Về xác định mô hình phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở một số nước và Việt Nam - Thực trạng và những vấn đề đặt ra (nghiên cứu so sánh) (Phần 1)
I-Phát triển xã hội và quản lý xã hội từ góc nhìn chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội – Lý thuyết và thực tế
Chúng tôi xin trao đổi một số nội dung cần thiết như sau:
1- Khi nhận xét về mặt, nhân tố ưu trội trong phát triển của các chế độ xã hội, từ xã hội chiếm hữu nô lệ đến chế độ công sản văn minh, có chuyên gia nước ngoài đã nhận xét là: nhân tố trội của chế độ chiếm hữu nô lệ là chính trị, chế độ phong kiến là thần quyền/ tôn giáo, chế độ tư bản là kinh tế, chế độ cộng sản văn minh là văn hóa.
Thực tế, theo nghĩa đen là chế độ tư bản là chế độ kinh tế luận, tư nhân luận, còn chế độ cộng sản/ cộng đồng là xã hội luận, cộng đồng luận.
Chủ nghĩa xã hội về lý thuyết là trên cơ sở nền kinh tế đã phát triển cao, thì chủ nghĩa xã hội là đề cao và giải quyết tốt vấn đề dân sinh dân chủ, xóa bỏ chế độ bóc lột, áp bức, bất công, đảm bảo công bằng xã hội, tiến bộ xã hội, cả cộng đồng và cá nhân đều phát triển tự do (tự do cá nhân là điều kiện tự do của tất cả mọi người), đó là xã hội có tính nhân văn, nhân đạo cao, có bộ mặt con người rõ nét nhất. Sở dĩ gọi là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng đồng là như vậy.
Chế độ tư bản là chế độ kinh tế luận, tư nhân luận, nghĩa là, cái quyết định nhất của chủ nghĩa tư bản là do kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân quyết định, hoạt động kinh tế là vì lợi nhuận, là đảm bải tăng trưởng kinh tế. Kinh tế vừa là mục đích vừa là động cơ mạnh nhất của sự phát triển. Chính chủ nghĩa tư bản là chế độ mà cơ chế hoạt động kinh tế thật sự có hiệu quả. Nhưng từ đó chủ nghĩa kinh tế tư bản này, nhất là thời kỳ tự do cạnh tranh đã phát triển cực đoan, gây ra khủng hoảng và lấn át mặt xã hội, văn hóa nhân văn, bỏ ngỏ người nghèo, người yếu thế, không giải quyết được mà làm cho bất công, bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo, và xung đột xã hội gia tăng. Các cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ của dân chúng, nhất là của giai cấp công nhân gia tăng. Chính vì vậy, mà nhà nước tư bản đã có can thiệp vào hoạt động kinh tế. Chính sự can thiệp đó vào mục tiêu kinh tế, hoạt động kinh tế với các mục độ khác nhau để góp phần giải quyết các vấn đề xả hội và thành công và thất bại cũng khác nhau.
Cùng với sự phát triển kinh tế và yêu cầu xã hội, thì đã xuất hiện kinh tế thị trường hiện đại, nhất là kinh tế thị trường xã hội, nhà nước phúc lợi, chủ nghĩa tư bản nhân dân, thậm chí là “có bộ mặt người” hơn. Hầu như đó là tất yếu. Dù rằng, chúng ta, những người cộng sản thường phê phán rằng đó là chủ nghĩa tư bản mỵ dân. Nhưng không thể không thấy rằng cùng với khả năng kinh tế và xu hướng xã hội đã thúc đẩy chủ ngghĩa tư bản sang giai đoạn chủ nghĩa tư bản hiện đại, và xuất hiện nền kinh tế thị trường xã hội, nhà nước phúc lợi, “chủ nghĩa tư bản nhân dân”/ nhân đạo như nói trên, Và dù rằng chủ nghĩa tư bản này vẫn không thoát khỏi các mâu thuẫn nội tại của nó, vẫn là chủ ngghĩa tư bản, bóc lột thặng dư giá trị nhiều hơn, khổng lồ hơn và tinh vi hơn, từ đó 99% dân số nghèo, yếu thế mâu thuẫn xung đột với 1% dân số giàu có.
Nhưng những ai đến các nước tư bản phát triển cao vẫn thấy rằng các nước loại này rất gần với chủ nghĩa xã hội hơn chúng ta.
