Trung tâm Nâng cao năng lực, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em triển khai dự án
Dự án “Bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh” do Trung tâm Nâng cao năng lực, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em (Trung tâm CSWC), một tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc, làm Chủ dự án.
Tổ chức Planète Enfants&Développement (PE&D) tài trợ cho dự án với mục tiêu chung nhằm tăng cường và triển khai cơ chế phòng ngừa và bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, đặc biệt là phòng chống mua bán người và bóc lột sức lao động trẻ em ở Thành phố Hồ Chí Minh và mục tiêu cụ thể bao gồm củng cố cấu trúc gia đình và vai trò làm cha mẹ nhằm ngăn chặn bóc lột và bạo lực đối với trẻ em và hướng dẫn và hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên có nguy cơ hoặc là nạn nhân của bạo lực, mua bán người và bóc lột sức lao động để tái hòa nhập gia đình, cộng đồng.
Trong thời gian từ tháng 01 năm 2025 đến tháng 3 năm 2026, dự án dự kiến đạt các kết quả chủ yếu, gồm 70 gia đình được nhân viên xã hội của dự án đồng hành, hỗ trợ cùng gia đình giải quyết những vấn đề khó khó nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, 60 trẻ em có nguy cơ cao hoặc là nạn nhân của mua bán người và bóc lột sức lao động được truyền thông “kiến thức về phòng, ngừa mua bán trẻ em, bóc lột lao động, phòng chống bạo lực trẻ em”, 15 trẻ em có nguy cơ cao hoặc là nạn nhân của mua bán người, bị bóc lột sức lao động, bị bạo lực được bảo vệ và đồng hành hướng tới tái hòa nhập cộng đồng và/hoặc gia đình và 10 cuộc họp quản lý trường hợp (quản lý ca trẻ) với các nhân viên xã hội thuộc các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập được tổ chức.
Các vấn đề sẽ được giải quyết trong khuôn khổ dự án gồm ngăn ngừa và bảo vệ trẻ em trước vấn nạn bị mua bán, bóc lột sức lao động, bị bạo hành; đồng thời hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, tâm lý, giáo dục, trang bị kiến thức về “phòng, ngừa mua bán trẻ em, bóc lột lao động, phòng chống bạo lực, quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em” cho trẻ em có nguy cơ cao và/hoặc bị mua bán, bóc lột sức lao động, bị bạo hành để các em có thể ổn định, phát triển toàn diện thể chất và tinh thần; nâng cao nhận thức, hiểu biết của các bậc phụ huynh/ người chăm sóc trẻ thuộc các gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong việc quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ con em trước vấn nạn bị mua bán, bóc lột sức lao động, bị bạo hành; góp phần bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại địa bàn dự án được tốt hơn; và hướng đến chia sẻ, giới thiệu mô hình dự án bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị mua bán, bóc lột sức lao động, bị bạo hành để thành phố, địa phương nghiên cứu nhân rộng trong tương lai.
Trên cơ sở tiếp nối thành công của dự án “Đồng hành xây dựng hệ thống hỗ trợ phòng chống buôn bán trẻ em ở miền Nam và miền Trung, Việt Nam” đã được Liên hiệp Hội Việt Nam phê duyệt năm 2021. Nhóm chuyên gia của Trung tâm CSWC tiếp tục xây dựng đề xuất dự án này. Dự án được thực hiện sẽ giúp cho hàng trăm trẻ em, thanh thiếu có hoàn cảnh khó khăn được được hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm, được trang bị kiến thức về quyền trẻ em, kỹ năng sống, kỹ năng mềm… Dự án triển khai thành công góp phần vào chương trình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở thành phố Hồ Chí Minh. Các hoạt động hướng đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn luôn được đón nhận từ phía chính quyền địa phương, góp phần cùng chính quyền, các ban ngành đoàn thể địa phương ngăn ngừa trẻ em, thanh thiếu có hoàn cảnh khó khăn vướng vào các tệ nạn xã hội như bạo hành, xâm hại tình dục, buôn bán trẻ em, tạo ra môi trường xã hội "lành mạnh" hơn cho trẻ em. Trung tâm CSWC đã có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn sẽ góp phần vào công tác này ở địa phương được hiệu quả hơn.
