Văn hóa Tây Nguyên gắn với phát triển bền vững
Song, trong tiến trình phát triển, văn hóa của Tây Nguyên cũng như bất kỳ nền văn hóa nào khác đều trải qua quá trình giao lưu, hội nhập ...và cũng chính từ sự “va đập” đó đã tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến những giá trị đặc trưng và bản sắc của một nền văn hóa. Chính vì vậy, từ năm 2013 đến nay, thực hiện chủ trương của Đảng về việc tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa 8), dưới sự chủ trì của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban chỉ đạo Tây Nguyên và Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông phối hợp với Ủy ban nhân dân của các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Phú Yên đã tổ chức thành công 4 cuộc tọa đàm khoa học về “Văn hóa Tây Nguyên”.
Từ các diễn đàn khoa học này đã thu hút được đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có nhiều tâm huyết với văn hóa Tây Nguyên; đặc biệt là các chuyên gia, các trí thức là người dân tộc… trong đó, có nhiều cán bộ lãnh đạo quản lý là người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên đã phát biểu chính kiến của riêng mình cũng như đóng góp ý kiến bằng các tham luận sắc sảo.
Đã có 80 tham luận, trong đó 50% là tham luận của trí thức các dân tộc Tây Nguyên và vùng giáp ranh Tây Nguyên. Trong các cuộc tọa đàm về “Văn hóa Tây Nguyên”, các trí thức đều phát biểu rất cởi mở, thẳng thắn và rất có trách nhiệm đã mang lại một “hơi thở”, một mạch nguồn tươi mới, cùng những tư liệu quý để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hóa, tham mưu, hoạch định các chiến lược phát triển văn hóa nói chung, văn hóa các dân tộc thiểu số của nước ta nói riêng. Đặc biệt là góp phần đắc lực vào quá trình nghiên cứu, phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng.
Với tư cách là một người làm nghiên cứu cũng như được sự phân công Ban Chỉ đạo buổi tọa đàm này, tôi xin đưa ra ra mấy nhóm vấn đề như sau:
Tính khoa học (hay còn gọi là tính nguyên lý)
Như chúng ta đã biết, văn hóa Tây Nguyên có nguồn gốc sâu xa, sâu xa bởi vì khi hình thành nên vùng Tây Nguyên đã có người Tây Nguyên. Còn miền Trung, Nam Trung Bộ chỉ hình thành 400 năm trở lại đây và tiếp biến từ văn hóa Chăm pa. Hay các tỉnh Nam Bộ chỉ có trên 300 năm tiếp biến từ văn hóa Chân Lạp. Vì vậy văn hóa Tây Nguyên cũng giống như văn hóa miền Bắc, có từ ngàn năm và mang tính nhất thể, tính độc lập. Nói như Tiến sỹ Vũ Ngọc Hoàng: “con người nói chung đầu tiên ở trong rừng sâu hun hút, sau đó ra bờ suối rồi tiến ra bãi bồi và theo sông về với đồng bằng. Văn hóa nguyên thủy là từ rừng”.
Thêm nữa, Tây Nguyên còn được chọn là 1 trong 7 vùng văn hóa lớn của đất nước. Trong đó, văn hóa Tây Nguyên gắn với rừng đại ngàn của Tây Nguyên. Nhà văn Nguyên Ngọc đã đưa ra một nhận xét khá tinh tế rằng: “Trong văn hóa rừng có văn hóa sản xuất. Bao gồm cả văn hóa trồng tỉa, hái lượm và săn bắn gắn dưới tán rừng”.
Bên cạnh đó, cũng phải nói thêm rằng văn hóa Tây Nguyên là rất đa dạng và phong phú, bởi mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng. Trong đó, văn hóa làng bản với nhiều đặc trưng của mỗi dân tộc, cùng nhiều luật tục, nhiều lễ hội đã tạo nên sự phong phú và đa dạng đó.
