Ứng dụng khoa học công nghệ vào xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ngãi
Sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Có thể thấy xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đang thổi luồng sinh khí mới nơi miền quê Quảng Ngãi. Điều đó đã thể hiện rõ nét trong sản xuất nông nghiệp gắn với XDNTM, từng bước tạo điểm nhấn ở từng địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH-CN) đã có tác động lớn đến phát triển nông nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn. Nhiều mô hình sản xuất lúa, trồng cây ăn quả, chăn nuôi… đã ứng dụng các tiến bộ KH-CN có hiệu quả nên cho giá trị mỗi hecta đạt từ 50-70 triệu đồng, có vùng đạt trên 100 triệu đồng/ha. Nhiều xã và HTXNN đã ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào các lĩnh vực làm thủy lợi, đường giao thông, xây dựng chợ nông thôn, trường học, nhà văn hóa… đảm bảo hệ số sử dụng các công trình này bền vững và phục vụ cộng đồng dân cư trên địa bàn một cách thiết thực.
Những ngày cuối tháng 4 về huyện Nghĩa Hành trong thời tiết nắng nóng, chúng tôi chứng kiến huyện điểm được tỉnh chọn XDNTM, bước đầu đã thực hiện có kết quả việc ứng dụng KH-CN vào XDNTM. Huyện có lợi thế nhiều mặt, nhất là các hình thức quản lý, tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với XDNTM nên gần đây nhiều miền quê ở Nghĩa hành đã có bước chuyển động mới. Nổi bật, đời sống của đại bộ phận nông dân được ổn định với tỷ lệ hộ nghèo trong huyện hiện nay còn dưới 20%. Huyện có 11 xã nông thôn, miền núi và một thị trấn Chợ Chùa đang xây dựng đô thị loại 5, nhưng đến nay các xã cơ bản đã đạt từ 5 đến 19 tiêu chí nông thôn mới. Nói về cách làm của mình, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Phan Bình bộc bạch: Khi Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành chương trình hành động về tam nông, huyện chúng tôi thành lập ngay Ban chỉ đạo và tiến hành công tác quy hoạch, xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp và XDNTM. Huyện tập trung hướng dẫn các xã ứng dụng KH-CN vào các mô hình sản xuất và xây dựng hạ tầng nông thôn; rà soát lại công tác nhân lực, xây dựng hệ thống chính trị có tính bền vững, ổn định lâu dài. Nhiều xã đã điều động, bố trí một số cán bộ có trình độ kỹ thuật cao, quản lý giỏi để đảm đương, điều hành công việc trong quá trình XDNTM. Huyện trực tiếp hướng dẫn, tập huấn Ban quản lý xã điều tra thực trạng kinh tế - xã hội từng thôn, xóm và xác định nông dân là chủ điểm XDNTM. Qua đó, nông dân ở địa phương từng bước phát huy được vai trò làm chủ của mình trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn và sản xuất nông nghiệp. Đến nay, huyện có khoảng 21 nghìn hộ xây dựng nhà vườn nông thôn thoáng sạch(có cây ăn quả, sinh vật cảnh, cổng vườn) và 1.800 ha vườn tạp được đầu tư cải tạo thành vườn cây ăn quả lâu năm. Nhiều gia đình đã mạnh dạn ứng dụng KH-CN trong chăn nuôi kết hợp trồng trọt đạt hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là hộ ông Lâm Tấn Nghiệp, xóm 2, thôn Phú Vinh Tây, Thị trấn Chợ Chùa, từ năm 2000 đã thực hiện dự án thí điểm của Sở KH&CN Quảng Ngãi về trồng giống cây mới trên đất Nghĩa Hành có hiệu quả. Ông Nghiệp cho biết: Ngay từ đầu gia đình đã cải tạo trên 6.000 m 2vườn tạp và đưa giống sầu riêng, chôm chôm, măng cụt về trồng. Sở KH&CN tỉnh hướng dẫn kỹ thuật chăm bón nên vườn cây hiện nay đã phát triển khá tốt, cho quả rất nhiều và đạt giá trị kinh tế cao.
Về huyện Đức Phổ được nghe bà con nông dân tâm sự nhiều điểm thú vị trong quá trình XDNTM. Người dân tự quyết định đầu tư công trình những phải bảo đảm các yếu tố về khoa học và kỹ thuật như: Xây dựng trường học, chợ nông thôn, làm đường bê tông đều theo tiêu chí mới. Tất cả những công trình hạ tầng đã xây dựng đều bảo đảm các yếu tố KH-CN là đường cho ra đường, chợ phải cho ra chợ. Có địa phương, bà con ưu tiên đầu tư công trình thủy lợi trước để thoát lũ, chống úng và đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng hàng năm. Điển hình là xã Phổ Vinh, một trong 3 xã được huyện Đức Phổ chọn XDNTM, nơi đây thường xuyên vào mùa mưa, nước lũ từ sông Trường dâng cao làm ngập khu dân cư thôn Lộc An, Nam Thuận. Nhiều cánh đồng ở gần sông Trường thường bị nước mặn xâm thực đã làm hàng chục ha lúc nhiễm mặn. Dân trong xã bức xúc đã quyết định chọn đầu tư công trình thủy lợi trước. Từ đó hệ thống kênh thoát lũ ở đây đã được xây dựng theo tiêu chuẩn KH-CN Việt Nam, đảm bảo bền vững. Hiện nay tuyến kênh này dài 630 mét đã đưa vào sử dụng, giải quyết được tình trạng ngập mặn và tạo cho cánh đồng lúa tươi tốt với năng suất vụ sau cao hơn vụ trước.
