Vén mở bí ẩn... di tích Cổ Loa
Những khám phá mới
Từ 4.000 năm trước, Cổ Loa là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và quân sự của người Việt cổ. Tại đây đã chứng kiến một quá trình phát triển lâu dài, liên tục của văn minh sông Hồng mà đỉnh cao là Văn hóa Đông Sơn. Qua nhiều thời kỳ, khu di tích Cổ Loa được bồi đắp và xây dựng, đến nay đã có nhiều thay đổi. Lâu nay, đền Thượng nơi thờ An Dương Vương vẫn được coi là có niên đại thời Nguyễn (được xây vào thế kỷ XVIII). Thế nhưng với phát hiện mới này, các nhà khảo cổ đoán định có khả năng đã tồn tại một khu đền Thượng từ thời Trần. Đặc biệt, tại hố khai quật tiếp giáp với đền Thượng về phía Nam, ở lớp đất Cổ Loa các nhà khảo cổ còn phát hiện một rãnh đào có khả năng là móng của ngôi đền này. Quy mô của đền có thể nhỏ hơn rất nhiều so với khu đền hiện tại (được khởi công từ thời Nguyễn) và lui về hướng Bắc chứ không phải hướng về phía Nam như ngày nay. Những viên ngói lá đề, lá sen với những hoa văn sóng nước, hoa văn hình dây rất đẹp trên những “mảnh vỡ” trong hố khai quật có niên đại cách đây khoảng 700 năm vốn được dùng để xây đền Thượng từ thời Trần. Các nh à khảo cổ còn tìm thấy nhiều gạch ngói, hố, cột và đặc biệt là khu di tích lò nấu đồng. Trong lò có cả mảnh khuôn đúc (niên đại 4000 năm). Lò có đường kính 60-70cm, cao 1-1,5m, khuôn đúc được làm bằng đá cát và đá mềm. Theo TS Phạm Minh Huyền (Viện Khảo cổ học ViệtNam), Trưởng đoàn khai quật, nếu mở rộng diện tích khai quật về phía Bắc thì chắc chắn sẽ còn nhiều phát hiện khảo cổ khác.
Theo truyền thuyết, đền An Dương Vương nằm trên mình một con rồng độc nhãn. Bên mắt không có con ngươi thì luôn cạn khô. Bên mắt kia thì luôn đầy nước. Kỳ thực, theo thuật phong thủy, khi xây dựng các khu tôn giáo, người Việt cổ thường đào ao, khơi hồ trước cửa cho mát mẻ. “Mắt rồng” theo cách gọi dân gian, thực chất là hai chiếc ao trước cửa đền Thượng. Do phong thủy và mạch ngầm nên một bên ao cạn khô, một bên có nước. Khi đào bên ao có nước, các chuyên gia khảo cổ đã tìm thấy một lò rèn có niên đại Cổ Loa. Lò này có kích cỡ tương đối nhỏ (đường kính 60-70cm). Rất có thể đây là lò rèn binh khí cho đội quân của Thục Phán trong chiến tranh với các bộ lạc bên ngoài.
