Vàì suy nghĩ về việc biên tập một bài báo
Cũng cần lưu ý phân biệt một bài báo trong báo chí thông tin đại chúng (MassMedia) với một bài báo khoa học trong tạp chí chuyên ngành đăng tải các công trình khoa học. Ở các tạp chí khoa học chuyên ngành, Hội đồng biên tập gồm những Nhà khoa học đầu ngành, vừa biên tập vừa đóng vai trò đánh giá, phản biện công trình. Việc làm đó thường rất cẩn trọng, tuy nhiên, đôi khi vẫn để lọt lưới những bài báo sai sót, hoặc đạo văn, lừa đảo!
Ở đây, chỉ xin đề cập tới công việc biên tập các bài báo trong báo chí thông tin đại chúng; và cũng chỉ giới hạn trong một số kinh nghiệm “bếp núc”, mong muốn mang lại lợi ích thiết thực cho các đồng nghiệp.
Thế nào là một bài báo hay?
Câu hỏi này thật quá hiển nhiên, nhưng trả lời đúng thì không dễ, và cố nhiên, người biên tập cần phải trả lời. Tôi cho rằng, để có câu trả lời đúng lại phải quay về những vấn đề cơ bản của báo chí mà Bác Hồ đã từng nêu ra: Viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào? Nói cách khác, vấn đề đặt ra liên quan đến đối tượng, mục đích, quan điểm và cách thể hiện bài báo.
Mỗi bài báo có đối tượng của nó, rộng hay hẹp tuỳ yêu cầu.
Có những bài báo mà đối tượng bạn đọc là hầu như mọi người trong xã hội, tuy vậy, trong đó vẫn có những đối tượng chủ yếu. Lại có những bài báo nhằm vào nhóm đối tượng hẹp, song vẫn có khả năng lan toả sang các đối tượng khác. Nói như vậy không có nghĩa là báo chí cũng như từng bài báo coi nhẹ yếu tố đối tượng bạn đọc. Đặc biệt trong tình hình báo chí nở rộ như hiện nay, nếu không chú ý đến các đối tượng bạn đọc chủ yếu của từng tờ báo thì rất dễ trùng lặp, tản mạn, vô thưởng vô phạt, giảm sức hấp dẫn, giảm sức cạnh tranh, hoặc là trở thành “báo lá cải” gây lãng phí lớn, dẫn tới thất bại. Xác định đối tượng bạn đọc là chức năng của Tổng Biên tập và Ban Biên tập cũng như của từng biên tập viên trong việc tổ chức bài vở, mở rộng mạng lưới cộng tác viên.
Về mục đích và quan điểm của tác giả bài báo
Trong thời chiến, vấn đề này đơn giản hơn nhiều so với thời nay. Trong chiến tranh, từ tiền tuyến đến hậu phương, tất cả mọi người đều dồn hết ý chí, sức lực thậm chí hy sinh xương máu để đánh thắng giặc; chỉ có ta và địch. Nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, tuyên truyền động viên mọi người đánh giặc. Còn ngày nay, trong xây dựng kinh tế – xã hội theo cơ chế thị trường thì tuy lý tưởng chung là giống nhau song các quan điểm lý giải vấn đề, phản biện xã hội có thể rất khác nhau, đòi hỏi tính độc lập trong suy nghĩ, phát ngôn trên công luận. Chẳng hạn, các tiểu phẩm đả kích (Pamphlet) trên báo chí thời chiến rất khác các tiểu phẩm châm biếm (Feuileton) trong các báo chí hiện nay.
Kinh nghiệm cho thấy, trước tiên cần nhất trí về mục đích giải quyết cho mỗi vấn đề, còn các giải pháp thì cần được tranh luận trên diễn đàn báo chí một cách có văn hoá và khoa học, tránh lối tranh luận được- thua, đả kích, chụp mũ. Cần quan niệm đấu tranh tư tưởng trong nội bộ để cùng tiến lên (cùng thắng) khác với đấu tranh địch-ta (kẻ thắng người thua).
Do nhu cầu mở rộng, nâng cao trình độ dân chủ, phát huy tự do tư tưởng nên mục Diễn đàn đang ngày càng được các báo chí chú trọng.
Viết như thế nào?
Đây là câu chuyện liên quan đến thể loại, ngôn ngữ, văn phong và câu chữ trong một bài báo.
Về thể loại báo chí, theo quan niệm phổ biến hiện nay nhiều tác giả phân chia làm 03 nhóm: Thông tấn, Chính luận, và Phản ánh.
