Tư vấn, phản biện và giám định xã hội: Một đòi hỏi của quá trình phát triển
Tùy quy mô dự án khác nhau mà mức độ phức tạp của hoạt động đánh giá có khác nhau nhưng về đại thể một dự án lớn thường bắt buộc phải có đánh giá bắt đầu dự án, đánh giá kết thúc dự án và nhiều khi còn có cả đánh giá giữa kỳ. Hoạt động này thường được cơ quan chịu trách nhiệm về dự án giao cho các cơ quan hoặc cá nhân độc lập với ban quản lý dự án tiến hành với một triết lý rõ ràng: có thể những người am hiểu vấn đề ở ngoài dự án sẽ cung cấp được một sự phân tích xác đáng hơn về những hoạt động đang diễn ra của dự án. Điều này giúp ích rất nhiều cho việc trỉển khai thực hiện dự án đạt hiệu quả cao.
Ở Việt nam, do cách tổ chức xã hội theo mô hình kế hoach hóa tập trung trong nhiều năm qua nên bên cạnh việc xây dựng và triển khai các chính sách vốn là trách nhiệm đặc thù của nhà nước, các dự án, chương trình phát triển đều do nhà nước chủ trì. Quan liêu, vốn là thuộc tính của các hệ thống tổ chức lớn, đã trở thành một vấn nạn trầm trọng cho xã hội khi đi cùng với bộ máy công quyền được tập trung quá mức và đã đưa đến một hậu quả không mong đợi là tình trạng tham nhũng cũng như nhiều sự lệch lạc khác gia tăng. Thậm chí đến mức báo động và có thể đe dọa tới sự an nguy của xã hội. Do vậy, đánh giá trở thành một nhu cầu cấp thiết.
Hơn thế, do phần lớn các tổ chức có khả năng tiến hành đánh giá ở Việt nam hiện nay đều là các tổ chức nhà nước hoặc là các nhóm chuyên gia hoạt động dưới danh nghĩa một tổ chức nhà nước nào đó thực hiện nên các kết quả đánh giá trong nhiều trường hợp có thể vì lợi ích cục bộ của ngành hay địa phương mà bị sai lệch đi. Hoàn cảnh này đòi hỏi cần có một sự đánh giá nữa nhằm giúp cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách, dự án có thêm nguồn thông tin để cân nhắc trong quá trình ra quyết định. Hoạt động này có thể tạm đựoc gọi là tư vấn, phản biện và giám định xã hội ( thuật ngữ cụ thể được sử dụng tùy theo mục đích của việc đánh giá) với hai đặc tính chính: Thông tin đánh giá được thu thập từ xã hội và do một tổ chức không thuộc nhà nước tiến hành. Đôi khi, có thể thêm vào một đặc tính thứ ba nữa: các hoạt động này, khác với các cuộc nghiên cứu, diễn ra trong một thời gian tương đối ngắn, thường là trong vòng ba tháng.
Như vậy, đánh giá là hoạt động cơ bản của công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhưng thay cho việc đó là ý kiến, nhận định của môt hay một số chuyên gia thì chúng ta thu thập thông tin từ phía xã hội. Có ít nhất bốn nhóm đối tượng thường được tính tới trong khái niệm xã hội ở đây:
- Những người chịu tác động của chính sách hay dự án.
- Những chuyên gia có am hiểu về những khía cạnh chuyên môn của chính sách hay dự án.
- Những người dự phần tham gia (stakeholder) vào việc đề xuát và cung cấp tài chính cho chính sách và dự án.
- Các nhà quản lý chính sách và dự án.
Với đặc tính xã hội như vậy, vấn đề nổi lên ở đây là làm thế nào loại bỏ được tính chất chủ quan trong các nhận định của những người đi đánh giá và của những người cung cấp thông tin cho cuộc đánh giá thuộc các nhóm xã hội kể trên. Những nhìn nhận chủ quan này là đương nhiên có trong mỗi con người và cuộc đánh giá tốt cũng chỉ có thể làm giảm thiểu các nhận định chủ quan đó nhưng sẽ không thể nào loại bỏ hoàn toàn được. Đặc biệt, nếu người đánh giá hay cung cấp thông tin là chuyên gia càng giỏi thì khả năng kiên định với một cách nhìn nhận càng lớn. Để giảm thiểu những nguy cơ đó, một quy trình đánh giá chặt chẽ cần được tuân thủ.
Trong quy trình đó, nhiệm vụ trước hết là phải xác định chính xác vấn đề nghiên cứu của cuộc đánh giá. Vấn đề thường có nhiều, nhưng vấn đề nghiên cứu trong một cuộc đánh giá lại thường khó đựợc xác định. Do vậy phải có sự luận cứ cho vấn đề nghiên cứu cũng như đề ra đựoc mục đích và các mục tiêu cụ thể cho một cuộc đánh giá.