2- Trong khi đó mô hình chủ nghĩa xã hội nhà nước thế kỷ 20, với trình độ xuất phát về lực lượng kinh tế thấp, kém phát triển hoặc mới ở mức phát triển trung bình, nhưng lại thực thi chế độ kinh tế phi thị trường, phi tư nhân, tuyệt đối hóa sở hữu toàn dân, tập trung, bao cấp cao độ, cho nên thực hiện một nền kinh tế kém hiệu quả, không có cơ chế kinh tế năng động và hiệu quả cao, thậm chí tạo ra sự trì trệ, lãng phí, và tham ô của chùa. Tuy nhà nước đả chú ý thực hiện chế độ bao cấp vế ý tế, giáo dục, một phúc lợi xã xã hội, nhưng nhỏ bé và ngày càng mất cân đối, kìm hãm động lực phát triển. Chủ nghĩa xã hội với mô hình ấy đã rơi vào khủng hoảng và sụp đổ hoặc đổi mới chuyển sang chủ nghĩa tư bản, hoặc chuyển sang hướng đổi mới chủ ngghĩa xã hội, chủ ngghĩa xã hội mới, tiếp thu nhiều chính sách kinh tế - xã hội của các nước tư bản và nhất là của chủ nghĩ xã hội dân chủ. Chính NEP của Lênin đã gợi ý cho sự đổi mới ấy, nhưng chiều sâu đổi mới xuất phát từ hiện thực kinh tế thời khủng hoảng.
“Chủ nghĩa xã hội dân chủ” như là đường lối thứ ba giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội truyền thống, chủ nghĩa xã hội nhà nước trong thế kỷ 20. Thực tế dù có thời bị những người cộng sản tả khuynh phê phán đó là chủ nghĩa cải lương, nhưng rõ ràng chủ nghĩa xã hội dân chủ, nhất là chủ nghĩa xã hội dân chủ hướng tả (vẫn dựa vào tư tưởng Mác - Ănghen) đã thành công và đứng vững, điển hình là chủ nghĩa xã hội dân chủ Thụy Điển. Chủ nghĩa xã hội dân chủ khuynh hữu thì xa rời tư tưởng Mác- Ănghen, theo chủ nghĩa tư bản mềm, chủ nghĩa tư bản dân chủ, nhân dân. Thực sự chủ nghĩa xã hội dân chủ, nhất là chủ nghĩa xã hội dân chủ hướng tả đã giải quyết hài hòa hơn yếu tố kinh tế và yếu tố xã hội. Đò là thành công của đường lối xã hội, dân chủ này. Còn mô hình chủ nghĩa xã hội nhà nước, cực quyền, chuyên chế và nghèo đói đã thất bại vĩnh viễn,
Là một nước còn chưa phát triển và đang phát triển, chúng ta không thể duy ý chí và trì trệ. Với đường lối đổi mới, chúng ta đả sửa sai và phải tất yếu phát triển kinh tế thị trường, khuyến khích kinh tế tư nhân, giảm kinh tế nhà nước, ôm đồm kém hiệu quả, đã tạo nên có hoạt động của nền kinh tế mới hiệu quả hơn. Đồng thời với hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, điều mà đáng ra chủ nghĩa tư bản đã làm đã làm cho nền kinh tế khởi sắc. Đó là sự phát triển rút ngắn và quá độ để tiến lên hiện đại và chủ nghĩa xã hội, chứ không phải bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa một cách cực đoan.
Cùng với quá trình đó, chúng ta đã chú ý chính sách xã hội, nhận rõ hơn nhu cầu dân sinh dân chủ, công bằng xã hội, tránh bất công thaái quá, bất bình đẳng lớn, tụt hậu về mặt tiến bộ xã hội, nghĩa là giải quyết nó một cách biện chứng trên từng chặng đường phát triển. Tuy vậy, thường là, nhất là khi trình độ phát triển kinh tế còn thấp, hay chưa cao, do vậy đã chú trọng lĩnh vực kinh tế, chính trị, còn mặt văn hóa, xã hội, môi trường bị lép vế, dù từ lâu đã đề chính sách phát triển văn hóa, xã hội, môi trường, xây dựng con người, coi con người làm điểm xuất phát và mục tiêu cuối cùng, cao nhất.
Nhưng gần đấy thì mới xuất hiện “lý luận phát triển xã hội, quản lý xã hội” song song với các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, môi trường sinh thái, an ninh quốc phòng. Coi trọng lĩnh vực xã hội không chỉ là coi trọng nguồn lực để phát triển cả kinh tế và xã hội mà thực ra nó là nội dung và mục đích cao nhất của CHỦ NGHĨA XÃ HỘI. Tuy vậy, với trình độ thấp thì phải lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm và nền tảng vật chất. Là nước đang phát triển thì không thể ảo tưởng về phát triển xã hội cao ngay, nhưng không thể đợi phát triển kinh tế, và duy/ trọng quá kinh tế, hay duy/ trọng quá xã hội, cực đoan nào đều sai lệch.