Huyện Bình Sơn đã chọn xã Bình Dương làm điểm XDNTM. Nơi đây có con sông Trà Bồng chảy qua, tạo thuận lợi cho các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với XDNTM có hiệu quả. Nhiều mô hình sản xuất lúa bằng giống mới đã cho năng suất đạt trên 70 tạ/ha/vụ. Nhiều diện tích sản xuất đạt giá trị trên 50 triệu đồng/ha. Bình Dương cũng huy động nhiều nguồn lực trong và ngoài tỉnh để đầu tư cho công trình cầu, đường, cổng lành, trường học, nhà văn hóa theo tiêu chí nông thôn mới, góp phần ổn định đời sống nhân dân và làm cho bộ mặt nông thôn đang dần đổi thay...
Có thể thấy sản xuất nông nghiệp gắn với XDNTM ở Quảng Ngãi đang có bước đột phá. Bắt đầu từ sự đổi mới cơ chế, chính sách, đặc biệt là vai trò quan trọng của lực lượng lao động nông nghiệp, nông thôn. Lực lượng lao động vừa là kết quả vừa là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tại hội nghị Tỉnh ủy Quảng Ngãi lần thứ 8 mới đây, nhiều đại biểu đã thảo luận nêu rõ: Nhiều địa phương ứng dụng tiến bộ KH-CN để phát triển sản xuất gắn với XDNTM, từng bước giải quyết việc làm ở nông thôn có hiệu quả. Cách làm này có thể tăng nhanh số lượng lao động trong nông nghiệp, nông thôn và tạo việc làm mới cho những người đang bước vào độ tuổi lao động. Đặc biệt, ở những vùng nông thôn do quá trình đô thị hóa hoặc thu hồi đất làm dự án buộc phải chuyển số lao động nông nghiệp sang đào tạo các ngành nghề khác. Hiện nay, nhiều huyện phát triển cụm công nghiệp, dịch vụ và du lịch sinh thái đã giải quyết tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn theo hướng "ly nông bất ly hương". Tỉnh giải quyết việc làm nông thôn theo hướng tăng về số lượng lẫn chất lượng, đảm bảo điều kiện phát triển nông nghiệp và XDNTM, góp phần đẩy nhanh quá trình CNH-HDH nông nghiệp, nông thôn.
TRiển khai ứng dụng KH-CN vào XDNTM ở Quảng Ngãi hiện nay tuy đã đạt nhiều kết quả nhưng vẫn còn những bất cập nhất định. Đó là một số địa phương chưa quan tâm đúng mức việc ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều xã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn còn chậm, chất lượng kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn chưa mạn dạn ứng dụng KH-CN, còn sản xuất nhỏ, lẻ và chất lượng sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Nói về tồn tại, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi Dương văn Tô cho biết: Vướng mắc hiện nay trong quá trình thực hiện ứng dụng KH-CN vào XDNTM vẫn là khả năng thiếu vốn lớn, cung ứng chậm, không bảo đảm để triển khai thực hiện các dự án, chương trình ở nông thôn. Năm nay tình hình tăng trường kinh tế của tình chậm, thì khả năng đầu tư cho sản xuất nông nghiệp và XDNTM còn gặp khó khăn hơn trước. Năng lực cán bộ cũng là điều đáng lo ngại. Nhiều cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ miền núi còn thiếu, lại yếu chuyên môn. Có địa phương chưa có cán bộ làm khoa học, kỹ thuật nên việc ứng dụng KH-Cn còn rất hạn chế. Trình độ quản lý, điều hành của một số cán bộ đầu ngành ở khu vực nông thôn chưa đáp ứng để đẩy nhanh tiến độ XDNTM hiện nay...
Thực hiện các giải pháp đồng bộ
Phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, giải quyết việc làm ổn định đối với nông dân và ứng dụng KH-CN vào xây dựng nông thôn mới hiện nay là một quá trình đầy khó khăn. Vì vậy, tình Quảng Ngãi đang chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp lớn như: Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động. Đưa kiến thức KH-Cn vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác XDNTM . Các huyện khẩn trương lập các quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đảm bảo hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 ở các xã trước quý II/2012. Tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương phải gắn với thực hiện quy hoạch, đề án ứng dụng KH-CN vào XDNTM. Đến năm 2015, tỉnh phấn đấu đạt 20% số xã và huyện NGhĩa Hành đạt tiêu chí nông thôn mới. Trước mắt, tỉnh cần tập trung chỉ đạo thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm là: Tổ chức rà soát lại các quy hoạch ngành, các đề án, dự án đã phê duyệt, đồng thời điều chỉnh chính sách, có cơ chế đầu tư hợp lý hiệu quả từng chương trình, dự án. Thực hiện tốt việc ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp gắn XDNTM, coi đây là một trong những biện pháp then chốt để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết, huy động nguồn vốn trong nước, nước ngoài để đầu tư các công trình hạ tầng nông thôn. Tổ chức sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp theo hướng sản xuất hàng háo, chát lượng cao, sản lượng nhiều và tìm thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. Đầu tư mới và nâng cấp các công trình thiết yếu đúng tiêu chuẩn, đảm bảo phục vụ đời sống xã hội ở nông thôn. Tạo việc làm mới cho nông dân, từng bước chuyển đổi ngành nghề nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu lao động. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở ở nông thôn. Đẩy mạnh phong trào xây dựng làng xã văn hóa, nâng cao chát lượng hoạt động các thiết chế văn hóa cơ sở, phục hồi và phát triển văn hóa truyền thống. Rà soát đánh giá thực trạng việc ứng dụng KH-Cn vào XDNTM. Trên cơ sở đó, tỉnh ưu tiên nguồn vốn, nhân lực, đảm bảo thực hiện các dự án, chương trình theo các tiêu chí XDNTM hiện nay, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết XVIII của Đảng bộ tỉnh đã đề ra..