Từ Chi, gương mặt lớn của ngành dân tộc học Việt Nam
Trong buổi lễ khai mạc trưng bày "Từ Chi-nhà dân tộc học" nhân kỉ niệm 10 năm ngày mất của ông tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam vào ngày 10-10-2005, trước đông đảo khách mời và bạn hữu, gia đình Từ Chi, GS-TS Phạm Đức Dương (một người bạn vong niên của Từ Chi) đã xúc động phát biểu: "Tưởng niệm về anh Từ có bao nhiêu điều phải bộc bạch, vì cuộc đời anh là cả một thế giới thánh thiện, một di sản quý giá. Chính con người ấy đã toả sáng và chinh phục những ai có dịp gặp anh".
Nguyễn Từ Chi (1925-1995), đương thời được biết đến là một nhà dân tộc học, dịch giả, biên tập viên và là một người thầy đáng kính. Tuy nhiên, ông được giới khoa học trong và ngoài nước ngưỡng mộ trước hết qua những công trình dân tộc học tạo nhiều tiếng vang, đặc biệt nhất là cụm công trình đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: "Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc bộ", "hoa văn Mường", "hoa văn các dân tộc Gia-rai, Ba-na", "Người Mường ở Hoà Bình". Từ Chi khám phá vũ trụ luận Mường và tìm ra mối liên hệ lịch sử giữa hoa văn cạp váy Mường ngày nay với hoa văn trên trống đồng Đông Sơn, với cái gốc của người Việt-Mường, từ đó ông nhìn ra toàn bộ Đông Nam Á. Ông soi sáng các mối quan hệ cực kì rối rắm trong xã hội nông thôn người Việt, khiến có thể hiểu được sự vận hành vốn phức tạp của văn hoá làng xã. Ông là người có công phát hiện ra tổ chức "giáp" từ đó lột tả tinh thần dân chủ xã hội xưa còn được phản ánh trong đời sống đương thời ở làng Việt... Những nghiên cứu sắc sảo, uyên thâm, giàu giá trị khoa học kinh điển ấy là duyên nợ cuộc đời Từ Chi, cũng là dòng máu của truyền thống gia đình luôn cuộn chảy trong ông.
Từ Chi vốn xuất thân trong một gia đình "cự tộc" họ Nguyễn Chi nổi danh ở đất Can Lộc-Hà Tĩnh. Bố ông là Nguyễn Kinh Chi, chú ruột ông là Nguyễn Đổng Chi đều là hai nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian có tiếng tiên phong ở nước ta ảnh hưởng theo lối tư duy phương Tây. Thuở nhỏ, Từ Chi được nuôi dạy chu đáo, được gia đình gửi ăn học cùng với các học sinh con em quan chức Pháp tại trường Thiên Hựu ở Huế. Có lẽ đấy là thời gian rất quý để sau này ông nói tiếng Pháp rất "thoải mái", đọc sách Pháp nhiều, thảo luận với nhiều nhà dân tộc học nổi tiếng của Pháp, thuyết trình tại Pa-ri bằng chính tiếng Pháp về các chuyên đề dân tộc học Việt Nam, viết bài nghiên cứu bằng tiếng Pháp đăng tải trên các tạp chí lớn trên thế giới. Khi Tổng thống Pháp Giắc Si-rắc đến Hà Nội thăm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Ông chỉ nhắc đến hai người Việt Nam là Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Từ Chi và coi Từ Chi là "gương mặt lớn của dân tộc học Việt Nam". Còn vị GS Dân tộc học lừng danh người Pháp là Gioóc-giơ Công-đơ-mi-nát, người bạn thân thiết 20 năm cuối đời của Từ Chi từng nhận xét, Từ Chi là một nhà bác học lớn của Việt Nam thế kỷ XX, "Từ Chi mang sẵn trong mình phẩm chất của một con người thực địa. Nhà nghiên cứu độc đáo này, đầy tính độc lập, đầy tài năng..."
Cuộc đời đôi khi lắm nghịch cảnh! Cũng vì thế mà sinh thời Từ Chi ít được để ý ngoại trừ vài người bạn thân, những thế hệ học trò và một số nhà khoa học lớn trên thế giới hoặc trong nước. Từ Chi tự nhận cho mình một lối sống cực kì bình dị, dân dã. Ông luôn thể hiện khí chất khoan dung độ lượng và tinh thần nhẫn nại của một nhà khoa học, sự mẫu mực trong sáng của một người thầy, sự chí tình chí nghĩa của một người bạn và dành một tình yêu lớn cho người yêu-người vợ. Cuộc sống dù luôn nhiều gian khó nhưng Từ Chi luôn có cốt cách riêng, không màng danh lợi, chức quyền, không cầu vinh cầu tài, không lên mặt với bất kì ai. Nhiều nhà khoa học danh tiếng cùng thời hay những thế hệ học trò đều khâm phục ở ông đức tính khiêm nhường. Họ chưa hề thấy ông chê bai một ai. Bất kì ai trong ngành dân tộc học, kể cả những sinh viên mới ra trường ông đều nhất mực tỏ ra là người giàu lòng nhân ái. Ông tận tâm truyền nghề dân tộc học một cách say sưa, chỉ bảo trực tiếp từng người hoăc từng nhóm nhỏ khi thì ở Hà Nội lúc thì trên thực địa. Từ cách quan sát, thăm hỏi tới cách ghi chép, phác họa, phân tích xâu chuỗi các vấn đề cho đến cách viết một bài nghiên cứu, ông đều rất chu đáo. PGS-TS Ngô Văn Doanh, người học trò của ông hồi tưởng:"Thầy Từ Chi luôn giành sự quan tâm đặc biệt đến học trò. Những học trò ở xa, thầy dành thời gian viết thư trả lời cặn kẽ và luôn đưa ra những kiến giải thực tế, lý thú!"
Từ Chi được thế giới nhắc đến như là một nhà dân tộc học điền dã mẫu mực, có phương pháp điền dã vừa kinh điển vừa đời thường, cách tiếp cận, cách nhìn về địa bàn trong điền dã như nhập thân vào quần chúng với lối ghi chép tỉ mỉ, chi tiết, rõ ràng. Ông say mê và bền bỉ nghiên cứu vùng người Mường hàng chục năm để thu thập tư liệu theo một chu kì nông nghiệp và một vòng quay của đời sống cộng đồng. Lí lẽ của ông là họ gần gũi với người Việt, vùng văn hoá Hoà Bình gần với Hà Nội nên có thể đi xe đạp đến, thậm chí là đi bộ. Từ Chi học tiếng địa phương, trò chuyện với người dân khiêm tốn, trân trọng tạo được mối quan hệ thân thiết trong lòng họ. Vì thế, ông được họ nuôi hàng tháng trời, có thể viết những mô tả chi tiết ngay trên thực địa. Ông cũng chính là người đi đầu trong việc thực hiện "trao giọng nói cho người dân", đề cao chủ thể và quan điểm bản địa. Ông cho rằng: "Dân tộc học là học dân", và ông tự bạch: "Trong túi mình lúc nào cũng phải có 4 thứ: một bản thảo đang viết, một quyển sách đọc dở, một bài biên tập chưa xong, một bản dịch chưa hoàn thành. Có như vậy, ở đâu mình cũng được làm việc, chán việc này có thể chuyển qua việc khác".
Đã 10 năm kể từ khi "nhà bác học" Từ Chi đi về cõi vĩnh hằng. Con người, cuộc đời, nhân cách và sự nghiệp nhiều đóng góp cho khoa học của ông đáng được người đời nể trọng và toả sáng cùng thời gian. Cuộc trưng bày "Từ Chi-nhà dân tộc học" là nén hương thơm ngát tưởng nhớ thành kính về ông. Đấy là dịp để bạn hữu, gia đình và đặc biệt là lớp trẻ ngày nay được dịp hiểu, trân trọng và tôn vinh sự nghiệp khoa học của một con người, một nhà dân tộc học xuất sắc của Việt Nam thế kỷ XX.
Nguồn: Quandoinhandan 14/10/2005