Tiến sỹ Tuyết Nhung Buôn Krông trong tham luận về văn hóa làng Tây Nguyên có đặt ra một vấn đề như sau : “Trong xã hội Tây Nguyên, không gian buôn làng là tổ chức xã hội dân sự, đặc biệt có vai trò quan trọng đối với sự phát triển xã hội. Trong không gian xã hội đó, con người liên kết với nhau theo hệ thuyết huyết thống và liên minh dòng họ một cách chặt chẽ trên cơ sở các luật tục cộng đồng làng được liên kết tồn tại và phát triển bởi một không gian cư trú, không gian tâm linh được hưởng những đặc quyền về sở hữu, về lợi ích và sinh hoạt văn hóa. Sự liên kết này thể hiện tính dân chủ, tính cộng đồng rất cao tạo nên nội lực để phát triển kinh tế xã hội truyền thống”.
Nói về văn hóa làng, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: Văn hóa Tây Nguyên muốn tồn tại được thì phải gắn với văn hóa làng, nhiều ý kiến khác thì nêu rõ phải gìn giữ nhà sàn, nhà dài, nhà rông…Nói đến văn hóa Tây Nguyên là phải nói đến những nét riêng như: văn hóa chữ viết, ngôn ngữ: văn hóa âm nhạc truyền thống, văn hóa dân gian với những sử thi, trường ca, các lời nói vần, hát giao lưu, giao duyên, văn hóa phục trang.
Đặc biệt, Tây Nguyên có không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đã có diễn giả nêu rằng vì sao UNESCO lại dùng không gian mà không nói âm nhạc cồng chiêng. Bởi vì không gian là cái gốc và cồng chiêng chỉ tồn tại khi có không gian này, đó là không gian văn hóa Tây Nguyên.
Văn hóa Tây Nguyên còn gắn chặt với những giá trị tín ngưỡng, tôn giáo, gắn chặt với quá trình hình thành và tiếp biến của loài người trong cộng đồng Tây Nguyên. Nếu chỉ xét riêng về văn hóa phục trang Tây Nguyên thôi cũng cho thấy có rất nhiều sự thú vị và phong phú. Bởi mỗi một dân tộc đều có phục trang riêng, có ẩm thực riêng và có nhiều tập tục riêng …
Nhớ lại, khi miền Nam giải phóng 1975, Tây Nguyên chỉ có 1 triệu người với 12 dân tộc, bây giờ đã là 5 triệu, dân số cơ học tăng rất nhanh, chủ yếu là người Kinh và các dân tộc ở miền Bắc vào. Việc di dân, di cư ồ ạt kéo dài từ nhiều năm như vậy đã làm cho tỷ lệ người dân tộc bản địa Tây Nguyên thay đổi, hiện nay chỉ còn 23-27% là người dân tộc bản địa của Tây Nguyên.
Chính quá trình tăng nhanh về dân số này đã tác động đến văn hóa Tây Nguyên. Ở Tây Nguyên hôm nay có đủ 54 dân tộc. Và vì vậy, văn hóa các dân tộc bản địa bị biến đổi. Có nhà nghiên cứu gọi đó là cách tiếp biến mới. Xã hội không có tiếp biến thì không tiến lên, nhưng với văn hóa Tây Nguyên, đây là một thách thức lớn. Nhìn nhận vấn đề này, nhà văn Nguyên Ngọc đã nói rằng: nhiều tiếp biến trở nên tốt, nhất là trong văn hóa sản xuất, nhưng có những tiếp biến khác nhất là trong văn hóa, dễ dẫn đến sự gãy đổ. Đây là mệnh đề rất cần nghiên cứu.
Và thực trạng của văn hóa Tây Nguyên
Nói về vấn đề này, các tham luận đều nêu lên thực trạng chung của văn hóa Tây Nguyên với sự cảnh báo là đang ngày một mai một. Rừng bị tàn phá, người dân tộc phải bỏ rừng. Nhà văn Nguyên Ngọc đã khẳng định rằng: “Mất rừng là mất văn hóa” và đề nghị văn hóa rừng phải được đặt lên hàng đầu. Nhà văn nhấn mạnh: “Rừng là cội nguồn của đời sống tâm linh, là phần sâu xa của con người và cộng đồng. Mất rừng thì con người Tây Nguyên và cộng đồng Tây Nguyên sẽ mất đi nền tảng rộng lớn của chính họ vì nó gắn liền với quốc thể, cộng đồng và được các thế hệ gởi gắm, nuôi dưỡng, chung sống, hòa thuận với rừng từ bao đời nay. Rừng không những là điều kiện nuôi sống đồng bào các dân tộc mà còn là nơi thiêng liêng của cộng đồng dân tộc, của làng”.
