Trồng cây biến đổi gen tại Việt Nam: Cần chậm... mà chắc!
Trông người...
Năm 2011 có trên 16 triệu nông dân trên thế giới trồng 160 triệu ha các vụ mùa áp dụng công nghệ sinh học (cây trồng biến đổi gen) cho năng suất cao. Lợi nhuận kinh tế ròng trên toàn cầu của công nghệ sinh học trong năm 2008 ước tính 9,2 tỷ USD. Lợi nhuận tăng lên chủ yếu nhờ sản lượng tăng, chi phí sản xuất giảm.
TS. Paulo Paes de Andrade, chuyên gia đầu ngành về cây trồng biến đổi gen tại Brasil cho biết, Brasil ban đầu rất ngần ngại trồng cây biến đổi gen, tuy nhiên, nhìn lợi ích của nó mà các nhà quản lý, khoa học quyết tâm tìm hiểu, đánh giá, đặc biệt là đánh giá nguy cơ trước khi cấp phép do một hội đồng kỹ thuật an toàn sinh học cấp quốc gia thực hiện. Một thời gian dài bị kìm hãm, đến nay Brasil trở thành quốc gia ứng dụng cây trồng biến đổi gen hàng đầu thế giới sau Mỹ. Nhờ áp dụng công nghệ sinh học mạnh mẽ, nền kinh tế nông nghiệp Brasil tiết kiệm 80 tỷ USD đến năm 2020. Nhờ ứng dụng cây trồng biến đổi gen mà 22 triệu cây xanh được giữ lại, 2,9 triệu tấn khí CO2 không còn thải vào khí quyển từ máy móc nông nghiệp, tiết kiệm 1,1 tỷ lít nhiên liệu. Đáng chú ý là 120.000 tấn thành phần hoạt chất của thuốc trừ sâu không còn được sử dụng, tiết kiệm 130 tỷ lít nước dùng cho tưới tiêu (đủ cho 3 triệu người sử dụng) vì cây trồng mới kháng sâu bệnh, chịu nóng hạn, năng suất tăng cao...
...Mà ngẫm đến ta!
GS.TS. Bùi Chí Bửu, viện trưởng Viện khoa học KTNN miền Nam cho rằng, trong 10 năm qua, số lượng trại chăn nuôi VN tăng dần với 17.721 cơ sở quy mô tập trung, đồng nghĩa nhập nhiều nguyên liệu, trong đó không loại trừ có nguồn gốc biến đổi gen về chế biến thức ăn. Thực tế chúng ta đã ăn gián tiếp cây trồng biến đổi gen. Việt Nam cần nguồn lớn bắp, đậu nành phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi, tuy nhiên, năng suất và sản lượng thấp (do vùng thiếu nước tưới), vì vậy ứng dụng cây trồng chịu được hạn hay chịu được úng ngập, đặc biệt chịu đựng biến đổi khí hậu là cần thiết.
Theo GS.TS. Bùi Chí Bửu, ứng dụng công nghệ sinh học, Việt Nam đang đối diện thách thức lớn về dư luận xã hội. Có ý kiến cho rằng, chúng ta ăn sản phẩm từ cây biến đổi gen là ăn gen biến đổi sẽ gây tác hại, tuy nhiên, khoa học đã cho biết là khi trồng cây biến đổi gen, con người chỉ sử dụng protein chứ không phải “ăn” gen biến đổi. Các rủi ro hiện nay về cây biến đổi gen có thể do “tưởng tượng” ra, bắt đầu xuất hiện từ năm 1996, qua hơn 11 năm phát triển cây trồng biến đổi gen, các nhà khoa học trên thế giới chưa có kết luận nào về khả năng gây hại của chúng. Lợi ích cây trồng biến đổi gen thì được chứng nhận, năng suất cao, thích hợp vùng khó khăn, kháng sâu bệnh, đồng nghĩa không phải phun nhiều thuốc BVTV gây tác động xấu đến môi trường. Nếu không áp dụng cây trồng biến đổi gen sẽ khó khăn hơn vì dân số tăng, nhu cầu lương thực lớn trong khi diện tích canh tác thu hẹp, tác động biến đổi khí hậu. Cây trồng biến đổi gen chống chịu được bất lợi và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do thuốc BVTV sử dụng ngày càng nhiều. Thâm canh hiện nay đồng nghĩa tăng lượng phân, thuốc BVTV, hóa chất. Vì vậy, có thể thấy cây trồng biến đổi gen đem lại lợi ích cho tương lai.
Cần chậm... mà chắc
Cục trưởng Cục trồng trọt, ông Nguyễn Trí Ngọc cho biết, phát triển cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam phải tuân thủ theo quy định, thực hiện kiểm soát đúng quy trình trước khi triển khai, đưa cây giống ra trồng thực tế. Để phát triển nhanh cây trồng biến đổi gen cần sự đồng thuận của các cơ quan ban ngành và dư luận. Chủ trương của Việt Nam trong phát triển cây trồng này là thận trọng, cần thời gian chứ không vội vàng, tiếp nhận và ứng dụng có chọn lọc. Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu nông sản sang các nước có quan điểm chưa thống nhất về sử dụng cây trồng biến đổi gen, vì vậy, chúng ta cân nhắc và có bước phát triển phù hợp tránh ảnh hưởng xuất khẩu. Để phát triển cần lộ trình để tránh rủi ro, bên cạnh đó cần bản lĩnh nhà quản lý và nhà khoa học... Dự kiến năm 2015 đưa vào sản xuất cây trồng biến đổi gen sau khi có đánh giá nghiêm túc, đầu tiên là giống bắp.
TS. Dương Hoa Xô, giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM cho biết, năng suất bắp Việt Nam chỉ 4,1 tấn/ha, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 5,16 tấn/ha, trong khi của Mỹ là 9,65 tấn/ha. Do không đáp ứng nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi, hàng năm Việt Nam nhập khẩu hơn 1 triệu tấn bắp. Trong giai đoạn 2010 - 2011, Bộ NN&PTNT cấp phép khảo nghiệm cho 7 giống bắp biến đổi gen của ba đơn vị là Syngenta, Dekalb, Pioneer Hi, gồm giống bắp kháng sâu đục thân, chống chịu thuốc trừ cỏ, chống chịu thuốc trừ cỏ và sâu đục thân, kháng sâu bộ cánh vảy... Trong đó giống bắp NK66Bt11 khảo nghiệm diện rộng tại 4 tỉnh cho năng suất trung bình 9,56 tấn/ha, tăng so với đối chứng 1, 5 tấn/ha (18,7%). Quy trình khảo nghiệm, đánh giá rủi ro thực hiện nghiêm túc và cẩn trọng.