3- Xu hướng thế giới ngày nay dù chủ nghĩ tư bản đang thống trị, nhưng đang hình thành “một thế giới khác là có thể”. Võ Anh Tuấn, Cựu đại sứ tại LHQ và một số nước, Chủ tịch Ủy ban hòa bình và phát triển TPHCM, vừa có bài viết “Một thế giới khác là có thể” đăng trên Thông tin tham khảo [1], có nội dung đề acio mặt xã hội của sự phát triển và về chủ nghĩa xã hội tương lai. Đó là phong trào, diễn đàn xã hội [2] tập hợp nhiều tầng lớp xã hội, kể cả tôn giáo, đấu tranh chống “mặt trái của toàn cầu hóa” tư bản chủ nghĩa, hường tới “toàn cầu hóa nhân dân”; chống chủ nghĩa cực quyền bá chủ thế giới, “chủ nghĩa tự do mới” của Mỹ, chống chiến tranh, vì hòa bình và phát triển, tăng trưởng vì người nghèo, giải quyết thành công các vấn đề xã hội, thí nghiệm mô hình xã hội dân chủ, nhân dân tham gia xây dựng chính sách xã hội, mô hình chủ ngghĩa xã hội, động viên thanh niên “chuẩn bị xây dựng chủ ngghĩa xã hội”, “chuẩn bị nắm quyền lực chính trị để xây dựng một tương lai đoàn kết hơn, công bằng hơn, một tương lai xã hội chủ nghĩa” mà kinh nghiệm, mô hình Việt Nam được đề cao (năm 2013, Tổng thống Ra fael Correa của Cộng hòa Ecuavađo). Cuốn sách “Những tranh luận mới của các học giả Nga về chủ nghĩa xã hội” (Nxb CTQG, 2013) cũng nhấn mạnh những vấn đề tương tư khi nói về |chủ nghĩa xã hội thị truờng, chủ nghĩa xã hội dân chủ đưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác và kinh nghiệm thực tiễn của thời đại. Do vậy, quan niệm cho rằng kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội là không thể dung nhau, chỉ có bài trừ như nước với lửa là cách nhìn không biện chứng, thiếu tính lịch sử, dù có nhân danh hiểu biết hay lão thành, trí thức gì đó. Phải hiểu đúng về chủ nghĩa xã hội tronh thế giới ngày nay. phải thoát khỏi chủ nghĩa giáo điều cũ và mới và chủ nghĩa duy ý chí, cả tả khuynh và hữu khuynh.
4- Định hướng XHCN chủ yếu là phát triển, đảm bảo mặt xã hội, như công bằng, bình đẳng xã hợi, tiến bộ xã hội, an sinh xã hội, phục vụ nhân dân (nhất là tầng lớp yếu thế) và chú trọng vấn đề phát triển con người tự do, toàn diện ngày càng cao. Nhưng phải có trình độ phát tiển kinh tế cao mới giải quyết được vấn đề xã hội tương ứng.
Định mặt hướng XHCN ở nước ta ngày nay, theo nghĩa rộng phải gồm cả phát triển kinh tế và các phát triển xã hội (bao gồm cả môi trường, văn hóa xã hội) một cách hài hòa. Phát triển kinh tế cũng phải bằng khoa học công nghệ tiên tiến, xanh sạch; phải chú ý nâng cao năng suất lao động; phát triển có trọng tâm nhưng cân đối giữa các ngành, vùng miền; bỉnh đẳng, công bằng về cơ hội phát triển; nâng cao đời sống của nhân dân, của từng gia đình; phát triển kinh tế - xã hội- văn hóa, môi trường…phải quyện vào nhau… Định hướng xã hội chủ nghĩa có nội hàm tương đối rõ, chứ không phải mù mờ. Một học giả nước ngoài nhận xét: Theo mức lan rộng của sự vỡ mộng [với việc quốc hữu hoá], thì các nhà dân chủ xã hội từng bước từ bỏ các kế hoạch quốc hữu hoá của họ, và chấp nhận ưu thế của sở hữu tư nhân. Cái vẫn tiếp tục được duy trì thuộc sở hữu công (đa phần thuộc sở hữu của chính quyền tự trị địa phương) là phần đáng kể của khu vực giáo dục và y tế… Các nhà dân chủ xã hội không do dự chấp nhận thị trường là cơ chế điều phối chính của các hoạt động kinh tế Thế nhưng họ không tin vào thị trường hoàn toàn tự do, không bị bất cứ sự điều tiết hay can thiệp nào. Ngược lại, họ nhất quyết dùng quyền lực nhà nước cho việc tái phân phối thu nhập. Thành quả vĩ đại của sự ảnh hưởng chính trị của họ là nhà nước phúc lợi hiện đại, với tất cả các nét đặc điểm nổi tiếng của nó: thuế luỹ tiến, giáo dục và dịch vụ y tế không mất tiền hay được trợ cấp lớn của nhà nước, hệ thống hưu bổng nhà nước rộng khắp, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tiền bạc cho những người rất nghèo v.v. [3].
