Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2006
Tỷ lệ lạm phát dự báo là 7,0%. Các kết quả dự báo được phân tích trên nhiều khía cạnh khác nhau của nền kinh tế như huy động nguồn tài chính, thu chi ngân sách, tăng trưởng của các thành phần của tổng cầu, thay đổi của cán cân thanh toán, tăng trưởng của các ngành và lĩnh vực, lạm phát, cụ thể như sau:
Về huy động tổng vốn đầu tư phát triển: Vốn đầu tư phát triển được dự báo đạt khoảng 371 nghìn tỷ đồng, tương đương với trên 23 tỷ USD, trong đó đầu tư từ khu vực kinh tế nhà nước (bao gồm đầu tư từ ngân sách, tín dụng đầu tư, đầu tư của DNNN, đầu tư từ huy động công trái và trái phiếu) đạt khoảng 183,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2005, chiếm 49,4% tổng nguồn vốn. Vốn đầu tư sẽ dịch chuyển mạnh hơn sang khu vực tư nhân và FDI: Dự báo vốn đầu tư của tư nhân tăng 23,8%, đạt 130 nghìn tỷ đồng, chiếm 35% tổng nguồn vốn; vốn đầu tư FDI đạt 57,7 nghìn tỷ đồng, tăng 22,8%, chiếm 15,6% tổng nguồn vốn. Tỷ lệ đầu tư toàn xã hội trên GDP dự báo đạt 38%.
Xét về phía cầu, tiêu dùng tư nhân sẽ vẫn là thành phần quan trọng nhất của tổng cầu nội địa. Tốc độ tăng của thành phần này được dự báo đạt khoảng 8% do thu nhập của đại bộ phận dân cư đang tăng lên nhờ tăng trưởng cao nhiều năm liền. Tiêu dùng chính phủ dự báo tăng 7,5% tương đương mức của các năm 2004 và 2005; khi đó tổng tiêu dùng sẽ tăng 8,0%. Dự báo tích luỹ gộp tài sản cố định đạt 11,35% do kinh tế tăng trưởng làm tăng nhu cầu về đầu tư. Kết quả tổng hợp từ phía cầu cho thấy tổng cầu nội địa tăng 9,1%.
Đối với khu vực ngoại thương, kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trên 20% do các dự báo về cầu nhập khẩu của nhiều đối tác thương mại chính tăng cao hơn so với năm 2005 và thị phần xuất khẩu của nước ta trên thị trường thế giới sẽ được mở rộng. Dự báo tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cũng cao hơn năm 2005, đạt 19%, làm tăng nhập siêu lên khoảng 6,2 tỷ USD. Thâm thụt tài khoản vãng lai so với GDP chỉ vào khoảng 3,5% nhờ kiều hối và tiền lao động của người Việt Nam ở nước ngoài chuyển về nước tăng mạnh. Cán cân thanh toán được dự báo là thặng dư trên 2 tỷ USD do các dòng vốn vào trong nước đang tăng mạnh, chủ yếu là FDI và vốn vay dài hạn.
Xét về phía cung, dự báo tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng sẽ đạt mức cao nhất kể từ năm 1997, khoảng 10,7%. Đầu tư tăng nhanh và thị trường (trong nước và xuất khẩu) đang mở rộng trong giai đoạn gần đây là các luận cứ chính cho kết quả dự báo này.
Nguồn: Thông tin & dự báo Kinh tế - Xã hội, số 1 (03), 1/2006, tr 21