Giải mã kỹ thuật xây Thành ốc
Lâu nay, bí mật kỹ thuật xây thành ốc Cổ Loa (khởi dựng trong vòng 3 năm từ năm 257-255 tr.Công nguyên) vẫn luôn là câu hỏi làm các nhà khảo cổ, lịch sử đau đầu. Sự đồ sộ và cấu trúc thuộc loại độc đáo bậc nhất... của nó cùng huyền thoại xây chỉ trong một đêm đã tốn không biết bao giấy mực. Theo GS Trần Quốc Vượng, cả ba vòng thành đều do An Dương Vương xây dựng theo cách thức đắp nối các gò đất tự nhiên tạo thành các vòng thành có hình dáng là những đường cong tự nhiên. Sau đó, qua mỗi thời kỳ, thành luôn được tái sử dụng và mỗi lần như vậy, thành đều được sửa chữa, đắp thêm cho phù hợp. Khảo sát tại các hố khai quật cho thấy cách đắp thành là đào đất ngay cạnh tường phía ngo ài mà đắp cao dần lên. Khi đắp tường thành, người xưa có đập, đầm, nhưng không dùng gậy nhồi kỹ như kiểu trình tường. Cấu trúc tường thành Nội gồm hai lớp: trên là lớp đất thịt nhẹ chứa nhiều mảnh sành, sứ các thời, có cả tiền ViệtNamnăm 1946, dưới là lớp đất thuần mịn chắc, chủ yếu là đất thịt và sét feralitic. Trong lớp này, ở độ sâu 1,2m-1,6m phát hiện gốm Cổ Loa trải thoai thoải ra phía chân thành. Qua cấu trúc, có thể thấy thành Nội trải qua hai giai đoạn đắp. Giai đoạn đầu, người ta kè đá dưới chân thành, rải gốm làm cho chân thành vững chắc, chống được úng lầy, sụt lở rồi mới đắp đất lên trên. Như vậy, quy trình đắp thành thực hiện cả thao tác đào hào và đắp lũy, một vài gò đất tự nhiên được sử dụng (đắp nổi) trở thành bộ phận hữu cơ của thành. Cấu trúc và kỹ thuật đắp thành Trung và thành Ngoại cũng tương tự như thành Nội.
Nên chăng thay đổi bản đồ Cổ Loa
Theo PGS.TS Phạm Minh Huyền, tấm bản đồ sớm nhất về Cổ Loa được vẽ năm 1943 với tỷ lệ 1/12.000 của học giả Pháp R.Despierres. Tuy nhiên, ngoài các dữ kiện về vòng thành, vị trí phân bố làng xóm, R.Despierres không mô tả dữ kiện mặt nước. Đến năm 1969, GS Trần Quốc Vượng mới đưa ra bản đồ khảo cổ học Cổ Loa với các dữ kiện mặt nước, các gò, các dải đất cao và phân bố của các di tích khảo cổ học phát hiện được ở Cổ Loa. Thế nhưng từ đó đến nay, những phát hiện mới về khảo cổ học Cổ Loa cùng hiện trạng khu di tích bây giờ đã khác xa so với nửa thế kỷ trước.
Xưa kia khu vực Cổ Loa từng là bãi bồi của sông Hồng, với một nhánh quan trọng chảy qua phía Nam (sông Hoàng, nay chỉ còn là con lạch nhỏ). Rải rác quanh bãi bồi là những gò cao xen giữa những hồ lớn, đầm lầy. Quanh các bờ hồ, đầm... còn có nhiều rừng cọ, rừng cây to, gỗ quý, với những bụi cây gia rậm rạp. Trải qua quá trình kiến tạo địa chất tự nhiên và sự thay đổi sinh hoạt dân cư, đặc biệt là sự xâm chiếm của người dân quanh khu di tích, Cổ Loa giờ chỉ còn các di tích: đền thờ An Dương Vương, giếng Ngọc, am Mỵ Châu và một vài đoạn thành. Theo nhà sử học Nguyễn Doãn Tuân, trước năm 1945, ở thành Nội còn có một tam quan gỗ. Hai bên cửa có hai ụ đất đắp nhô ra và một dải lũy đất đắp thụt vào, chạy dài cho đến đình “Ngự triều di quy” (nay đã san làm đường). Ngoài thành Nội còn đắp các lũy đất và pháo đài tiền vệ ở ba mặt bắc, tây, nam. Tuy nhiên, bây giờ hào thành Nội từ lâu đã bị các bờ đất (trên trồng tre) chia cắt thành những dải ao. Hào thành Trung và hào thành Ngoại đã trở thành những dộc ruộng chiêm, mùa mưa ngập lụt nước. Bởi vậy, có lẽ song song với việc khám phá vị trí thời xưa của Cổ Loa, chúng ta cần có thêm bản đồ Cổ Loa mới như hiện trạng để mô tả quá trình biến đổi của khu di tích này.
Nguồn: KH&ĐS số 26 (1744), ngày 01/4/2005