Chính những tác động trên đã dẫn đến qui mô của làng bản ở Tây Nguyên không còn như xưa, nhất là những khu định cư mới cho các công trình thủy điện. Việc định cư gần như làm cho không còn những buôn làng như xưa nữa, mất đi những nhà rông, nhà dài, nhà sàn.
Xin trích một đoạn trong tham luận của đồng chí Nguyễn Thế Đạt - Ủy viên Ủy Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, như sau : “Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên hiện nay đang có rất nhiều khó khăn nên chưa có điều kiện quan tâm đến việc giữ gìn phát huy văn hóa truyền thống và hiện nay văn hóa truyền thống đó đang ngày càng bị mai một, thậm chí có những địa phương, những người dân bán cả tài sản văn hóa vật thể như cồng chiêng, ché, nhà cổ để lấy tiền làm vốn sản xuất đời sống. Hiện nay, việc này trên thực tế đã và đang diễn ra lâu dài nhưng chưa ai biết đến. Bên cạnh đó, những cuộc di dân, di cư, dòng người đổ về Tây Nguyên là một hiện tượng xã hội đặc biệt bởi qui mô của nó làm cho dân số toàn vùng tăng đột biến, từ đó tạo ra những biến đổi về văn hóa Tây Nguyên, bản sắc văn hóa bản địa bị phá vỡ, lai tạp, sự biến đổi này làm cho từng nét văn hóa cũng biến đổi theo. Như hiện nay bà con không còn sống tập trung trong những ngôi nhà rông, nhà dài như trước nữa. Và chúng ta thấy rằng hiện nay văn hóa nhà rông, nhà dài đã bị mai một. Những mái nhà dài Ê Đê, nhà rông Ba Na, Xê Đăng và người Kơ Tu, những nét kiến trúc riêng với nhau dần dần biến mất ở các buôn làng Tây Nguyên. Giờ đây nhà truyền thống được thay lên bằng nhà bê tông. Điều đó đã cho thấy không gian sinh hoạt của loại văn hóa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đang dần bị thu hẹp. Mặt khác, nạn di dân, di cư diễn ra kéo dài, kéo theo nạn khai thác, phá rừng với tốc độ chóng mặt, ngày càng nghiêm trọng, diễn ra tràn lan, làm diện tích rừng bị mất đi”.
Khi bàn về “Văn hóa làng”, các đại biểu đã băn khoăn rằng làm sao phải giữ được buôn làng và cho rằng đó cũng là cái gốc của văn hóa Tây Nguyên. Và phải có văn hóa buôn làng thì văn hóa lễ hội mới hoạt động được. Song, có một thực trạng là hiện nay có rất nhiều lễ hội được coi là hồn cốt của văn hóa Tây Nguyên như lễ hội đâm trâu, lễ hội năm mới, lễ hội cồng chiêng… đang dần bị mai một đi và chỉ còn thấy xuất hiện trong các Festival, trong các lễ hội của nhà nước tổ chức là chính.
Có đại biểu cũng nhận định rằng: Buôn làng là cái gốc, cái nôi của văn hóa Tây Nguyên. Lớp trẻ không còn quan tâm nhiều đến văn hóa truyền thống, cũng có thể do sự du nhập của mạng Internet, văn hóa hiện sinh của cơ chế thị trường. Rồi, cồng chiêng bị thương mại hóa, bị bán ở các tỉnh ở miền xuôi. Thực trạng đáng lo là không gian văn hóa cồng chiêng đang bị thu hẹp dần, nghệ nhân sản xuất cồng chiêng, người sử dụng cồng chiêng ngày càng ít. Văn hóa trang phục cũng đang ngày một bị đồng hóa. Ở miền Bắc phục trang phát triển rất tốt, các dân tộc Thái, Mường, H Mông… đều giữ nguyên và cách điệu rất đẹp từ mũ, giầy, quần áo. Nhưng phục trang của người dân tộc Tây Nguyên gần như giữ nguyên và không được nâng lên và cũng rất ít được sử dụng, dường như chỉ có thể thấy ở lễ hội, ở đại hội... Câu hỏi đặt ra là, vì sao rất ít khi thấy người dân tộc Tây Nguyên dùng phục trang dân tộc hàng ngày? Rồi chữ viết, ngôn ngữ, đặc biệt là vấn đề giáo dục … bởi giáo dục là tiền đề vô cùng quan trọng để mà Tây Nguyên có thể phát triển bền vững. Nhưng đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa quan tâm đầy đủ đến. Vì vậy, phải có nghiên cứu về nội dung của giáo dục Tây Nguyên bên cạnh giáo dục chung. Đây là yếu tố then chốt để Tây Nguyên phát triển bền vững.
