Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 01/07/2024 11:04 (GMT+7)

Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam triển khai dự án Bảo tồn động vật hoang dã bền vững

Dự án Bảo tồn động vật hoang dã bền vững do Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam tiếp nhận viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức từ Cơ quan phát triển hợp tác quốc tế Hoa Kỳ.

Dự án thực hiện trong 3 năm (2024 – 2026) và được triển khai tại địa bàn tỉnh Đồng Nai và thành phố Hà Nội với hai mục tiêu chính gồm “Tạo nơi cư trú bền vững và an toàn cho các khu rừng tự nhiên và các loài động vật hoang dã đang bị đe dọa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” và “Nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên qua đó giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã tại Hà Nội thông qua Trung tâm thiên nhiên lưu động nhằm chấm dứt sử dụng động vật hoang dã trái phép”.

Với các mục tiêu trên, dự án kì vọng đạt các kết quả chính bao gồm: Thành lập và triển khai hiệu quả mô hình lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là người dân địa phương tại vườn quốc gia Cát Tiên và Khu bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai, qua đó góp phần bảo vệ rừng và động vật hoang dã; Ứng dụng thành công công nghệ phần mềm công cụ báo cáo và giám sát không gian - Spatial Monitoring and Reporting Tool (SMART) trong tuần tra bảo vệ rừng cho các rừng đặc dụng và phòng hộ ở tỉnh Đồng Nai nhằm thúc đẩy công tác tuần tra bảo vệ rừng và tuyên truyền bảo tồn động vật hoang dã; Tổ chức hiệu quả các hội nghị, hội thảo giúp tăng cường phối hợp liên ngành giữa các đơn vị qua đó “tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Nghiên cứu, ghi nhận sự biến động của quần thể động vật hoang dã theo thời gian trên địa bàn vườn quốc gia Cát Tiên và Khu bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai bằng phương pháp sử dụng bẫy ảnh; Xây dựng và triển khai thành công “Trung tâm thiên nhiên lưu động” trên địa bàn thành phố Hà Nội, góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn động vật hoang dã cho người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đối tượng hưởng lợi trực tiếp của dự án là quần thể động vật hoang dã, người dân vùng đệm quanh khu vực vùng đệm của vườn quốc gia Cát Tiên và Khu bảo tồn Thiên nhiên- Văn hóa Đồng Nai; lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng tại các khu rừng tự nhiên ở Đồng Nai, các lực lượng thực thi pháp luật tại tỉnh Đồng Nai và học sinh, sinh viên và cộng đồng nơi Trung tâm thiên nhiên lưu động được triển khai tại thành phố Hà Nội

Dự án được triển khai nhằm góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội và lĩnh vực bảo tồn tại tỉnh Đồng Nai và thành phố Hà Nội, cụ thể như:

Bảo tồn động vật hoang dã và môi trường tự nhiên: Cùng với các cơ quan chức năng triển khai mô hình lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là người dân địa phương và triển khai công nghệ SMART tại các khu vực quan trọng như Vườn Quốc gia Cát Tiên và Khu bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa tỉnh Đồng Nai, giúp giảm thiểu tình trạng săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Đồng thời bảo vệ rừng, môi trường tự nhiên, cân bằng sinh thái và tạo môi trường sống cho các loài động vật hoang dã đang bị đe dọa nghiêm trọng. Ứng dụng công nghệ trong tuần tra bảo vệ rừng và phòng chống tội phạm về đa dạng sinh học: SMART là công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra, được xây dựng nhằm cải thiện khả năng thực thi pháp luật và giám sát sự thay đổi quần thể động vật hoang dã tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn. SMART giúp chuẩn hóa việc thu thập dữ liệu, phân tích và lập báo cáo về hiện trạng quản lý tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học trong hệ thống các khu bảo tồn. Những dữ liệu này sẽ giúp ích cho quá trình xây dựng các quy định và đưa các quyết sách phù hợp nhằm quản lý và bảo tồn hiệu quả hơn.

