Về quan hệ giữa ba nước Trung Quốc - Triều Tiên – Hàn Quốc
Do tình hình Đông Á lúc đó phức tạp, tính toán đến lợi ích của Đài Loan, Trung Quốc và Triều Tiên, hai nước Trung, Hàn đã đồng ý nghiêm khắc bảo mật công việc đàm phám, phía Hàn Quốc đã giữ được “một giọt nước cũng không lọt”.
Từ những năm 50 đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, hai nước Trung, Hàn coi nhau là thù địch, không hề có qua lại, nhưng từ năm 1983, sau khi Bắc Kinh tổ chức Á vận hội, giao lưu dân gian giữa hai nước ngày một tăng. Đến tháng 11 – 1991, Ngoại trưởng Tiền Kỳ Tham, Trung Quốc dẫn đoàn đến Seoul tham gia Hội nghị cấp Bộ trưởng tổ chức hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã được Tổng thống Hàn Quốc Roh Tac Woo tiếp kiến.
Tháng 4 – 1992, Hội đồng quản trị Uỷ ban kinh tế xã hội châu Á – Thái Bình Dương họp hội nghị hàng năm khoá 48 tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Hàn Quốc Lee Sang Ok được mời dự. Phía Trung Quốc đã nhằm đúng thời cơ, Uỷ viên Quốc vụ kiêm ngoại trưởng Tiền Kỳ Tham đã hội kiến ông này tại nhà khách chính phủ Điếu Ngư Đài, đồng thời đạt được hiệp nghị tiến hành tiếp xúc cải thiện quan hệ hai bên. Hai lần giao lưu chính thức này dự báo đàm phán thiết lập quan hệ ngoại giao Trung, Hàn đã tới lúc.
Quả như vậy, tháng 5 cùng năm, hai nước chính thức đàm phám thiết lập mối quan hệ ngoại giao. Theo hiệp nghị mà hai Ngoại trưởng đã đạt được thì đại biểu hai bên là cấp Thứ trưởng, phó đại biểu là cấp đại sứ, trong đó, đại biểu phía Trung Quốc là Thứ trưởng Ngoại giao Từ Đôn Tín, đại biểu phía Hàn Quốc là Roh Chang Hee. Phó đại biểu Trung Quốc là cựu đại sứ Trương Đoan Kiệt, ngay từ lúc Trung Quốc mới thành lập, ông đã tham gia chủ quản công việc bán đảo Triều Tiên, tinh thông tiếng Triều Tiên, quen thuộc tình hình bán đảo, sau này tuy có một thời gian làm đại sứ ở một số nước khác nhưng sự hiểu biết về khu vực Triều Tiên vẫn rất sâu dày; phó đại biểu phía Hàn Quốc là Kwo Byng Byun đã từng giữ chức Trưởng phòng, Cục trưởng Cục châu Á, Bộ ngoại giao, chủ quản công việc Trung Quốc, sau này dù có làm đại sứ Hàn Quốc ở nước khác nhưng vẫn không xa rời châu Á. Mỗi vị đại sứ dẫn 6, 7 trợ thủ tham gia công tác đàm phán.
Tính toán đến nhân tố nhiều mặt, hai nước đã thống nhất đàm phán phải tiến hành bí mật. Cuộc đàm phán lần thứ nhất vào tháng 5 và cuộc đàm phán lần thứ hai vào tháng 6 đều được tiến hành tại ngôi nhà số 14 thuộc Nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài, các vị khách cũng ăn, ở ngay tại nơi đó. Nhà số 14 ở một góc trong Điếu Ngư Đài, tương đối yên tĩnh, không tiếp xúc với ngoại giới. Đoàn của Khow Byng Kyun tuy chỉ có chưa đến mười người, nhưng trên đường tới Bắc Kinh đã chia làm 3 nhóm, đi 3 đường khác nhau, nhằm tránh sự chú ý của quốc tế, có nhóm đi qua Tokyo, có nhóm qua Hồng Kông, có nhóm qua Thượng Hải. Những lúc nghỉ không đàm phán, đoàn Hàn Quốc cũng không ra ngoài nơi ở.
Sau này nghe nói, chỉ có 3 người là Tổng Thống, Trợ lý công tác an ninh và ngoại giao của Tổng thống và Ngoại trưởng Hàn Quốc là biết và nắm chắc toàn cục diện đàm phán thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Theo hồi ức của Kwon Byng Kyun nhân dịp kỷ niệm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao 10 năm (tháng 8 – 2002) thì để che mắt mọi người, đầu năm 1992, ông ta đã có lấy cớ bố mình có bệnh, xin tạm rời cương vị công tác để chăm nom, còn Jin Jong Sung, một Cục trưởng khác trong Bộ ngoại giao thì lấy cớ bị ốm xin từ chức. Kwon Byng Kyun nhớ lại, khi chuẩn bị lên đường đi xa (thực ra là tới Bắc Kinh) bà vợ chuẩn bị hành lý cho ông đã hỏi nơi đến, ở đó nóng hay lạnh, nhưng ông không chịu nói, cuối cùng bà vợ tức quá, chuẩn bị cả hai loại quần áo mùa đông và mùa hè.
Đàm phán thiết lập quan hệ ngoại giao liên quan tới vấn đề nhiều mặt, mà cốt lõi là vấn đề Đài Loan, tức vấn đề một Trung Quốc. Hàn Quốc và Đài Loan đã duy trì “quan hệ ngoại giao” mấy chục năm, lúc đầu không muốn cắt đứt. Nhưng sau mấy lần đấu tranh trong đàm phán, cuối cùng phía Hàn Quốc đã chấp nhận lập trường của Trung Quốc, công nhận Chính phủ nước CHND Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất, tôn trọng lập trường của phía Trung Quốc là chỉ có một nước Trung Quốc, Đài Loan là một phần của lãnh thổ Trung Quốc, Hàn Quốc phải cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, còn phía Trung Quốc biểu thị tôn trọng nguyện vọng của dân tộc Triều Tiên sớm thực hiện bán đảo Triều Tiên hoà bình thống nhất, ủng hộ việc dân tộc Triều Tiên tự mình thực hiện hoà bình thống nhất bán đảo Triều Tiên.
Ngoài các vấn đề trên, việc xử lý ngôi nhà của đại sứ quán Đài Loan cũng là một vấn đề phức tạp. Để đề phòng phía Đài Loan giở trò, mãi đến lúc chỉ còn một tuần lễ nữa là hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, chính phủ Hàn Quốc mới thông báo cho phía Đài Loan hay (khiến phía Đài Loan không thể bá cho bên thứ ba được). Biết là không thể ngăn cản được xu thế đó, ngày 22 – 8, phía Đài Loan đã tranh thủ “cắt đứt quan hệ ngoại giao” với Hàn Quốc 2 ngày trước khi Trung, Hàn chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.