Vấn đề xuyên suốt 85 năm lịch sử của ĐCS Việt Nam
TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết: Vấn đề xuyên suốt 85 năm lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam của PGS.TS Hoàng Trang (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
Đầu xuân năm 1930, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Tới nay, trải qua 85 năm, Đảng đã không ngừng củng cố, phát triển vượt bậc và lãnh đạo toàn dân tộc liên tiếp giành được những kỳ tích trong tiến trình cách mạng. Có được thành tựu này do ngay từ buổi đầu Đảng ra đời, Hồ Chí Minh và các thế hệ tiếp sau đã nhận thức rõ và thực hiện tốt vấn đề xuyên suốt – cốt tử của Đảng là phải thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng không phải chỉ thực hiện khi Đảng có khuyết điểm, theo Hồ Chí Minh, đây là công việc thường xuyên của Đảng. Như Người chỉ rõ – Đảng ta gồm những người tự giác, những người con ưu tú của giai cấp, của dân tộc hợp thành đội ngũ có tổ chức. Đội ngũ này, phải thường xuyên được chỉnh đốn và xây dựng chỉnh tề thì mới có sức mạnh để lãnh đạo toàn dân thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Quá trình tổ chức, xây dựng và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đề xuất và thực hiện một hệ quan điểm có tính nguyên tắc mà ngày nay Đảng xác định đó là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Quan điểm có tính nền tảng cho các quan điểm khác về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là câu trả lời Đảng là của ai, mục đích (lợi ích) của Đảng là gì? 21 năm sau ngày Đảng ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh câu trả lời này: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc Việt Nam; Đảng là đội tiên phong, bộ tham mưu của giai cấp công nhân và của dân tộc; Đảng không có lợi ích riêng mà chỉ có một lợi ích vì độc lập tự do và hạnh phúc của cả dân tộc; Đảng phải “vững” để lãnh đạo cách mạng của dân tộc và giai cấp tới thành công hoàn toàn. Hiện nay, quan điểm này được Đảng long trọng ghi rõ trong Cương lĩnh và Điều lệ của Đảng (2011).
Để xây dựng Đảng thành Đảng “vững” – về sau Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là “Đảng trong sạch, vững mạnh, kiểu mẫu”, Đảng “là đạo đức, là văn minh”, Người thực hiện xây dựng Đảng trên các mặt: Tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo đức, phương thức lãnh đạo và phong cách công tác. Đồng thời, Người thực hiện đồng bộ các nguyên tắc xây dựng Đảng đi liền với thực hành công tác kiểm tra, kiểm soát của Đảng.
Nguyên tắc có tính nền tảng trong xây dựng Đảng luôn được Hồ Chí Minh chú ý, và Người thực hiện tốt ngay từ đầu là Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Xây dựng Đảng về tổ chức, Người đặc biệt chú ý, Đảng phải thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, vì nó sẽ mang lại sức mạnh cho Đảng.
Trong thực hành lãnh đạo, Hồ Chí Minh đòi hỏi Đảng phải thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Thực hiện tốt nguyên tắc này, Đảng sẽ không rơi vào chủ quan, độc đoán, chuyên quyền, do vậy mà có đủ sức mạnh biến đường lối của Đảng thành hiện thực sinh động.
Trong sinh hoạt Đảng, Người nhấn mạnh, Đảng phải thực hiện đúng đắn nguyên tắc tự phê bình và phê bình, đó là một vũ khí, là quy luật làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng phải thực hiện tốt nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh và tự giác; cũng như nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng; nguyên tắc xây dựng mối quan hệ máu thịt với nhân dân.
Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Hồ Chí Minh đòi hỏi, đồng thời với việc thực hiện thật tốt các nguyên tắc trên phải đi liền với làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát. Kiểm tra, kiểm soát được thực hiện đúng đắn, thường xuyên sẽ giúp cho các tổ chức của hệ thống chính trị, các cơ sở đảng thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như làm cho cán bộ, đảng viên và toàn Đảng trong sạch, vững mạnh.