Tiếp đó, lựa chọn phương pháp đánh giá là cần thiết. Hiện nay có ba nhóm phương pháp cơ bản được sử dụng:
- Nghiên cứu các tài liệu đã có.
- Các phương pháp định lượng với căn bản là điều tra chọn mẫu.
- Các phương pháp định tính với nhiều phương pháp khác nhau như quan sát, phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm, lấy ý kiến chuyên gia…Tuy nhiên, các cuộc đánh giá nhanh thường sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu và một số phương pháp định tính làm công cụ.
Việc thu thâp thông tin cần đựơc tiến hành làm sao để đảm bảo độ xác thực của thông tin lớn nhất và tuân thủ cao nhất các đòi hỏi của phương pháp đã chọn. Khả năng sai lệnh thông tin trong giai đoạn này là rất lớn cần được người nghiên cứu lưu ý và coi trọng.
Cuối cùng, số liệu được xử lý, phân tích và đưa ra nhận định. Một người đánh giá trước hết phải là chuyên gia giỏi trong lĩnh vực chuyên môn cần đánh giá. Có như thế họ mới có khả năng nắm bắt vấn đề và đưa ra được các chỉ báo phù hợp cho cuộc đánh giá. Nhưng bên cạnh đó một đặc tính khác cũng quan trọng không kém là khả năng tiếp nhận ý kiến của nhũng người khác vì đây là hoạt động lấy ý kiến xã hội.
Ngoài ra, cũng có thể nêu lên một quy tắc “vàng” khi đánh giá: quy tắc nửa cốc nước . Cùng là một nửa cốc nước, trong một cuộc đánh giá có thể có hai nhận định: Như thế mà mới chỉ được nửa cốc nước hoặc tuy thế nhưng cũng đã được nửa cốc nước rồi. Hoạt động đánh giá thường cố gắng di theo hướng thứ hai.
Các hoạt động đánh giá không phải ngày hôm nay mới được tiến hành mà nó đã được triển khai từ xa xưa cho tới hiện nay ở mọi nơi và mọi chỗ. Tuy nhiên, việc tuân thủ chặt chẽ một quy trình khoa học là điểm đặc thù trong các đánh giá hiện đại. Đặc biệt, trong điều kiện Việt nam hiện nay, hoạt động dánh giá chưa phát triển do nhiều nguyên nhân trong đó có một nguyên nhân là các cơ sở khoa học có khả năng chuyên môn để đánh giá thường triển khai các nghiên cứu có tính chất hàn lâm mà không tính đến việc đưa hoạt động đánh giá thành một trong những hoạt động cần thiết phục vụ cho nhu cầu phát triển đất nước. Bên cạnh đó, việc tạo ra nhu cầu dánh giá còn thấp do các cơ quan nhà nước chưa coi trọng việc này còn các tổ chức tư nhân Việt nam còn quá nhỏ bé để có đựoc nhu cầu thiết yếu về công tác này.
Sự chuyển biến lớn đã có khi ban hành Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ vào đầu năm 2002 về trách nhiệm của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt nam tiến hành các hoạt dộng tư vấn phản biện và giám định xã hội. Văn bản này là hết sức quan trọng đánh dấu sự thay đổi trong cách nhìn nhận công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội ở nước ta. Công việc tiếp theo là xây dựng những quy định cụ thể về yêu cầu tư vấn phản biện và giám định xã hội để hoạt động này trở thành hoạt động bắt buộc đối với một số những chính sách, dự án nhận kinh phí từ nguồn nhà nước.
Nhìn chung, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là một hoạt động phức tạp cần nhiều điều kiện để có thể đưa ra được một kế quả tốt đóng góp cho công cuộc phát triển của đất nước. Trong việc trỉển khai công tác này, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt nam là cơ quan có nhiều ưu thế do Liên hiệp hội có một đội ngũ chuyên gia lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau do vậy có thể tiến hành công tác đánh giá những vấn đề dù là phức tạp nhất ở nước ta hiện nay. Vấn đề chỉ còn là: 1.làm thế nào có một mô hình tổ chức phù hợp để có thể huy động đựoc chất xám của các chuyên gia phục vụ cho các hoạt động đánh giá mà không làm giảm năng lực chuyên sâu của họ và, 2. làm thế nào để các hoạt động đó tuân thủ quy trình khoa học của việc tập hợp ý kiến xã hội.
Được như vậy, công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt nam triển khai sẽ có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ chuyển đổi sắp tới, thời kỳ đất nước chuyển tiếp sang một quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa với một nền dân chủ sâu rộng làm cơ sở xã hội cho sự phát triển.