Trong nhóm Thông tấn có các thể tài: Tin (tin ngắn, tin tổng hợp, tin văn-xã, tin khoa học), Ghi nhanh, tường thuật… Đặc trưng của nhóm thể loại này là cung cấp thông tin, sự kiện mới xuất hiện (trả lời các câu hỏi: What, Who, When, Where). Nhóm Chính luận có mục đích tìm ra lẽ phải trái, đúng sai, hướng dẫn tư tưởng, hành động. Trong đó có Xã luận, Nghị luận, Bình luận, Diễn đàn, Thư ngỏ, Tiểu luận…
Nhóm Phản ánh nhằm trả lời câu hỏi như thế nào (How) về sự việc khách quan và suy nghĩ, cảm xúc chủ quan, bao gồm các thể tài: Điều tra, Phóng sự, Ký sự, Hồi ký, Du ký, Phỏng vấn…Riêng thể tài Phỏng vấn, có rất nhiều vấn đề về nghiệp vụ khá mới mẻ cần được đi sâu nghiên cứu, trao đổi.
Do sự giao thoa giữa các thể loại báo chí khoa học, báo chí văn xã và các thể loại văn học nghệ thuật mà hình thành các thể ký sự khoa học, chân dung nhà khoa học, truyện khoa học, truyện khoa học viễn tưởng, truyện khoa học giả tưởng…Nhiều nhà khoa học nổi tiếng đồng thời là các ký giả xuất sắc trong phổ biến khoa học, như: A.Einstein, Asimop, S.Horking… và nhiều nhà báo khoa học của các hãng BBC, CNN…GS. TS. Trịnh Xuân Thuận – Nhà vật lý thiên văn gốc Việt đang làm việc tại NASA cũng là một cây bút viết phổ biến khoa học rất nổi tiếng.
Nói chung các thể loại báo chí hình thành là do nhu cầu khách quan của báo chí, nhằm thực hiện các chức năng thông tin, phản ánh, hướng dẫn dư luận, đấu tranh về quan điểm và tổ chức các phong trào quần chúng trong xã hội và trong khoa học. Mỗi thể loại báo chí có một cách trình bày đặc trưng, từ cách đặt vấn đề đến bố cục, văn phong ngôn ngữ. Người biên tập cần nắm vững thể loại để giúp cho bài báo đạt chuẩn mực. Chẳng hạn, không thể lạm dụng phô diễn tình cảm người viết trong một bản tin, ngược lại, khi viết Ký thì thông tin phải hoà quyện với cảm xúc của tác giả.
Việc chọn đầu đề cho bài báo cũng phụ thuộc vào thể loại đề tài. Trong những bài Thông tấn thì nội dung thông tin chính yếu phải được làm nổi bật ngay từ title và những hàng Chapeau. Trong bài Nghị luận thì đầu đề thường nêu bật một quan điểm trọng yếu. Còn đối với thể Ký, đầu đề nặng về tính gợi cảm nghệ thuật.
Về văn phong, tuỳ theo mỗi tác giả và thể loại mà có sự khác nhau. Nói chung, văn phong Thông tấn đòi hỏi chính xác, tinh giản, sáng sủa. Văn phong các thể loại Phản ánh thì cần vừa chung thực vừa gợi cảm. Văn phong Chính luận cần đanh thép, trí tuệ, thấu tình đạt lý.
Cần chú ý, chức năng báo chí là thông tin, phản ánh, phản biện một cách trung thực các sự kiện khách quan, khác với chức năng văn chương là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ xây dựng hình tượng để phản ánh thế giới tinh thần, nội tâm của con người, tuy cũng phải bảo đảm tính hiện thực (bởi ý thức con người phản ánh hiện thực khách quan), nhưng là hiện thực đã được khúc xạ qua lăng kính tâm hồn con người. Bởi vậy, báo chí tuyệt đối không hư cấu, ngược lại, hư cấu nghệ thuật là phương pháp sáng tác của văn học.
Trong thể ký, mà nhà báo thường sử dụng dù có chứa đựng tình cảm của người viết, có sự sắp xếp các tình tiết hấp dẫn nhưng vẫn phải hết sức bảo đảm sự thật. Hiện đang có sự đan xen, giao thoa giữa văn chương báo chí và văn chương nghệ thuật nhưng sự phân biệt trên đây vẫn là một nét đặc thù.
