Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác vận động trí thức
1. Vận động trí thức - nhiệm vụ trọng đại của cách mạng xã hội chủ nghĩa
Trong bài "Đảng Lao động Việt Nam với lao động trí óc", Hồ Chí Minh cho rằng, trí thức là những người lao động trí óc, "là thầy giáo, thầy thuốc, kỹ sư, những nhà khoa học, văn nghệ, những người làm bàn giấy, v.v..." (Hồ Chí Minh toàn tập, t.6, Nxb CTQG, H, 2000, tr.202), "Người An Nam rất hiếu học. Trong các tầng lớp xã hội, người sĩ phu chiếm địa vị hàng đầu" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.1, Nxb CTQG, H, 2000, tr.398). Dù nhiều cách biểu đạt khác nhau, song Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của trí thức, của những người trí thức. Nhờ sản phẩm trí tuệ của họ - tri thức, mà xã hội, giai cấp mới phát triển, "không có lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học thì không thể có lập trường giai cấp vững vàng" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.12, Nxb CTQG, H, 2000, tr.92). Theo Hồ Chí Minh "cách mạng rất cần trí thức và chính ra chỉ có cách mạng mới biết trọng trí thức" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.7, Nxb CTQG, H, 2000, tr.33)
Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Trong Đảng ta, gồm có những người có tài có đức. Phần đông những người hăng hái nhất, thông minh nhất, yêu nước nhất, kiên quyết, dũng cảm nhất" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb CTQG, H, 2000, tr.262)để Đảng xứng đáng là đại biểu cho lương tri và trí tuệ của dân tộc và thời đại, thì việc coi trọng địa vị của người trí thức trong sự nghiệp cách mạng là một tất yếu.
Hồ Chí Minh khẳng định: "Trí thức công nông hóa, trí thức phục vụ nhân dân bây giờ cũng cần, kháng chiến kiến quốc cũng cần, tiến lên chủ nghĩa xã hội càng cần, tiến lên chủ nghĩa cộng sản lại càng cần. Bởi vì xã hội tương lai là một xã hội không có phân biệt giữa trí óc và chân tay. Vì văn hóa ngày càng cao lên thì thói quen của trí thức ngày càng hợp với lao động" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.10, Nxb CTQG, H, 2000, tr.306). Cái thói quen mà Hồ Chí Minh nói ở đây là tác phong làm việc khoa học và lao động ở đây là mọi tầng lớp dân cư. Do vậy, vận động và sử dụng có hiệu quả đội ngũ trí thức là vấn đề có tính sống còn của cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Khi trả lời phỏng vấn một nhà báo nước ngoài, ngày 22/6/1947, Hồ Chí Minh nói: "Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc, ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế", "địa vị những người trí thức ái quốc Việt Nam sẽ là cùng với toàn thể đồng bào, kiến thiết một nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam thống nhất và độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb CTQG, H, 2000, tr.156).
Ngày 28/8/1947, Bác Hồ đã trả lời báo "Độc lập" về việc Chính phủ mở rộng: "Chính sách của Chính phủ trước sau vẫn là đại đoàn kết. Đối với các vị quan lại cũ cũng như đối với tất cả các giới đồng bào, những người có tài có đức thì Chính phủ đều hoan nghênh ra gánh việc nước" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb CTQG, H, 2000, tr.196), vì "những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb CTQG, H, 2000, tr.235).
2. Nghệ thuật vận động trí thức của Hồ Chí Minh
Nghệ thuật vận động trí thức của Hồ Chí Minh có thể được khái quát thành các nội dung cơ bản sau:
a. Phải biết phát hiện, tập hợp và bồi dưỡng trí thức
Ngay trong những ngày đầu trứng nước của chính quyền cách mạng non trẻ, tháng 10/1945, Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị tìm người tài đức và trọng dụng kẻ hiền năng. trong bài "Nhân tài và kiến quốc", đăng trên báo Cứu quốc, ngày 14/11/1945, Người viết: "Vậy chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó (kiến quốc - BT), lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.4, Nxb CTQG, H, 2000, tr.99).
Kêu gọi người có tài ra giúp nước, Hồ Chí Minh nói: "Kiến thiết cần phải có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.4, Nxb CTQG, H, 2000, tr.99). Trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, để tập hợp nhân tài, Người đề nghị Chính phủ cử một Ban cố vấn cho chủ tịch gồm 10 người: bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, giáo sư Lê Hữu Từ, các ông Bùi Bằng Đoàn, Ngô Tử Hạ, Lê Tại, Bùi Kỷ và 4 người nữa cử sau.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I đã cử các thành viên của Chính phủ Kháng chiến, bao gồm nhiều nhà trí thức ngoài Đảng có tài, có đức, điều đó đã thể hiện việc sử dụng trí thức của Hồ Chí Minh.
Ngày 30/11/1948, trong bài "Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hành ngay" đăng trên báo Sự thật số 103, Người viết: "Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi... sự thành công hay thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb CTQG, H, 2000, tr.520). Người khuyên: "Ta cần phải hợp tác với những người ngoài Đảng. Ta không được khinh rẻ họ". Bởi lẽ: "Bất kỳ ai... chịu học, chịu khó nghĩ... thì nhất định có sáng kiến" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb CTQG, H, 2000, tr.245).
Đặc biệt với các giai cấp cơ bản của cách mạng "...cần phải có kế hoạch bồi dưỡng cho cán bộ và công nhân có trình độ văn hóa và kỹ thuật khá", thậm chí "phải có trình độ không kém gì kỹ sư".
Ngày 23/9/1951, tại trường Công an (tại An toàn khu), Người nói: trí thức cũng cần cải tạo tư tưởng và "Trí thức đáng trọng là trí thức hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.7, Nxb CTQG, H, 2000, tr.33).
b. Phải tin tưởng, tôn trọng và dùng trí thức đúng việc
Tiêu chí sử dụng hiền tài của Hồ Chí Minh rất rõ ràng: "Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.4, Nxb CTQG, H, 2000, tr.39), phải thực sự tin tưởng họ, thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ. lòng tin đó là liều thuốc quý để trí thức dân tộc xả thân vì nghiệp lớn của dân tộc.
Trong nghệ thuật dùng người, Bác khuyên: "Xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb CTQG, H, 2000, tr.276), đúng với tinh thần dụng nhân như dụng mộc. ảo tưởng, cầu toàn hay "vo tròn" cán bộ là phản khoa học, phi hiện thực, vì không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. "Vì vậy chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb CTQG, H, 2000, tr.274). Như vậy sẽ dùng người đúng việc, người tài được phát huy tài năng, còn cách mạng thì có lợi.
Thái độ khách quan, khoa học, công minh trong đánh giá những cống hiến của những người tài là một nghệ thuật của Hồ Chí Minh, nhất là đánh giá những người tài của chế độ cũ: "Các ngài đã đem tài năng tri thức lo bồi bổ về mặt kinh tế và xã hội. Các ngài xứng đáng là những chiến sĩ xung phong. Tôi mong rằng các ngài cũng sẽ đem hết tài năng và tri thức giúp cho Chính phủ về mặt kiến thiết. Các ngài sẽ là những cố vấn có kinh nghiệm, có tài năng của Chính phủ" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.4, Nxb CTQG, H, 2000, tr.152).
Với sự thành tâm, thành ý đó, ngày 20/10/1949, Người ký sắc lệnh 120/SL đặt một Ban cố vấn bên cạnh ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ trong đó có các ông: Cao Triều Phát, Phan Văn Chương, Lê Duẩn.
Mọi người làm việc với Bác đều được Người trân trọng từng ý kiến. Ngày 19/12/1949, sau khi đọc và sửa vào bản thảo "Lời kêu gọi của Quốc hội", Người viết thư cho ông Phan Mỹ, Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch đề nghị: "Trình lại cụ Tôn và cụ Trực xem hai cụ có đồng ý không, nếu hai cụ đồng ý thì gửi đi ngay cho kịp thời" (cụ Tôn Đức Thắng và cụ Phạm Bá Trực - BT). Việc làm đó là một bài học, một mẫu mực về cách hành xử cho mọi cán bộ, đảng viên trong công tác vận động trí thức. Những việc làm như vậy với Hồ Chí Minh là biểu hiện của một tấm lòng, một nhân cách lớn. Ngày 21/2/1947, trong Thư gửi đồng bào thiểu số tỉnh Thanh Hóa, Người viết: "việc dìu dắt đồng bào Thượng du, tôi trông cậy lòng ái quốc và sự hăng hái của các vị lang đạo" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb CTQG, H, 2000, tr.64).
c. Phải biết khơi dậy lòng yêu nước của trí thức
Nhận thức sâu sắc lòng yêu nước là một mạch nguồn bất tận trong tâm can mỗi con dân đất Việt, Người khuyên: "... Cũng vì vậy lúc đã hiểu biết, trí thức ta dễ theo cách mạng, và vì vậy Đảng cách mạng phải dìu dắt, giúp đỡ trí thức của ta dựa vào phe cách mạng, phe công nông" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.7, Nxb CTQG, H, 2000, tr.34).
Khi nói chuyện thân mật với ông Phạm Khắc Hòe tại lán rừng Việt Bắc về động cơ đi theo kháng chiến của ông, Bác nói: "Yếu tố quyết định nằm trong bản thân chú. Đó là lòng yêu nước của chú" (Biên niên tiểu sử, t.4, Nxb CTQG, H, 1994, tr.425).
Ngày 25/1/1948, Hồ Chủ tịch viết thư cho cụ ưng Uý - cựu quan chức Nam Triều, "thăm sức khỏe của cụ và quí quyến" và "mời cụ tham gia kháng chiến để chúng ta tiếp tục sự nghiệp bỏ dở của các cụ tiền bối Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân là giành độc lập cho dân tộc, cho Tổ quốc". Sau đó cụ ưng Uý đã lên chiến khu.
Bác Hồ còn luôn khích lệ, động viên lòng yêu nước của đội ngũ trí thức. Trong thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc 2/1948, Người viết: "Các bạn là bậc trí thức... phải hy sinh đấu tranh dũng cảm hơn nữa để làm gương cho nhân dân" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb CTQG, H, 2000, tr.381).
Trong việc tìm nhân tài, Hồ Chủ tịch lúc nào cũng trân trọng, nếu không cử cán bộ trực tiếp đến gặp thì cũng có thư của Người. Chính cháu ruột của Hoàng Cao Khải là Hoàng Quốc Tân, được đào tạo ở Pháp, đã theo Người về nước tháng 9/1946 và được cử làm ủy viên phụ trách trí vận suốt cuộc kháng chiến chống Pháp ở Sài Gòn - Gia Định. Ba nhà khoa học có tiếng tăm, gia đình khá giả: Nguyễn Văn Huyên, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di trở thành cán bộ cao cấp của Nhà nước cách mạng ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ba ông đều là con rể, cháu rể của Tổng đốc Vi Văn Định. Bốn thượng thư của triều đình Huế đều được cử giữ trọng trách trong bộ máy Nhà nước cách mạng ở Trung ương và ở Khu sau Cách mạng Tháng Tám. Một số lãnh đạo cấp cao trong bộ máy Nhà nước Dân chủ Cộng hòa là quan chức làm việc lâu năm với Pháp. Một nửa số thành viên của Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim tham gia Chính phủ Cách mạng lâm thời. Hai phái đoàn của ta đàm phán với Pháp ở Đà Lạt và ở Fontainebleau (Pháp) hầu hết thành viên là trí thức từng làm việc với Pháp. Ngay cả "thần đồng" Nguyễn Mạnh Tường, 22 tuổi, từng được Pháp ưu đãi, cưng chiều, đã đỗ hai bằng tiến sĩ (luật và văn chương) tại Trường Đại học Montpellier năm 1932, lại là thành viên phái đoàn Chính phủ ta tại Hội đàm ở Đà Lạt. Bác sĩ Vũ Đình Tụng (một trí thức Công giáo), kỹ sư Phạm Quang Lễ, bác sĩ Trần Hữu Tước... và bao trí thức yêu nước khác, theo tiếng gọi của Người, vì đại nghĩa, đã trọn đời hiến dâng cho Tổ quốc và nhân dân. Biết bao kì tích sáng tạo của họ đã góp phần xây nên đài chiến thắng của dân tộc.
3. Những bài học rút ra từ công tác vận động trí thức
a. Nâng cao dân trí
Hồ Chí Minh cho rằng: "Làm nghề gì cũng phải học, vậy làm cách mạng cũng phải học. Nếu không giáo dục cho đảng viên làm cách mạng mà cứ yêu cầu họ làm cách mạng thì họ không làm tròn được nhiệm vụ" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.12, Nxb CTQG, H, 2000, tr.224). Do vậy, Người hết sức quan tâm đến việc không ngừng nâng cao trình độ dân trí cho toàn dân, Người khẳng định: "Công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.4, Nxb CTQG, H, 2000, tr.36), "Chương trình kiến thiết của Việt nam bước đầu tiên là làm cho dân khỏi khổ, khỏi dốt" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb CTQG, H, 2000, tr.156), "Chính phủ đã ra hạn trong một năm, tất cả mọi người Việt Nam phải biết chữ quốc ngữ" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.4, Nxb CTQG, H, 2000, tr.36), vì: "Dốt nát cũng là kẻ địch. Địch dốt nát giúp cho địch ngoại xâm... Địch thực dân dựa vào địch dốt nát để thi hành chiến lược ngu dân. Địch dốt nát dựa vào địch thực dân để đưa ta vào nơi mù quáng..." (Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, Nxb CTQG, H, 2000, tr.379).
Ngày 10/7/1948 trong thư gửi Hội nghị giáo dục toàn quốc, Người nêu rõ phải sửa đổi chương trình, nội dung, phương pháp, cách dạy để "đào tạo nhân tài kháng chiến và kiến quốc" (Biên niên tiểu sử, t.4, Nxb CTQG, H, 1994, tr.228).
b. Phải có chính sách đúng
Hồ Chủ tịch căn dặn: Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Người rất lo lắng về tình trạng: "Chính phủ không nghe đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.4, Nxb CTQG, H, 2000, tr.451).
Trong Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà ngày 17/9/1945, Hồ Chủ tịch phê phán những người không chịu sử dụng, đoàn kết với những người thuộc tầng lớp trên, hoặc làm việc cho chế độ cũ, họ nấp dưới chiêu bài "thành phần, lý lịch" để gạt bỏ người tài giỏi hơn, để bảo vệ đến cùng cái "ghế" của họ
Tháng 7/1947, Hồ Chủ tịch viết xong cuốn Sửa đổi lối làm việc, Người đã phê phán những cán bộ có đầu óc hẹp hòi như sau: ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình. ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình. Vì thế mà không biết liên lạc, hợp tác với những người có đạo đức tài năng ở ngoài Đảng. Vì thế mà người ta uất ức và mình thành ra cô độc...
Luôn quan tâm đến điều kiện phát triển nhân tài, ngày 17/3/1952, trong buổi lễ phát động phong trài thi đua và tiết kiệm, Người nói: "Nhờ thi đua mà nhân tài càng phát triển, của cải càng dồi dào, nhân dân càng sung sướng" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.6, Nxb CTQG, H, 2000, tr.438).
c. Thực sự lấy dân làm gốc.
Sức mạnh của cách mạng là ở nhân dân, là ở việc tổ chức vận động nhân dân, Bác nói: thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân, đã lãnh đạo nhân dân phấn đấu dưới lá cờ tất thắng của chủ nghĩa Mác - Lênin" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.10, Nxb CTQG, H, 2000, tr.197). Để sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc thành công, phải "biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của cán bộ, của quần chúng" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.9, Nxb CTQG, H, 2000, tr.193), trong nhiệm vụ đó có công tác vận động trí thức. Dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Bác, giai cấp công nhân Việt Nam nói chung, đội ngũ trí thức nói riêng đã cùng toàn dân tộc đưa con thuyền cách mạng đến bến bờ vinh quang.
GS.TS Đỗ Nguyên Phương *
Nguồn : Tạp chí mặt trận số 13, 10/2003
* Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương