẩu phần ăn của cộng đồng chưa đáp ứng nhu cầu vitamin A. Tỷ lệ thiếu vitamin A giảm hiện nay phụ thuộc vào biện pháp uống bổ sung viên nang vitamin A liều cao cho trẻ em. Kết quả Điều tra tình trạng thiếu một số vi chất dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em 6-59 tháng do Viện Dinh dưỡng tiến hành năm 2014 cho thấy tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13,1% và tỷ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp vẫn ở mức 35%. Tỷ lệ này không thay đổi so với kết quả của Tổng điều tra năm 2010 của Viện Dinh dưỡng. Tổ chức Y tế Thế giới vẫn xếp Việt Nam vào danh sách 19 nước có tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng mức độ nặng.
Kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết T.Ư trong thời gian 2010 - 2015 cho thấy tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em từ 8 đến 10 tuổi là 9,8%, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh khoảng 60%, mức trung vị i-ốt niệu là 8,4 mcg/dl. Ðây là mức thấp nhất trong 10 năm qua. Trong khi đó theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về thanh toán tình trạng thiếu i-ốt mà nước ta đã đạt được năm 2005 thì tỷ lệ bướu cổ trẻ em từ 8 đến 10 tuổi là dưới 5% và mức trung vị i-ốt niệu ≥ 10 mcg/dl; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh hơn 90%.
Ảnh st
Nên lựa chọn thực phẩm tăng cường vi chất
Nhiều phụ huynh ở khu vực thành thị và nông thôn đều hiểu khá mơ hồ về tầm quan trọng của vi chất, thậm chí không ít người còn nghĩ rằng bổ sung thêm vi chất sẽ làm mất đi sự nguyên chất cũng như sự an toàn của thực phẩm đó.
Phó Trưởng khoa Vi chất, Viện Dinh dưỡng quốc gia Trần Khánh Vân khẳng định các vi chất được bổ sung trong sữa học đường hoàn toàn phù hợp với mức khuyến nghị dinh dưỡng dành cho người Việt Nam và rất cần thiết để cải thiện tình trạng thiếu vi chất ở trẻ em. Hàm lượng các vi chất bổ sung trong sữa cũng nằm trong hàm lượng mà Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến nghị, phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới dành cho trẻ từ 6 tháng đến 12 tuổi.
Trên thế giới nhiều nước đã thực hiện từ rất lâu việc tăng cường vi chất vào thực phẩm. Tại Việt Nam, không chỉ sữa mà nhiều sản phẩm khác cũng được bổ sung các vi chất. Việc bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất ngoài 3 loại vi chất bắt buộc là sắt, vitamin D và canxi không làm thay đổi chất lượng mà còn làm tăng chất lượng của sữa.
Giáo sư Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lưu ý người dân nên lựa chọn các thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày như: muối tăng cường Iốt, bột mì tăng cường sắt kẽm hoặc các thực phẩm có thành phần nguyên liệu có tăng cường vi chất dinh dưỡng này, dầu ăn tăng cường vitamin A… và trẻ em sử dụng sữa tăng cường đa vi chất sẽ có lợi hơn cho sự tăng trưởng và phát triển.
Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là chủ động đưa thêm vào một lượng nhất định một hoặc một số loại vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm được nhiều người ăn nhất. Ðây là biện pháp đơn giản, thuận tiện, hiệu quả dễ đạt được độ bao phủ cao và tính bền vững. Tăng cường vi chất vào thực phẩm đã áp dụng ở nhiều nước, được coi là một trong những can thiệp có hiệu quả nhất, được các tổ chức: Y tế thế giới, Lương nông LHQ, Quỹ nhi đồng LHQ… khuyến nghị các nước áp dụng để thanh toán thiếu vi chất dinh dưỡng. Thực phẩm bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng như: Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt; bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm; dầu thực vật có chứa một trong các thành phần như dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc phải tăng cường vi-ta-min A, trừ dầu thực vật dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp... Hiện đã có hơn 100 nước trên thế giới quy định bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Với khả năng của công nghiệp chế biến tập trung và hiện đại, việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào muối ăn, bột mì, dầu ăn, xì dầu không gây ra những thay đổi bất lợi về mầu sắc, mùi vị, thời gian sử dụng của thực phẩm.
