Trồng sầu riêng
- Sầu riêng hại lép Bến Tre: Quả to, trọng lượng trung bình quả 2-3,5kg, tỷ lệ hạt lép 70-75%. Mỗi cây cho trên 100 quả/năm, chất lượng quả ngon, thơm ngậy, được trồng nhiều ở Đồng bằng sông Cửu Long.
- Sầu riêng hạt lép Tiền Giang: Cây cho trên 100 quả/năm, trọng lượng trung bình 1,5-1,8kg/quả, thịt quả vàng đều, ngọt thơm, tỷ lệ hạt lép khoảng 60%.
- Sầu riêng hạt lép Long Thành: Cây cho khoảng 80 quả/năm, trọng lượng quả 1,5-2kg, tỷ lệ hạt lép 50%, thịt quả dày, vàng, chắc, thơm ngậy.
- Sầu riêng Mongthong: Có nguồn gốc Thái Lan, hiện được trồng khá phổ biến ở một số tỉnh miền Đông Nam Bộ, quả to, trọng lượng trung bình 3-5kg/quả. Mỗi cây có 30-50 quả/năm, thịt quả vàng, ráo múi, ngọt, mềm, mùi thơm dịu (phù hợp với những người không thích mùi thơm mạnh của sầu riêng). Trồng giống sầu riêng này lưu ý đề phòng các bệnh thán thư và mốc hồng hại cây.
Trước đây sầu riêng thường được trồng bằng hạt, song hiện nay sầu riêng chỉ được trồng bằng cây chiết hoặc cây ghép vì ưu điểm cây nhanh ra quả, cây thấp, tán gọn dễ chăm sóc. Nhìn chung nên trồng trong vườn 3-4 giống sầu riêng để cây thụ phấn tốt (giống chủ lực chiếm 50% số cây).
Làm đất, bón lót
Cây sầu riêng có thể trồng ở nhiều loại đất, nhưng tốt nhất là đất thịt, tầng đất canh tác dày, thoát nước tốt, cây ưa khí hậu nóng, lượng mưa 2000-3000mm/năm. Cây sầu riêng sợ gió bão vì cây yếu, giòn, dễ gãy, dễ bị bật gốc; vì vậy nên trồng ở nơi kín gió, có trồng cây che chắn.
Trồng sầu riêng theo hố đào, kích thước hố 0,6x0,6x0,6m, khoảng cách cây 9x9 m hay 10x10m (khoảng 100 cây/ha). Mỗi hố bón lót 10kg phân chuồng, 0,3 kg phân hỗn hợp 20-20-15. Cho phân vào hố rồi lấp đất cho đầy. Nên trồng xung quanh vườn sầu riêng loại cây gỗ chắc để chắn gió cho vườn, không trồng đu đủ, dứa, ca cao, dừa xen trong vườn sầu riêng, vì các cây này cùng là ký chủ của nấm Phytophtora hại sầu riêng.
Trồng và chăm sóc
Đặt cây vào hố trồng, rạch bỏ túi bầu nilon, lấp đất ngang mặt bầu cây con, cắm cọc buộc cây, tránh cây bị gió làm long gốc, tưới nước ngay sau khi trồng. Cây con sau trồng cần được che nắng. Dùng lá dừa, mái che để che bớt nắng (chỉ che 50% nắng). Tưới nước giai đoạn cây con là rất quan trọng, cần tưới cây hằng ngày đảm bảo đất luôn đủ ấm, cây sẽ tăng tỷ lệ sống, nhanh cho quả.
- Bón phân cho sầu riêng: Có thể dùng phân hỗn hợp bón cho sầu riêng. Năm đầu bón NPK loại 16-16-8 với lượng 0,6kg/cây; năm thứ hai và năm thứ ba bón NPK loại 20-20-15 với lượng 0,6kg/cây ( năm thứ ba bón thêm 50g urê/cây).
Khi sầu riêng ra quả, bón 0,6kg loại 20-20-15, 0,5kg super lân và 0,5kg urê mỗi gốc. Các năm tiếp theo lượng phân tăng 15-20% đến khi cây được 10-12 năm tuổi, là lúc cây cho quả ổn định. Đối với đất nghèo dinh dưỡng, nên bón thêm phân chuồng 20-30kg/cây. Khi sầu riêng còn nhỏ có thể trồng xen những cây màu ngắn ngày để tận dụng đất, che phủ và giữ ẩm cho đất.
Cần thường xuyên tỉa bỏ các cành mọc thấp dưới 1m, các cành nhỏ yếu mọc ra từ các cành lớn bên trong tán, những cành sâu bệnh…chỉ để lại 3-4 cành phân bố đều trên thân cây.
Phòng trừ sâu bệnh hại
Sâu hại chủ yếu là các loại sâu đục quả họ bướm đêm. Nhiều nơi bà con đã dùng túi nilon để bọc quả từ khi quả còn nhỏ có tác dụng rất tốt. Các loại sâu hại khác không gây thiệt hại đáng kể.
Các bệnh hại sầu riêng:
- Bệnh thối gốc chảy nhựa: Thường xuất hiện từ giữa đến cuối mùa mưa, khi nhiệt độ giảm thấp. Vị trí hại trên thân ở khoảng từ 1m tính từ gốc lên, gây vết sậm, ứa nhựa màu đỏ, sau đó lan khắp vòng thân làm cây héo và chết.
Để phòng bệnh dùng Copper-Zin 80WP nồng độ 0,5% phết vào gốc cây 2 lần/năm vào đầu và cuối mùa mưa. Khi cây bị nhiễm bệnh cần cắt bỏ và tiêu hủy các cành bệnh, cạo sạch vết bệnh, bôi lên đó Ridomil MZ 50WP hoặc Aliette 80WP nồng độ 1-1/lít, tháng 2 lần. Bệnh nấm hồng: Nấm hại tạo nên những mảng màu hồng trên vỏ cành, vỏ thân làm cành bị khô và chết. Có thể phun Roval 50WP nồng độ 0,1-0,2 hoặc Copper-B, Benomyl nồng độ 0,1%.
Thu hoạch
Sau trồng 4-5 năm thì sầu riêng ra quả. Khi cây đã lớn, vỏ thân bắt đầu rạn nứt là cây sắp cho quả. Từ khi cây ra hoa đến khi thu hoạch quả thời gian khoảng bốn tháng. Khi chín quả sầu riêng thường hay bị rụng. Để xác định quả chín, ta lấy tay búng vào quả thấy có tiếng kêu bồm bộp rỗng, quả có mùi thơm là lúc đó có thể thu hoạch. Nên thu quả hơi sớm, khi cần chín, chỉ cần để sầu riêng trên đệm lá khô, phủ kín chiếu để 2-3 ngày là sầu riêng chín. Không nên để chín quá, quả rụng làm giảm phẩm chất quả.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 60 (1778)