Bộ công cụ SMART bao gồm: Phần mềm SMART, Mô hình dữ liệu, Mẫu báo cáo SMART và Hướng dẫn kỹ thuật phần mềm. Thông qua đó, hỗ trợ thiết lập được bộ cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua công cụ quản lý dữ liệu và tuần tra thống nhất dùng chung trên phạm vi cả nước từ Trung ương đến cơ sở, góp phần bảo tồn phát triển bền vững tài nguyên đa dạng sinh học quốc gia. Bên cạnh việc hỗ trợ các trang thiết bị thông minh, phần mềm thì việc tập huấn chuyển giao cách thức sử dụng phần mềm theo hình thức trực tiếp nhằm giúp đội ngũ cán bộ kiểm lâm nhanh chóng tiếp cận được công nghệ. Việc các khu bảo tồn, các vườn quốc gia áp dụng chương trình SMART trong công tác tuần tra bảo vệ rừng giúp tăng cường hiệu quả của công tác bảo vệ rừng và quản lý chặt chẽ những mối nguy cơ tác động xấu đến rừng và động vật hoang dã.  Việc ứng dụng SMART trong quản lý rừng đã được đưa vào trong Đề án số 626/2017/ QĐ-TTg về Tăng cường năng lực quản lý hệ thống khu bảo tồn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030, cụ thể là mục tiêu xây dựng hệ thống theo dõi diễn biến tài nguyên và đánh giá hiệu quả quản lý của 30% (đến năm 2020) và 50% (đến năm 2025) các khu bảo tồn tại Việt Nam thông qua việc ứng dụng công nghệ viễn thám kết hợp SMART. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành hướng dẫn việc áp dụng SMART cùng một mô hình dữ liệu cho các khu bảo tồn trong cả nước.

Tạo cơ hội công việc và truyền cảm hứng: Mô hình lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là người dân địa phương tạo cơ hội việc làm cho người dân vùng dự án, cải thiện an sinh đồng thời bảo vệ được rừng, sinh cảnh sống và động vật hoang dã qua đó truyền cảm hứng cho cộng đồng tham gia vào bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã.

Triển khai mô hình Trung tâm thiên nhiên lưu động trên địa bàn thành phố Hà Nội góp phần nâng cao nhận thức về bảo tồn động vật hoang dã trong cộng đồng, từ đó tác động giảm thiểu nhu cầu sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã. Mô hình Trung tâm thiên nhiên lưu động sử dụng xe buýt với trang thiết bị và vật dụng triển lãm về bảo tồn động vật hoang dã được thể hiện qua nhiều hình thức, sử dụng đa dạng các công cụ thiết kế đồ họa, vẽ mỹ thuật, mô hình 2D-3D mẫu vật; kết hợp công nghệ hiện đại VR và AR, hợp xu hướng, lẫn hiệu ứng cơ học nhằm đẩy mạnh sự tương tác giữa khách tham quan và nội dung triển lãm, đồng thời cung cấp những trải nghiệm độc đáo, mang lại cho khách tham quan cảm giác mới lạ, kích thích sự tò mò và hứng thú tìm hiểu, học tập và nuôi dưỡng tình yêu đối với thiên nhiên và động vật hoang dã. Trung tâm thiên nhiên lưu động với “hành động ba không”, trong đó mỗi người dân Việt Nam cùng thay đổi, có lối tiêu dùng văn minh và hành vi thân thiện hơn với môi trường thiên nhiên cùng động vật hoang dã, bằng các “hành động ba không” gồm không ăn, không sử dụng và không tiếp tay, ủng hộ cho buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.

Trung tâm thiên nhiên Lưu động cung cấp thông tin về giá trị tự nhiên, tình trạng nguy cấp và nguyên nhân dẫn đến việc động vật hoang dã bị săn bắt và buôn bán trái pháp luật, cùng các mức xử phạt khi vi phạm theo pháp luật; làm rõ các hậu quả từ hành vi sử dụng động vật hoang dã và các sản phẩm của chúng đến con người, xã hội và thiên nhiên rằng tuyệt chủng động vật hoang dã, mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng tới kinh tế, ảnh hưởng sức khoẻ do bệnh tật đến từ niềm tin không đúng đắn về lợi ích sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã. Thông qua các hoạt động của Trung tâm thiên nhiên lưu động, xây dựng niềm tin đúng đắn cho những người chưa sử dụng hoặc có khả năng sử dụng động vật hoang dã trong tương lai từ những câu chuyện của người thật, việc thật đang nỗ lực bảo vệ thiên nhiên. Từ đó họ thấy việc sử dụng động vật hoang dã chỉ là nhóm thiểu số và họ tin rằng sự lựa chọn “ba không” của mình có ý nghĩa, góp phần từ chối các hành động ăn, sử dụng, buôn bán và săn bắt động vật hoang dã. Người tham quan hướng đến hành động cụ thể từ chính những kiến thức, hiểu biết thông qua Trung tâm thiên nhiên lưu động. Các hành động tốt đẹp đó sẽ lan toả được đến nhiều người khác để cùng chung tay bảo vệ động vật hoang dã.

