Tù mù như ngôn ngữ “a gù”
Những từ ngữ này, không phải là một dạng tiếng “lóng” vốn chỉ dùng trong một cộng đồng nhỏ, mà đã trở thành những từ ngữ bình dân, tự nhiên sinh ra và tự nhiên được chấp nhận.
1001 kiểu “hế”
Thứ ngôn ngữ mới này được “chế” bằng đủ mọi cách. Từ lấy tên địa danh (Cao Bằng, Bắc Cạn, Nghĩa Lộ,...), hoa quả (khoai, chuối,...), động vật (rùa, sên…), số đếm (8, 5,…), mượn từ nước ngoài chuyển nghĩa qua tiếng Việt (meo - e-mail; phôn - phone,...),...đến cả những từ vô nghĩa (hehehe, kekeke,...), rồi cả tên danh nhân cũng không... kiêng. Cũng có khi các từ mới sinh ra ngắn gọn hơn các từ đúng nghĩa của nó; có khi lại dài hơn, tùy từng hoàn cảnh.
Có những từ thông dụng, đột nhiên bị “pha” giữa Nam và Bắc, hoặc rút gọn, hoặc mượn các chữ cái nước ngoài để diễn đạt, ví như: Bùn wá (buồn quá); E bit rui (em biết rồi); 8 ko? (chat không?); Bibo (tạm biệt); Cu 29 (see you tonight – hẹn gặp tối nay), G9 (good night – chúc ngủ ngon)... Lại có những cụm từ được nói ra gần như trở thành “mốt” của những người muốn tỏ ra sành điệu; không biết có phải vì nó vần như Buồn như con chuồn chuồn, chán như con gián...
Có những từ chẳng ai biết nghĩa là gì, nhưng vẫn cứ đua nhau dùng như kakaka, kekeke, ac ac (ặc ặc)... Không biết trả lời thế nào cũng kakaka, tỏ ý vui quá cũng kakaka, chán nản cũng kakaka,... Rồi để diễn tả tâm trạng, người ta dần trở nên quen dùng hihi, haha, hehe... hơn cả những biểu hiện bình thường trên khuôn mặt.
N kiểu xài
Do tính chất “phái sinh”, chưa được ghi nhận trong từ điển, nhưng như một thứ virus, ngay khi xuất hiện, những từ ngữ vừa mới mẻ, vừa tù mù này đã lập tức lây lan nhanh chóng. Không chỉ ở giới học sinh, sinh viên – vốn là môi trường tốt của các ngôn từ mới - hay ở những người thường rảnh rỗi, ngồi chat chit trong các quán cà phê Internet hoặc lúi húi với chiếc mô-bai nơi quán cóc vỉa hè, ngôn ngữ kiểu agù còn tìm được “đất sống” cả trên phim ảnh, lời bài hát...Trong bộ phim “Chiến dịch trái tim bên phải”, một đoạn đối thoại của bạn trẻ khiến cho những người lớn phải bật cười với câu “cướp trên giàn mướp” (?!). Trong các tiểu phẩm “Gặp nhau cuối tuần”, các quảng cáo phát trên tivi, cũng thấy nhan nhản những ngôn ngữ kiểu này. Và dường như, có tâm lý cho rằng, không xài kiểu ngôn ngữ này là không “sành điệu”, là “lạc thời”...
Vòng đời ngắn ngủi
Cách đây gần 10 năm, từ “lìu tìu” xuất hiện. “Lìu tìu” nghĩa là gì, không ai giải thích được, cũng không biết nó phát sinh từ đâu, nhưng đụng cái gì, cũng cứ phải thêm chữ “lìu tìu” vào thì nó mới có vẻ. Thế nhưng, như một cơn gió thoảng, từ “lìu tìu” biến mất. Mốt bây giờ, có lẽ thuộc về... “chuối”. Bạ gì cũng thêm “chuối” vào, đến mức, nhiều khi cảm thấy tội nghiệp cho quả chuối nhiều vitamin, lắm công dụng.
Đành rằng, cùng với việc hòa nhập vào nhịp sống hiện đại, sẽ có những từ ngữ mới du nhập vào và khó tìm kiếm từ đồng nghĩa tương ứng trong tiếng Việt; cũng có thể là với 160 ký tự cho một tin nhắn SMS, khó mà trình bày dài dòng; hoặc khi chat, đòi hỏi phần lớn dùng ký tự tiếng Việt không dấu. Nhưng có lẽ, nguyên nhân chính chỉ vì không thể cưỡng lại xu thế hấp thụ những cái mới trong cuộc sống liên tục diễn ra theo hướng “mở”.
Tuy nhiên, xét đi rồi xét lại, những ngôn ngữ mới sinh ra dường như xa lạ với các ngôn từ của tiếng Việt, chẳng những không góp phần làm trong sáng vốn từ vựng của dân tộc, mà nhiều khi, còn khiến cho tiếng Việt trở nên méo mó, sai lệch. Biết là dùng thế thì vui đấy, nhưng liệu chăng, chỉ nên dùng nó ở ngôn ngữ nói, thay vì chấp nhận và tán dương nó trong những “sản phẩm văn hóa” thực sự?
Theowww.vnn.vn22/07/2005