Nhìn chung, có thể thấy rằng thực trạng văn hóa Tây Nguyên đang ngày càng bị mai một, xuống cấp, nhưng nếu đặt vào bối cảnh chung thì văn hóa Tây Nguyên cũng nằm trong tình trạng chung của cả nước. Thực trạng của Tây Nguyên đã gợi mở ra rất nhiều vấn đề, nhưng cũng có thể thấy rằng, văn hóa của cả nước giữ lại và nâng lên thì dễ hơn. Còn ở Tây Nguyên nếu không bảo tồn tốt không có chính sách đặc thù thì sẽ là một điều khó lường.
Vậy thì để bảo tồn, cần giải pháp nào, nguyên nhân vì đâu?
Để trả lời câu hỏi trên, chúng ta cần tập trung vào những điểm chính như sau:
Trước nhất là do sự biến động dân số từ chỗ Tây Nguyên có 95-99% là người các dân tộc bản địa, đến nay người bản địa chỉ còn 23-27%. Người nhập cư ồ ạt gồm người Kinh và người các dân tộc phía Bắc đến đã làm thay đổi nền tảng văn hóa Tây Nguyên mà trước mắt là văn hóa rừng do nạn khai thác rừng ồ ạt. Các đại biểu đã kiến nghị Nhà nước cần phải có chính sách về việc nhanh chóng phục hồi rừng, (không tính rừng cây cao su và cây cafe vào diện tích rừng). Việc này không chỉ giải quyết cho vấn đề biến đổi khí hậu mà cái chính là để đảm bảo việc gìn giữ lại văn hóa Tây Nguyên.
Kế đó là Tây Nguyên chưa có chính sách đặc thù để gắn giáo dục với văn hóa Tây Nguyên. Nhiều ý kiến cho rằng ngành giáo dục chưa đưa được vấn đề giáo dục văn hóa cổ truyền dân tộc Tây Nguyên vào dạy cho học sinh Tây Nguyên. Bởi các em là những người chủ tương lai của Tây Nguyên, nếu không được đào tạo, không được giáo dục từ bây giờ thì thế hệ thứ hai, thứ ba sẽ không còn biết tới những văn hóa truyền thống này nữa.
Nói về vấn đề này, tác giả Linh Nga Niê Kdam đã phát biểu: “ Từ khi vào lớp một đến tốt nghiệp lớp 12, thanh thiếu niên người dân tộc các vùng, miền được học bao nhiêu, và học những gì về văn hóa truyền thống của người dân tộc? Thử hỏi có bao nhiêu trí thức người dân tộc, chưa nói đến bà con, hiểu rõ không gian văn hóa cồng chiêng của Tây Nguyên cụ thể là gồm những gì? Vì sao được tôn vinh? Có em hỏi tôi trong lịch sử Việt Nam không thấy có chút gì về lịch sử Tây Nguyên. Cách giáo dục yêu nước, yêu dân tộc như thế có ổn không?”
Đồng quan điểm với ý kiến nêu trên, Giáo sư Đoàn Văn Điện, Giáo sư Trần Hồng Quân đã nhắc rất kỹ sự rất cần thiết phải đưa vào chương trình văn học, chương trình lịch sử các vấn đề về văn hóa dân tộc, làm tốt công tác giáo dục ở Tây Nguyên là giải pháp bảo tồn phát huy văn hóa Tây Nguyên tốt nhất. Bà Nguyễn Thị Bình (Nguyên Phó Chủ tịch nước) trong phát biểu của mình khẳng định rằng giải pháp tiên phong mang tính quyết định là con người, là giáo dục. Bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh: “ Văn hóa là con người, giáo dục đào tạo con người có văn hóa là yếu tố then chốt để phát triển bền vững và đưa Tây Nguyên thành căn cứ địa vững mạnh”.