Dự án có vai trò đóng góp nguồn lực vào việc bảo vệ và bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp và quý hiếm ở Việt Nam, cũng như duy trì đa dạng sinh học, phù hợp với các chiến lược và kế hoạch quốc gia và tỉnh, thành phố về đa dạng sinh học, tăng trưởng xanh, và thực thi pháp luật liên quan đến động vật hoang dã, hỗ trợ giải quyết những thách thức và mối đe dọa mà động vật hoang dã phải đối mặt từ việc săn bắt, buôn bán, và tiêu thụ trái pháp luật, cũng như suy thoái môi trường sống.

Xem Thêm

Vinh danh 77 Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN năm 2024
Việc vinh danh và trao chứng chỉ Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN cho các kỹ sư của Việt Nam năm 2024 đã thể hiện được uy tín của chương trình và nhu cầu ngày càng cao của các kỹ sư trong lĩnh vực điện lực nói riêng, kỹ sư tại Việt Nam nói chung.
An Giang: Triển lãm Mekong Connect 2024
Ngày 17/12, tại Trường Đại học An Giang đã diễn ra khai mạc triển lãm và chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2024 - Liên kết vùng vì phát triển bền vững.
Đoàn công tác của Hội khoa học và kỹ thuật Thượng Hải làm việc với VUSTA và thăm quan Bảo tàng di sản các nhà khoa học
Chiều ngày 21/11, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Đoàn công tác hội Khoa học và Kỹ thuật Thượng Hải (SAST) do ông Liu Wei làm trường đoàn đã có buổi làm việc chính thức với lãnh đạo VUSTA. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ giữa hai tổ chức.
Vusta tham dự Diễn đàn Kỹ sư Lan Thương – Mê Kông
Từ ngày 4 – 7/12 tại thành phố Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc đã diễn ra Diễn đàn Kỹ sư Lan Thương – Mê Kông 2024 với chủ đề “Sáng tạo kỹ thuật và hợp tác các bên cùng có lợi” do Hiệp hội Kỹ sư Trung Quốc (CSE) đăng cai dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc (CAST) tổ chức.
HỘI KH&CN HKVN ĐỒNG HÀNH CÙNG CHUỖI HỘI THẢO QUỐC TẾ CỦA IATA “AIR CARGO DAY VIỆT NAM 2024”
Ngày 07-08/11/2024 tại Thủ đô Hà Nội, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế IATA và Công ty Cổ phần Triển lãm Hàng không Việt Nam, cùng với sự phối hợp của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam và Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam tổ chức chuỗi sự kiện Hội thảo khoa học này.

Tin mới

An Giang: Phát huy vai trò trí thức khoa học công nghệ
Trí thức khoa học công nghệ là lực lượng nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững. Tại An Giang, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) đã khẳng định vai trò là "người dẫn đường", kết nối và phát huy năng lực của đội ngũ trí thức.
Bình Thuận: Công tác phối hợp các hội thành viên gắn kết và hiệu quả
Công tác phối hợp với các hội thành viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp hội tỉnh. Trong những năm qua nhất là trong năm 2024, công tác phối hợp với các hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp hội đã đạt được nhiều kết quả trong tổ chức hội thảo khoa học.
Yên Bái: Hội nghị Ban chấp hành lần thứ X
Chiều ngày 19/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (LHH) tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ X, khoá V, nhiệm kỳ 2020-2025 (mở rộng) nhằm tổng kết hoạt động năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Ông Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì Hội nghị.