Các nội dung và nguyên tắc xây dựng, chỉnh đốn Đảng do Hồ Chí Minh chỉ ra đã được Đảng Cộng sản Việt Nam quán triệt và thực hiện triệt để, nhờ vậy, mà Đảng mới 15 tuổi với 5.000 đảng viên đã lãnh đạo toàn dân tộc làm cách mạng tháng Tám thành công (1945) – đưa Đảng ta thành Đảng Cộng sản đầu tiên ở Châu Á, và là Đảng thứ ba trên thế giới giành được chính quyền. Cũng nhờ Đảng ta trong sạch, vững mạnh mà đã lãnh đạo toàn dân đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975) đến toàn thắng, quy tụ đất nước về một mối.
Khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, suốt gần 30 năm qua (1986 - 2015), Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhận thức rõ và ra sức thực hiện vai trò: Đảng ta là Đảng cầm quyền, phải thường xuyên “đặc biệt chăm lo củng cố, xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân”. Nhờ vậy, sau 20 năm đổi mới, cách mạng nước ta đã giành được thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử, hiện nay nước ta mạnh nhất từ trước tới nay.
Đặc biệt từ Đại hội lần thứ XI (2011) của Đảng, khi sự nghiệp đổi mới ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu càng đòi hỏi về năng lực, bản lĩnh và kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng. Lúc này, làm tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng cũng chính là để thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trước đòi hỏi trên, Đảng cũng nhận rõ: Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì “vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.
Từ nhận thức sâu sắc về công tác xây dựng Đảng trước tình hình mới, Đại hội XI của Đảng đã đề ra 8 nhiệm vụ về xây dựng Đảng. Thực hiện chủ trương của Đại hội XI, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư – khóa XI đã họp (từ ngày 26 đến 31/12/2011) và ra Nghị quyết số 12-NQ/TW về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Nghị quyết nêu rõ: Để tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt 8 nhiệm vụ về xây dựng Đảng được thông qua ở Đại hội XI của Đảng, coi đó là những nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa lâu dài và phải thực hiện thường xuyên, có hiệu quả, đồng thời cần tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách sau:
Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Để thực hiện ba nội dung trên, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 - Khóa XI của Đảng đã vận dụng các nguyên tắc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác kiểm tra, kiểm soát để đề ra bốn nhóm giải pháp.
Nhóm giải pháp thứ nhất, về tự phê bình và phê bình, nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu của cấp trên (gồm ba giải pháp). Nhóm giải pháp thứ hai, về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng (gồm bảy giải pháp). Nhóm giải pháp thứ ba là, về cơ chế chính sách (gồm năm giải pháp). Nhóm giải pháp thứ tư là về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng (gồm năm giải pháp).
Như vậy, tuy đặt vấn đề là giải quyết một số vấn đề cấp bách về xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay nhưng Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 đã thể hiện rõ sự quán triệt và vận dụng rất toàn diện và cụ thể tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết thể hiện sự tiếp cận của Trung ương rất đúng, rất trúng vấn đề và cũng thể hiện quyết tâm rất cao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tạo bước đột phá trong việc thực hiện nhiệm vụ then chốt của sự nghiệp đổi mới là xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Bốn năm qua (2011-2014) đã thể hiện rõ quyết tâm rất cao của Trung ương và toàn Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vấn đề có tính nguyên tắc cao là thực hiện đổi mới trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội luôn luôn được khẳng định và thống nhất cao. Việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh được tiến hành thường xuyên, có chiều sâu, thiết thực. Đại hội XI của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Sau Đại hội, Đảng lãnh đạo Nhà nước xây dựng và thông qua Hiến pháp (2013) và một hệ thống luật – thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, toàn Đảng, đặc biệt là Trung ương đã làm gương trong công tác tự phê bình và phê bình. Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, kỷ luật của Đảng được tăng cường. Công tác kiểm tra, kiểm soát được tiến hành thường xuyên, kịp thời, minh bạch và hiệu quả. Quốc hội, Hội đồng nhân dân hai lần lấy phiếu tín nhiệm đối với những người được cơ quan dân cử bầu – lần sau tốt hơn lần đầu. Ban Chấp hành Trung ương lấy phiếu tín nhiệm với các Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Công tác tổ chức, cán bộ từng bước khắc phục yếu kém, khuyết điểm, nhất là trong xây dựng đội ngũ cán bộ dự nguồn cấp Trung ương…
Vấn đề xuyên suốt 85 năm lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam là thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI lãnh đạo toàn Đảng tạo ra bước đột phá, tạo đà cho năm 2015 và khóa tiếp theo.