Vấn đề an toàn đường bộ: chủ đề được tất cả các nước ASEAN quan tâm
Chiều ngày 19 tháng 8 năm 2020, nhóm công tác về Giao thông vận tải và Dịch vụ hậu của AFEO tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến trong khuôn khổ Hội nghị giữa kỳ AFEO.
Ông Tongkarn Kaewchalermtong, thiếu tá, giảng viên Khoa Xây dựng dân dụng, Học viện quân đội Hoàng gia Chulachomklao Thái Lan, Chủ tịch nhóm điều hành hội thảo. 9/10 nước thành viên AFEO (trừ Lào) tham gia tại nhiều điểm cầu.
Đại diện phía Việt Nam, ông Doãn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam đã trình bày báo cáo cập nhật về Giao thông đường bộ và Dịch vụ hậu cần ở Việt Nam. Theo đó, tính đến tháng 5/2020, Việt Nam có gần 3,8 triệu ô tô, gần 60 triệu xe máy, đứng thứ 4 trên thế giới về số lượng xe máy lưu thông, sau Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia. Tính đến cuối năm 2019, có 17,626 vụ tai nạn giao thông, trong đó 75% nguyên nhân liên quan đến xe máy và xe đạp điện khiến 7,624 người chết và 13,624 người bị thương. Nhưng những vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng gây ra bởi xe tải và xe container chiếm 87.13% gây bức xúc dư luận.
Về dịch vụ hậu cần, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 các nước được khảo sát, tăng 25 bậc so với năm 2016.
Có khoảng 3000 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực giao thông và hậu cần.
Tỉ lệ phát triển ngành dịch vụ hậu cần của Việt Nam đạt 14%-16% những năm gần đây, tương ứng 40-42 tỷ USD/năm, được ghi nhận là một ngành dịch vụ phát triển nhanh và ổn định.
Đại diện Hội kỹ sư Myanmar trình bày thực trạng ngành giao thông vận tải và hậu cần Myanmar. Theo đó Myanmar có hội đồng an toàn đường bộ quốc gia giám sát, tư vấn và triển khai các hoạt động liên quan đến an toàn đường bộ.
Chủ đề này được nhấn mạnh và quan tâm từ các nước. Tại CAFEO 37 năm 2019, nhóm công tác thống nhất xây dựng dự thảo Sổ tay hướng dẫn an toàn đường bộ ASEAN. Theo đó, trong nhóm công tác về Giao thông vận tải và Dịch vụ hậu cần mỗi nước sẽ biên soạn một chương về nước mình, trong đó có 12 nội dung cơ bản hướng dẫn an toàn đường bộ, sau đó gửi Chủ tịch nhóm để tổng hợp và báo cáo tại CAFEO 38 năm 2020.
Một trong những nội dung quan tâm và thảo luận sôi nổi của các đại biểu tham dự là giải pháp cho ngành giao thông và dịch vụ hậu cần của ASEAN hậu COVID-19. Ông Tongkarn chia sẻ, việc di chuyển giảm rất nhiều vì Thái Lan là đất nước du lịch. Tuy nhiên, vận tải hàng hóa vẫn diễn ra khá bình thường. Đó cũng là tình trạng chung của một số nước. Đại diện Camphuchia cảm thấy may mắn khi nước này hiện chưa bị COVID19 tàn phá nên mọi giao thương nội địa gần như bình thường. Ở Singapore và Indonesia vẫn sử dụng phương tiện công cộng nhưng hạn chế tần suất và số lượng người trên mỗi phương tiện. Indonesia vẫn đang lo ngại tình trạng di chuyển nhiều vào chiều thứ 6 và sáng thứ 2 hàng tuần do lượng lớn người đi và đến Jakartar để làm việc, với mật độ di chuyển nhiều có thể làm lây nhiễm COVID19.
Trong bối cảnh dịch bệnh như vậy, để duy trì việc trao đổi chuyên môn, thông tin, kiến thức từ chuyên gia của ngành cho những ai quan tâm và đặc biệt cho các kĩ sư trẻ, qua đó tăng cường cơ hội học hỏi, giao lưu với cộng đồng kĩ sư trong khu vực và thế giới, Ban thư ký AFEO đề nghị tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin thông qua các cuộc họp trực tuyến. Theo đó mỗi nước sẽ gửi đề xuất tới Ban thư ký 2 chủ đề về ngành Giao thông vận tải và Dịch vụ hậu cần và 2 diễn giả để Ban Thư ký tổng hợp và sắp xếp lịch tổ chức Webinar, không giới hạn số lượng đại biểu tham dự.
Tạ Thanh Quế