Về vấn đề bảo tồn văn hóa Tây Nguyên, các nhà khoa học đã đặt ra luận đề: lâu nay nói đến bảo tồn người ta nghĩ đến bảo tàng và thường là bảo tàng tĩnh, là đưa vào nhà bảo tàng, giữ gìn và trưng bày để mọi người xem. Với văn hóa Tây Nguyên cần một bảo tàng thứ 2 là bảo tàng động. Bảo tàng động là làm sao truyền dạy phát huy giá trị văn hóa này và đưa vào trong cuộc sống, có như vậy nền văn hóa mới được phát huy và sẽ bền vững. Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng nếu làm được du lịch văn hóa bản làng, du lịch sinh thái, đưa việc giữ gìn và phát triển bền vững văn hóa Tây Nguyên, nhất là văn hóa cồng chiêng sẽ rất thành công.
Thêm nữa là cần phải có sự quan tâm đúng mức hơn nữa cùng cái nhìn sát thực hơn nữa khi mà trước đây Đảng đã có Nghị quyết 05 Khóa VIII, nay thì có Nghị quyết 9 Khóa XI về văn hóa nhưng thực chất thì các cấp ủy Đảng và chính quyền chưa quan tâm đúng mức về văn hóa Tây Nguyên. Cái mấu chốt trọng yếu là ở đây, là tư duy, quan điểm. Có tư duy, quan điểm đúng thì có chính sách và ngân sách phù hợp. Hiện tại do tư duy chưa coi văn hóa là quan trọng nên đã làm cho văn hóa Tây Nguyên khó phục hồi và phát triển.
Một vấn đề nhạy cảm khác được đề cập là tôn giáo. Các đại biểu cho rằng tôn giáo và tâm linh là một nét đặc trưng, ảnh hưởng sâu thẳm đến văn hóa Tây Nguyên. Có 3 tham luận cho rằng vấn đề tôn giáo ở Tây Nguyên cần phải có một chính sách đặc thù và nó ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa Tây Nguyên.
Khi bàn đến các giải pháp, thì hầu hết đều tán đồng là giải pháp được coi là đột phá và có thể làm ngay chính là đưa văn hóa vào sự phát triển bền vững của Tây Nguyên, nhiều đại biểu đã cho rằng là phải phát triển du lịch. Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hưng – Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục du lịch trong tham luận của mình đã đưa ra con số thống kê cho thấy những tín hiệu đáng mừng rằng: Tỷ lệ người chọn loại hình du lịch văn hóa lên đến 60%. Đồng quan điểm trên Bà Huỳnh Bích Ngọc - Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công cũng cho rằng “ Du lịch là khâu đột phá, bởi vì phát triển du lịch thì văn hóa được bảo tồn và phát huy, xã hội được phát triển và văn minh được nâng tầm”. Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công đã dẫn dụ ra rằng: Khu du lịch Đồi Mộng Mơ của Tập đoàn Thành Thành Công đã đưa văn hóa Tây Nguyên có cả văn hóa cồng chiêng và được du khách hoan nghênh, hưởng ứng.
Qua tổng kết các tham luận tại các hội thảo, bản thân tác giả cũng nhận thấy rằng, chúng ta cần xây dựng mô hình về buôn làng đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Ở đó có không gian của rừng, của suối, có vườn và các nhà sàn dựng lên được hiện đại bên trong. Có nhà rông, nhà dài. Khách du lịch đến có thể nghỉ lại trong các nhà dân, được ăn với dân, được tự tay giã gạo, được dự đêm hội bên lửa trại với rượu cần, thịt nướng, nhảy múa cùng nhạc cồng chiêng với người dân tộc trong phục trang đẹp; làm được thì giữ được văn hóa làng bản, văn hóa lễ hội. Như vậy, du lịch đã bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Tây Nguyên. Văn hóa đã trở thành nguồn thu của đồng bào trong dân tộc. Tâm hồn và đạo đức người dân được nâng lên, thánh thiện, nhân ái và thân tình. Văn hóa Tây Nguyên sẽ ở lại trong tâm hồn du khách năm châu bốn biển. Và đó chính là cách để văn hóa tham gia và đóng góp vào sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên.