Từ nhà nông thất bát trở thành nhà sáng chế máy dệt
Chiếc máy này khai mở một nhịp độ làm ăn mới cho nghề dệt chiếu truyền thống ở xã An Hiệp - Quê hương thứ hai của anh.
Thầy giáo thất nghiệp
Nhà Ba Long hiện ở ấp Thuận Điền (thuộc xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) mà dân địa phương quen gọi là xóm Nhà Thờ. Ở xóm Nhà Thờ hầu như gia đình nào cũng sống bằng nghề dệt chiếu, có tới hơn 250 hộ, chiếm gần phân nửa tổng số hộ làm chiếu ở An Hiệp.
Chị Na (vợ Ba Long) là thợ dệt "chính thống", biết làm chiếu từ hồi còn nhỏ xíu. Ba Long vốn là thầy giáo quê ở Rạch Giá (Kiên Giang). Anh và chị Na quen nhau cũng tại xứ này rồi thành gia thất. Năm 1977, vợ chồng Ba Long theo diện "hộ kinh tế mới" về lãnh 42 công ruộng ở Hòn Đất (Kiên Giang).
Là "thư sinh" thành thị, vóc dáng lại nhỏ nhắn nên nghề ruộng với Ba Long thật "khó nhứt trên đời": Cộng thêm đất hoang mới khai phá, không biết cách gieo trồng nên lúa cứ thất bát hoài. Ba Long quá "bể" nên lẳng lặng cuốn gói đùm đậu cả gia đình về Bến Tre (xã An Hiệp nơi nhà anh hiện nay) tìm kế khác mưu sinh.
Những năm ấy (khoảng 1981 - 1982), đời sống thật khó khăn, nhưng nhờ Ba Long khéo tay và có chút tài vặt nên kiếm sống bằng nhiều nghề: Hết điêu khắc gỗ (ai mướn thì làm), rồi nhận gia công gò thiếc làm vỏ hộp quẹt zippo, làm hàng mỹ nghệ gáo dừa...
Còn chị Na, mỗi sáng ra chợ An Hiệp phụ giúp cha mẹ bán cá, thịt. Chiều về, vợ chồng Ba Long lại lên khung, dệt chiếu. Chị luông (luồn cọng lác) anh kéo go dập. "Vậy mà ổng cứ lơ đễnh: người ta luông chưa tới ổng đã dập go. Bởi vậy cả ngày có khi hai vợ chồng dệt chưa xong một đôi chiếu trong khi thợ người ta làm ít gì cũng được 2 đôi... thế là cãi nhau", chị Na kể.
Còn anh thì cười, phân bua: "Người ta hổng rành mà hổng thương... bả cứ quạu!". Hồi ấy, tiền gia công một đôi chiếu mua được chừng 2 hay 3 lít gạo. Ba Long gẫm thấy công cán của mình sao "bèo" quá. Gia đình anh lại tới bốn, năm miệng ăn, biết chừng nào có dư? "Bởi vậy, dệt thì dệt nhưng bụng không vui, còn đầu óc cứ miên man nghĩ cách làm thế nào để một ngày có thể dệt được hàng chục đôi chiếu? Phải có máy!". Ba Long nhớ lại.
Hớp một ngụm nước trà, chỉ sang chiếc máy nằm chiếm gần hết gian nhà phụ, anh tiếp: "Nhưng tôi chưa tưởng tượng nó có hình dáng như vầy đâu. Đêm nào cũng thao thức, mất ngủ". Chị Na, dù có cằn nhằn nhưng cũng cảm thương anh chồng "thư sinh", không chịu nổi cảnh ngồi còng lưng, vụng về duỗi co cơ bắp đưa đẩy go dệt.
Nhà sáng chế... bất đắc dĩ
Ba Long ghiền thuốc lá, cà phê rồi cả trà nữa chứ! Nhưng rồi một ngày... "Bổng dưng ổng thôi uống trà, nghỉ luôn cà phê. Cứ đôi ba bữa lại thấy mua về một mớ sắt vụn, bu lông, ốc vít từ mấy gánh ve chai. Gặng hỏi riết ổng mới nói là để làm máy dệt. Trời đất! Lúc nào cũng thấy ổng ra bộ tay chân, hết co duỗi cánh tay lại đến xoay xoay hai bàn tay không... Tôi cứ sợ ông bị... thần kinh", chị Na nhớ lại: "Bà con lối xóm xầm xì: ổng bị ""mát" thiệt rồi sao ấy!". Ba Long cũng biết được sau lưng anh người ta cười cợt chế nhạo, nhưng anh vẫn bình nhiên tích cóp từng đoạn sắt, con đinh ốc... " theo đuổi ý tưởng làm ra máy dệt.
Năm 2000, Ba Long bắt tay ráp máy. Cái góc nhỏ trong gian chái, nơi anh lót mấy tấm ván làm chỗ nghỉ lưng buổi trưa lúc này biến thành "xưởng" đồ nguội. Nhưng khổ nỗi không đủ tiền nên mãi một năm sau (năm 2001), anh mới ráp thêm bộ phận truyền động. Năm 2002, ráp tiếp mô tơ động lực. Nhưng, máy chạy không theo ý muốn: Các bánh không chịu "đồng tình" với nhau, tay kẹp luông chiếu chưa ăn nhịp... Ba Long tối ngày cứ vò đầu bứt tóc, góp nhặt lại những kiến thức về cơ khí đã học được từ 30 năm trước. Đó là những năm khoảng 1972 - 1973, khi chàng thanh niên Ba Long đang theo học ngành cơ khí.
Thành công ngoài mong đợi
Ba Long không nhớ mình phải thức bao nhiêu đêm để cố ôn lại nghề sửa máy xe, rồi tỉ mẩn vẽ lại "quy trình thò, thụt" liên động giữa pit-tông, nồi li hợp, hệ thống điều tốc trong hộp số truyền động xe Honda, để mô phỏng, tính toán vòng quay, số răng cho từng bánh truyền động của máy dệt, rồi phải phân tích bộ phận nào phải truyền động bằng curoa, bộ phận nào phải kéo băng xích.
Cuối năm 2003, chiếc máy dệt chiếu con con (mô hình vuông vức chừng một mét khối) hoàn thành. Nhưng làm sao để biến nó thành chiếc máy bự, dệt được những chiếc chiếu có bề khổ 1,60m? Sau nhiều ngày lặn lội dò hỏi, Ba Long tìm đến Sở Khoa học - Công nghệ Bến Tre trình bày nguyện vọng. May mắn cho anh, kỹ sư Nhựt, kỹ sư Hạnh chấp nhận xuống tận nhà coi máy.
"Giữa năm ngoái (2004), mấy ảnh cho hay Sở KH-CN đồng ý cấp 16 triệu đồng cho tui làm máy. Mừng còn hơn được vàng!", Ba Long kể. Thế là suốt gần 10 tháng trời gian nhà phụ của Ba Long trở thành "xưởng" chế tạo: Nào là sắt V5, V8, sắt L, sên, bulon, bánh răng đủ cỡ... ước có hơn 1 tấn sắt, được ráp thành cỗ máy dệt cao 1,8m, dài 3m, ngang 1,6m. Sau ngày đoạt giải (4-2005) chiếc máy của Ba Long dệt thử một lô chiếu gia công thiệt suôn sẻ: Chiếu đạt độ mịn khít và hầu như không có lỗi chỉ. Bác cả Hoàng Kim Mai (76 tuổi), nói: "Dệt bằng khuôn thủ công, trung bình 2 thợ lành nghề làm được 2 đôi/ngày. Nhưng cái máy của chú Long chế ra dệt được tới 7-8 đôi/ngày mới là chuyện lạ".
Rồi đến khi hay tin Hội chợ Techmart 2005 dự mở. Ba Long lại buồn vì không tìm đâu ra lộ phí đưa máy đi dự. May quá, tỉnh Bến Tre lại hỗ trợ anh 7 triệu đồng làm chi phí. Thế là Ba Long "cõng" máy đi.
Người thay đổi diện mạo nghề dệt chiếu An Hiệp
Công khó hàng chục năm trời của Ba Long bây giờ thực sự là một công trình sáng tạo tầm cỡ. Máy dệt "made in Ba Long" là bước cơ giới hóa đầu tiên cho nghề dệt chiếu truyền thống từ Nam chi Bắc. Vị chi làm ra chiếc máy này khoảng 19,5 triệu đồng, nhưng theo Ba Long, nếu tính toán kỹ nguồn vật tư thiết kế gọn lại thì giá có thể dưới 15 triệu đồng/máy.
Theo thiết kế, máy chỉ cần một người "cho ăn (luông chiếu) khi máy vận hành. Chiếu dệt ra theo khổ chuẩn 1,6 m. Có 3 tốc độ dệt: Số 1, dành cho người mới học nghề, dệt được 5 lá (chiếc)/ngày. Số 2 cho thợ đã quen tay, dệt 10 lá/ngày. Số 3, cho thợ lành nghề, dệt 15 - 16 lá/ngày.
Anh nói: "Nếu có chừng 100 triệu đồng là tui có thể mở xưởng sản xuất máy. Nhu cầu dùng máy để dệt chiếu chưa nhiều, nhưng cũng có thể dùng nó dệt thảm hay một vài loại hàng dệt khác...".
Ba Long còn cho biết anh đang có dự định chế tạo máy lạn dừa. Chưa biết máy lạn dừa hình thù sẽ ra sao, nhưng với tác giả của máy dệt chiếu Ba Long thì có lẽ máy lạn, máy cắt cơm dừa là chuyện không khó lắm.
Nguồn: nhandan.com.vn 5/11/2005