Trước đó, dự án “Đồng hành xây dựng hệ thống hỗ trợ phòng chống buôn bán trẻ em ở miền Nam và miền Trung, Việt Nam” đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận như: hoạt động đồng hành hỗ trợ 150 trẻ em là nạn nhân bị bóc lột sức lao động, bị buôn báo theo tiêu chí dự án. Các trẻ này được dự án hỗ trợ về tâm lí, giáo dục, học nghề, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí và hỗ trợ chi phí cho 25 sống tại cơ sở bảo trợ xã hội về lại gia đình. Hơn nữa dự án đã thực hiện hỗ trợ khám và điều trị bệnh cho 60 trẻ (khám tổng quát cho 40 trẻ và điều trị bệnh các bệnh về da liễu, các bệnh liên quan tới sức khỏe sinh sản, các bệnh về mắt…) và hỗ trợ cho gần 40 trẻ học nghề cũng như hỗ trợ đánh giá tâm lý, tham vấn tâm lí cá nhân cho 35 trẻ có vấn đề về tâm lí. Bên cạnh đó, dự án đã tổ chức được 51 lớp tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng mềm (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xác định giá trị bản thân, kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng quản lý chi tiêu, kỹ năng phòng tránh xâm hại/ bạo hành, an toàn khi sử dụng Internet,…) cho 867 trẻ tham gia, 44 buổi truyền thông về “Kiến thức phòng chống mua bán trẻ em và lao động trẻ em cho 985 trẻ tham gia, 03 lớp tập huấn “Kiến thức về phòng, chống tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi và kết nối, chuyển tuyến cho nhân viên xã hội và cán bộ địa phương” cho gần 100 người là cán bộ địa phương, nhân viên xã hội, giáo dục viên. Dự án đã thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cho 35 cán bộ, nhân viên xã hội của Trung tâm Công tác xã hội – Giáo dục dạy nghề Thiếu niên Thành phố Hồ Chí Minh với các chủ đề như kiến thức và kỹ năng làm việc với trẻ, nhận diện trẻ là nạn nhân của mua bán người, bóc lột sức lao động, hồi gia, chăm sóc dựa trên sang chấn tâm lý, chạy cảm giới, quản lý ca; tổ chức 19 buổi truyền thông “Phòng, chống buôn bán trẻ em” cho 591 cán bộ, chuyên viên, cộng tác viên phòng lao động, thương binh và xã hội các quận/huyện ở thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức 17 buổi truyền thông “Kiến thức về phòng chống mua bán trẻ em, phòng chống bạo lực, bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục trẻ em” cho 582 phụ huynh, người chăm sóc trẻ em tham dự; hỗ trợ hoạt động vui chơi giải trí, câu lạc bộ trẻ, sinh hoạt chuyên đề chia sẻ và quản lý cảm xúc cho trẻ sống tại Trung tâm Công tác xã hội – Giáo dục dạy nghề Thiếu niên Thành phố. Dự án hợp tác với Trung tâm Tham vấn Tâm lý và Giáo dục Sunrise thực hiện “dự án” này cho toàn bộ 68 trẻ đang sống tại Trung tâm Công tác xã hội – Giáo dục dạy nghề Thiếu niên Thành phố. Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ vật chất, hiện vật trao tặng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bằng nguồn vận động không thuộc ngân sách dự án như trao tặng học bổng cho 106 học sinh, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho 52 trẻ có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng đồng phục, nhu yếu phẩm, bánh kẹo cho 96 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại Trường tình thương Bình Thuận và Trao tặng giày, dép hiệu Skechers (bị lỗi nhỏ) cho gần 300 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn,…
Vì vậy, Trung tâm CSWC và tổ chức PE&D tin tưởng rằng dự án mới này được triển khai sẽ tiếp tục góp phần cùng chính quyền, các ban ngành - đoàn thể, các tổ chức xã hội và cộng đồng tại thành phố Hồ Chí Minh chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn được tốt hơn.