Còn TS. Phạm Duy Nghĩa thì giải thích: Kinh tế thị trường phải dựa trên mấy định đề. Thứ nhất là tư hữu phải được bảo vệ chắc chắn. Của đau con xót, người ta mới lo làm giàu. Thứ hai, phải dựa trên sự tự do cạnh tranh. Anh nào khéo lo liệu, phục vụ khách hàng tốt thì sống khỏe; anh nào lười biếng, dốt nát thì phải phá sản. Và cuối cùng, là nhà nước bảo vệ các quyền tự do đó, có nghĩa là khi quyền, và quyền lợi bị vi phạm, người ta phải dựa vào các cơ quan công quyền. Còn định hướng xã hội chủ nghĩa dựa trên các đặc điểm sau. Trong thị trường luôn có các nhóm người yếu thế, dễ tổn thương bị văng ra khỏi lưới phúc lợi. Tính xã hội chủ nghĩa thể hiện trước hết ở chỗ nhà nước phải là giá đỡ những nhóm đó. Một nền kinh tế thị trường phải thúc đẩy làm ra miếng bánh và tính xã hội chủ nghĩa thể hiện ở chỗ miếng bánh đó được chia một cách tương đối công bằng cho người dân, đặc biệt là những người yếu thế. Ngoài ra, định hướng xã hội chủ nghĩa là phải bảo vệ tài nguyên, thân thiện với những giá trị truyền thống, các giá trị nhân văn mà xã hội đó tôn thờ. Những nền kinh tế như Đức hay Na Uy nay đang hướng về phát triển xanh, không tổn hại đến môi trường sống, đa dạng sinh thái. Những nét nhân văn đó có thể là định hướng xã hội chủ nghĩa, là nâng đỡ bảo vệ các nhóm yếu thế, tạo dựng không gian sống bền vững không chỉ cho loài người, vì các loài khác cũng phải có quyền được sống. Xã hội chủ nghĩa là một giá trị phổ quát theo nghĩa người ta mơ ước về sự công bằng, bảo vệ của nhà nước chống lại sự bóc lột và phi nhân tính. Giá trị nhân đạo như vậy thì được nhiều quốc gia lựa chọn, không phải là đặc quyền của quốc gia nào [4].
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X là một vấn đề hết sức lớn, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; nhấn mạnh Đại hội VI của Đảng là Đại hội đổi mới từ kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, đây là vấn đề then chốt nhất của đổi mới của đất nước. Định hướng XHCN vấn đề gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với định hướng kinh tế thị trường (HBT nhấn mạnh), đây là vấn đề về xã hội, là vấn đề con người; quan điểm của Đảng ta hết sức đúng đắn là tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế phải đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội, vì con người, lấy con người làm trung tâm; trong từng chính sách, từng dự án, từng bước phát triển phải đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội… [5]. Đó là nội dung định hướng XHCN.
Thế mà có người vẫn cho ràng: Cho đến lúc này, ngay cả Hội đồng lý luận Trung ương cũng như các nhà nhà lý luận của Đảng cũng không có ai đưa ra được một định nghiã có sức thuyết phục thế nào là nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Kinh tế thị trường và Chủ nghĩa xã hội không thể tồn tại và giao thoa cùng nhau được! Có cái này thì không có cái kia và ngược lại (http://bolapquechoa.blogspot.com/2014/11/ghi-nhanh-cuoc-gap-o-nha-cu-nguyen.html). Rõ ràng người này không hiểu về chủ nghĩa xã hội ngày naychủ nghĩa xã hội mới là thế nào! xem thêm bài của Hồ Bá Thâm, Biện chứng giữa kinh tế thị trường hiện đại và chủ nghĩa xã hội- chủ nghĩa xã hội thị trường (http://www.nhantainhanluc.com/2014/08/bien-chung-giua-kinh-te-thi-truong-hien.html).
Với cách hiểu khoa học vế học thuyết về chủ nghĩa xã hội như trên, cần đề cao lý luận về phát triển và quản lý xã hội, cũng như áp dụng nó ở nước ta ngày nay chứ không chỉ là chính sách xã hội.
Chỉ chú trọng phát triển kinh tế, coi nhẹ mặt xã hội - môi trường hay chỉ chú ý mặt xã hội mà không đẩy mạnh phát triển kinh tế, ở Việt Nam ngày nay đều là lệch hướng xã hội chủ nghĩa.