Về câu chữ của một bài báo
Trong quá trình làm biên tập viên suốt 40 năm (1966-2006) ở các Toà soạn Báo Khoa học Thường thức, Khoa học và Đời sống, Tạp chí Tổ quốc, Tạp chí Khoa học và Tổ quốc, tôi đã cùng đồng nghiệp nghiên cứu, trao đổi và thực hiện một số công việc thiết thực trong biên tập, như: Xử lý các từ Hán Việt đang biến đổi, phiên thuật ngữ và các danh pháp khoa học, phiên tên riêng, áp dụng các quy phạm về đo lường tiêu chuẩn, quy tắc viết hoa, quy tắc chính tả và ngữ pháp tiếng Việt hiện đại… Tôi đã chuẩn bị các tài liệu này để các bạn tham khảo*. Ở đây chỉ trình bày ngắn gọn về một số quan điểm biên tập câu chữ trong một bài báo.
Về sử dụng câu chữ trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay có rất nhiều vấn đề nổi cộm cần sớm khắc phục, đó là:
1. Tình trạng tuỳ tiện, thiếu nghiêm túc trong sử dụng câu, chữ. Ngay trong cùng một toà soạn, thậm chí trong cùng một bài báo, tác giả cũng sử dụng câu chữ thiếu nhất quán. Điều đáng buồn là có một số báo chí lớn vốn có truyền thống nhất quán về biên tập câu chữ, nay lại buông lỏng trong lĩnh vực này. (Như Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Báo Khoa học & Đời sống, Tạp chí Khoa học và Tổ quốc, Đài truyền hình Việt Nam…).
2. Cho tới nay, Nhà nước chưa có Pháp lệnh cần thiết về chuẩn mực ngôn ngữ, như quy tắc phiên thuật ngữ, tên riêng, quy tắc viết hoa…
3. Do thiếu các chuẩn mực ngôn ngữ nên các từ điển, các sách giáo khoa và các tờ báo không thống nhất về quy tắc viết câu chữ. Việc tra cứu từ điển lại bị coi nhẹ trong mọi giới, kể cả trong giáo dục-đào tạo.
4. Sự lộn xộn, tuỳ tiện trong nói và viết, đặc biệt là trên báo chí và trong học đường đã gây tác hại to lớn, lâu dài cho nền Quốc học và cho sự phát triển dân trí. (Triết gia F.Bacon từng nói đại ý: Dù mắc sai lầm nhưng có thể sửa sai để dẫn tới cái đúng, song nếu lộn xộn thì chẳng bao giờ đi tới đâu. Câu nói này là lời cảnh báo đích đáng đối với tình trạng lộn xộn về nói và viết hiện nay).
Để khắc phục tình trạng trên, cả xã hội phải vào cuộc. Nhà nước cần sớm có những văn bản Luật định về ngôn ngữ chuẩn. Giới khoa học cần sớm xây dựng các bộ từ điển chuẩn. Nhà trường sớm thực hiện nói và viết đúng chuẩn. Báo chí phải có quy định cụ thể về chuẩn ngôn ngữ trong biên tập. Hơn ai hết, người biên tập phải đi đầu trong việc tra cứu từ điển khi biên tập một bài báo, giúp cho tiếng Việt trở lên trong sáng, chính xác và đại chúng.
Cần khắc phục căn bệnh khi biên tập thường cắt xén bài báo một cách chủ quan, làm mất ý tưởng và văn phong của người viết. Đây là căn bệnh phổ biến của một thời bao cấp về tư tưởng.
Người biên tập phải có đủ tài liệu tra cứu cần thiết, đặc biệt là các loại từ điển. Còn có tình trạng nhiều tác giả, kể cả một số nhà khoa học chưa thành thạo ngữ pháp tiếng Việt, sai phạm những quy tắc cơ bản như thành phần chủ-vị, mệnh đề chính-phụ trong câu, hoặc sử dụng sai các từ Hán Việt, phiên sai thuật ngữ, hoặc viết văn quá “Tây”. Cần chú ý, trong tiếng Việt, vị trí của các từ và nhóm từ đóng vai trò quan trọng đối với nội dung thông báo.
Đặc biệt, nhiều người viết do chịu ảnh hưởng của tiếng địa phương nên thường rất khó sửa các lỗi chính tả, không phân biệt dấu hỏi/dấu ngã, â/a, n/l… Cần sử dụng các từ điển chính tả so sánh và một số mẹo để khắc phục. Thầy và trò trong Nhà trường cần rèn luyện thói quen tra cứu từ điển.
Tóm lại, biên tập là một trong ba chức năng chính của một Toà soạn báo: Công tác Bạn đọc-Cộng tác viên, công tác Biên tập-Phóng viên và công tác Thư ký Toà soạn. Làm tốt công tác biên tập giúp cho tờ báo, Tạp chí phát triển, đi vào lòng bạn đọc và có những đóng góp to lớn cho xã hội.
Hà Nội, ngày 27 tháng 09 năm 2007