Trống đồng - qua lớp sương mờ lịch sử
Tương tự như vậy, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, nhân dân ta cũng đã từng chôn giữ cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ. Gia đình nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim và Phạm Văn Đôn đã chôn giữ tượng Bác Hồ cho tới ngày đất nước được giải phóng. Phải chăng đó là cách gìn giữ những vật thiêng có liên quan tới sự sống còn của dân tộc ? Vậy Trống đồng có phải là vật thiêng ?
Trên thực tế, khi nói về trống đồng người ta thường nghĩ ngay rằng đó là một cổ vật, một di sản văn hóa vật thể có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học góp phần tạo nên diện mạo hữu hình của bản sắc dân tộc Việt Nam. Người ta đã khám phá triệt để và phân tích kỹ càng về tính triết lý hàm chứa trong những nét hoa văn của nó. Từ biểu tượng càn khôn, âm dương, lý số đến những biểu tượng quyền lực, tập tục, địa lý...Những chi tiết đó phải chăng chỉ có giá trị phản ánh lịch sử, xã hội thời Hùng Vương, lúc trống đồng xuất hiện ? Hay là một ý nghĩa tâm linh thâm hậu nào đó, một bảo bối tinh thần mà người xưa quyết giữ lại cho con cháu muôn đời để làm điểm tựa cho cộng đồng dân tộc tồn tại và phát triển ? Cái giá trị ẩn chìm phi vật thể đó như còn là một vùng chưa được chiếu sáng suốt cả chiều dài lịch sử đã tạo nên một sự ngộ nhận cả về tên gọi lẫn ý nghĩa ban sơ của nó ?
Tên của vật thể đó có thực là Trống - với nội hàm riêng biệt tồn tại trong tâm thức người Việt - hay chỉ do sự nguỵ tạo lịch sử trong quá khứ xa xôi, dần dà mặc nhiên được truyền nối và tiếp nhận ?
Trong tâm thức của dân tộc ta, Trống - ở một góc độ nào đó mang ý nghĩa tâm linh. Tiếng chiêng cồng thờ của các dân tộc sống ở Tây Nguyên có ý nghĩa như tiếng trống sấm của người Việt, biểu hiện quyền uy của Trời Đất, của Thần linh, của những người (thay trời hành đạo). Tiếng trống cái làm hiệu lệnh triệu tập quần chúng trong các cộng đồng thôn xã (ba hồi chín tiếng), biểu hiện những sự hệ trọng, khẩn thiết (trống giục), dẫn người ta vào cõi trang nghiêm trong các nghi lễ (trống tế, thượng đường, trống rước...) lại ở cấp độ thấp hơn, Trống biến thành nhạc cụ với nhiều màu sắc trong bộ gõ Việt Nam như trống ban, trống đế, trống bản, trống bỏi, trống cơm...Tất cả những sắc thái biểu hiện ở các cấp độ khác nhau đó đều dựa trên yếu tố vang của nó. Tiếng vang càng lớn uy lực càng cao. Như vậy tiêu chí để biểu đạt nội hàm của trống là độ vang. Ấy vậy mà Trống đồng lại không vang !
Sự " không vang" này đã gây khó khăn cho tôi khi soạn nhạc các điệu múa "Âm vang Trống đồng" (Biên đạo múa: Vương Thào - Đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc - Tiết mục huy chương vàng hội diễn ca múa nhạc toàn quốc). Tôi đã phải tạo ra tiếng Trống đồng "lý tưởng" qua âm thanh vang bằng cách trộn hai âm sắc của trống cái và chiêng để nó vừa có độ trầm hùng vang động của trống, vừa có sự âm vang kim khí linh thiêng của chiêng. Và như vậy tiếng Trống đồng là do tôi nguỵ tạo ra chứ bản thân nó không vang như vậy !
Mặt Trống đồng đầy rẫy những nét hoa văn trang trí nổi, triệt tiêu tối đa cơ chế vang. Cộng thêm cung cách phát âm bằng "chầy" giã xuống mặt trống (như lối "đăm đuống" giã gạo của người Mường) thay vì động tác "đánh" hay "gõ" để phát ra như phương thức truyền thống tạo tiếng vang của trống. Như vậy, xét trên góc độ âm nhạc học, "Trống đồng" không ở trong họ hàng nhà trống. Trong lịch sử biên chế dàn nhạc dân tộc từ xa xưa cũng không có "Trống đồng".
Vậy từ đâu mà cái vật thể không có nội hàm trống đó lại mang tên là trống ? Hay chỉ đơn giản là việc dịch nghĩa cụm từ "đồng cổ" để chỉ một thứ trống có nguồn gốc từ Trung Quốc được du nhập vào nước ta ?
Thực tế lại hoàn toàn không phải như vậy. "Trống đồng" Heger I, II, III ...đã có địa chỉ cụ thể là Đông Sơn, Ngọc Lũ trên đất nước Việt Nam được thế giới thừa nhận từ lâu. Các loại "Trống đồng" được phát hiện ở các nước trong khu vực phải chăng chỉ là sự phát tán văn hoá trong lịch sử ?
Những nỗi niềm nghi vấn đó vẫn tiềm tàng trong miền sâu thẳm của ý thức, khiến tôi rất đỗi băn khoăn. Cho đến khi đọc bài viết "Trống đồng - vật linh hay nhạc cụ ?" của tác giả Dương Đình Minh Sơn đăng trên Tạp chí Văn Hiến Việt Nam số 9/2003, tôi bỗng nhiên "ngộ" ra nhiều điều tâm đắc.
Dù bài viết mới ở mức khơi nguồn cho một dòng suy nghĩ nhưng nó đã đặt ra được những câu hỏi, những điều trăn trở chính đáng về một vấn đề không kém phần hệ trọng, đáng được các nhà nghiên cứu trong nước cũng như ở nước ngoài quan tâm.
Trên thực tế, vẫn còn những kiến giải khác nhau về "Trống đồng". Gần đây, sau khi bài viết được công bố, một giáo sư, tiến sĩ đầu ngành một cơ quan văn nghệ dân gian phát biểu trên kênh truyền hình (VTV1, tháng 11/2003) trả lời phỏng vấn về "Trống đồng". Đại ý nói rằng Trống đồng là một nhạc khí bằng đồng cùng với chiêng...và thận trọng nhắc nhở: không phải chỉ ở Việt Nam - mà theo ông - còn ở các nước khác trong khu vực!
Cứ theo cách thức người xưa: "Biết, nói là biết, không biết, nói không biết, ấy là biết" thì lời phát biểu trên kia hẳn là được nghiên cứu kỹ càng trên những luận cứ khoa học ? Vậy cũng nên diễn giải rõ ràng rằng có nên suy tôn "Trống đồng" là vật thiêng ? Và vật thiêng ấy có phải là xuất xứ ở Việt Nam ? Là biểu tượng, là phù điêu quốc hồn dân tộc ? Hay chỉ là một nhạc cụ phổ biến ở nhiều quốc gia vùng Đông Nam Á ?
Nỗi niềm băn khoăn nói trên chắc chắn rằng không chỉ là những người làm âm nhạc như tôi quan tâm, mà trở thành niềm trăn trở của nhiều người - đang đặt kỳ vọng vào các bậc cao minh uyên bác sớm vào cuộc để tìm lời giải đáp thoả đáng, ngõ hầu chúng ta có được một niềm tự hào dân tộc chính đáng bên cạnh niềm tự hào có một quốc Tổ Hùng Vương.
Nguồn: Văn hiến Việt Nam , số 3 (35), 2004, tr 30-31.