Ảnh st
Giải pháp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng
Theo PGS. TS. Trần Thúy Nga – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, ở Việt Nam, tình hình thiếu vitamin A, thiếu máu thiếu sắt và thiếu kẽm vẫn là các vấn đề thiếu có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Theo điều tra năm 2014-2015 của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam là 27,8%, tỷ lệ này cao hơn ở miền núi 31,2%, nông thôn (28,4%) và thấp hơn ở thành thị (22,2%). Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và tỷ lệ này ở phụ nữ không có thai là 25,5%. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13% trong đó tỷ lệ thiếu vitamin A ở trẻ em dưới 5 tuổi cũng cao hơn ở miền núi (16,1%), nông thôn (13,1%) và thấp hơn ở thành thị (8,2%). Tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi rất cao tới 69,4%, đặc biệt rất cao ở miền núi (80,8%), nông thôn (71,6%) và ở thành thị có thấp hơn nhưng vẫn khá cao (49,7%). Tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai trên toàn quốc đặc biệt cao ở mức 80,3%, và ở miền núi là 87%, ở nông thôn là 80,1%, ở thành phố là 70,8%. Tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ tuổi sinh đẻ cũng rất cao chiếm 63,6%, tỷ lệ này ở miền núi là 73,4%, nông thôn là 60,3%, và thành thị là 54,5%. Các số liệu trên cho thấy trong số các trẻ em dưới 5 tuổi hiện nay có gần 1/3 bị thiếu máu và hơn 2/3 bị thiếu kẽm. Thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi dù tỷ lệ có thấp hơn so với thiếu máu thiếu sắt và thiếu kẽm nhưng vẫn nằm ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo ngưỡng đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới. Như vậy, theo ước tính Việt Nam có khoảng 7,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, thì số trẻ em bị thiếu vitamin A tiền lâm sàng là gần 1 triệu.
Nguyên nhân của tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là do khẩu phần ăn của người dân không đảm bảo cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng quan trọng cho nhu cầu cơ thể, đặc biệt trong một số giai đoạn quan trọng như phụ nữ đang mang thai, cho con bú, trẻ em đang tuổi lớn. Theo điều tra khẩu phần của Viện Dinh dưỡng, khẩu phần ăn của người dân Việt Nam hầu hết không đáp ứng đủ 100% nhu cầu về các vitamin và chất khoáng. Bên cạnh đó, vi chất dinh dưỡng từ nguồn thức ăn động vật có giá trị sinh học cao hơn, cơ thể dễ hấp thu và sử dụng hơn so với thức ăn nguồn gốc thực vật, nhưng các thức ăn động vật đều có giá thành cao nên làm giảm sự tiếp cận thường xuyên của người dân với nguồn vi chất dinh dưỡng có giá trị sinh học cao đặc biệt người dân ở nông thôn, miền núi và các vùng khó khăn.
Muốn không thiếu vi chất dinh dưỡng, PGS Nga rằng, thứ nhất cần uống bổ sung vi chất dinh dưỡng là một giải pháp ngắn hạn quan trọng có thể giúp cải thiện được ngay tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Chương trình uống bổ sung vitamin A cho trẻ em đã được triển khai trên toàn quốc. Nhờ chương trình này, trẻ em Việt Nam từ 6 tháng tới 36 tháng tuổi được uống bổ sung viên nang vitamin A liều cao một năm 2 lần vào ngày 1/6 và ngày 1/12. Người dân cần tích cực mang con tham gia ngày vi chất dinh dưỡng để được sử dụng vitamin A, chủ động mua và sử dụng viên sắt, viên đa vi chất hoặc bột bổ sung đa vi chất theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Thứ hai cần tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm trong đó các thực phẩm như muối, nước mắm, nước tương (xì dầu), hạt nêm, dầu ăn, bột mì… được bổ sung iốt, sắt, kẽm, vitamin A và phân phối trên toàn quốc. Đây là một giải pháp trung hạn có tính ưu việt cao do có sự tham gia của cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng như vitamin A, sắt, kẽm và iốt vào dầu ăn, bột mỳ và muối. Người dân chủ động phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng nâng cao sức khỏe cho bản thân và cho gia đình bằng cách thay đổi thói quen tiêu dùng, tìm mua và sử dụng các thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng theo khuyến nghị của ngành y tế và các cơ quan quản lý liên quan.
Thứ ba là đa dạng hóa bữa ăn sử dụng nhiều loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày là giải pháp tự nhiên nhất nhằm cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể. Đây cũng là giải pháp chiến lược dài hạn cần phấn đấu đạt được và duy trì bền vững. Sử dụng đầy đủ các loại thực phẩm từ bốn nhóm thực phẩm, cân đối khẩu phần ăn, chú ý các thực phẩm nguồn gốc động vật có nhiều vi chất dinh dưỡng có giá trị sinh học cao. Tuy nhiên, đây cũng là giải pháp cho chi phí giá thành lớn nhất do các thực phẩm có giá trị sinh học cao thường có giá đắt (ví dụ hải sản giàu iốt, kẽm, thịt đỏ giàu sắt) và người dân ở nông thôn, miền núi hoặc các vùng khó khăn ít có cơ hội tiếp cận thường xuyên trong khi nhu cầu vi chất dinh dưỡng là nhu cầu hàng ngày.
Bên cạnh đó, chương trình giáo dục dinh dưỡng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về dinh dưỡng hợp lý và phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng được triển khai thường xuyên và đẩy mạnh thông qua các hoạt động dinh dưỡng được Chính phủ phê duyệt như Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia 2010-2020.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng bao gồm uống bổ sung các loại vi chất dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, sử dụng đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn, tẩy giun định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ y tế là cần thiết nhằm ngăn chặn “nạn đói tiềm ẩn” đang có nguy cơ ảnh hưởng tới tầm vóc và trí tuệ người Việt Nam.
Bài: HT