Trao giải Abel toán học quốc tế 2005
Trong buổi lễ trang trọng diễn ra hôm 24/5 tại ĐH Aula, Thủ đô Oslo (Na Uy), Thái tử Na Uy Haakon Magnus đã chính thức trao giải Abel cho Peter D. Lax trước sự chứng kiến của Nữ hoàng Sonja, các quan khách và hàng trăm sinh viên.
Abel là giải thưởng toán học quốc tế của Viện hàn lâm khoa học và văn chương Na Uy với mục đích tưởng nhớ Niels Henrik Abel (1802-1829), nhà toán học Na Uy. Giải thưởng được xây dựng theo mô hình Giải Nobel với mục tiêu nâng cao địa vị của toán học trong xã hội và khơi dậy sự quan tâm của giới trẻ đối với toán học. Giải được trao hàng năm, bắt đầu từ năm 2003, cho những cá nhân có công trình nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực toán học . Abel 2003 được trao cho Jean-Pierre Serre (Pháp). Abel 2004 được trao cho Michael Francis Atiyah (ĐH Endinburgh) và Isadore M.Singer (Viện Công nghệ Massachusetts). |
Kể từ thời kỳ Newton, các phương trình vi phân là cơ sở để con người hiểu tự nhiên một cách khoa học. Giới khoa học đã hiểu rõ các phương trình vi phân tuyến tính mà trong đó nguyên nhân và kết quả tỷ lệ trực tiếp. Tuy nhiên, các phương trình xuất hiện trong những lĩnh vực như khí động lực học, khí tượng và đàn hồi là phi tuyến tính, phức tạp hơn nhiều. Vào những năm 1950 và 1960, Lax đã đặt nền móng cho lý thuyết phương trình phi tuyến tính hiện đại thuộc loại này (các hệ thống hyperbolic) và xây dựng cách giải rõ ràng.
Đóng góp của ông trong lĩnh vực này có ý nghĩa quan trọng để các nhà khoa học tiếp tục phát triển lý thuyết, đồng thời rất hữu ích đối với các ứng dụng thực tiễn, từ dự báo thời tiết cho tới thiết kế máy bay. Hơn thế nữa, Lax còn đạt được nhiều thành tựu khác. Tên tuổi của ông liên quan tới nhiều kết quả toán học lớn cũng như các phương pháp số học như định lý Lax-Milgram, định lý tương đương Lax, lý thuyết Lax-Levermore, v.v...
Peter Lax chào đời ngày 1/5/1926 tại Budapest, Hungary. Ông di cư tới New York cùng với cha mẹ vào năm 1941 và sau đó nhận bằng tiến sĩ năm 1949 từ ĐH New York. Năm 1950, Lax tới phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos để làm việc một năm. Năm 1951, ông trở lại làm việc tại ĐH New York. Trước đây, Lax đã nhận được nhiều huy chương và giải thưởng trong đó có giải Chauvenet (1974), Giải Norbert Wiener của Hiệp hội toán học Mỹ và hiệp hội toán ứng dụng và công nghiệp năm 1975, Huy chương khoa học quốc gia năm 1986, Giải thưởng Wolf năm 1987 và đồng giành Giải Steele của Hiệp hội toán học Mỹ năm 1992. Năm 1996, ông được bầu làm thành viên của Hiệp hội triết học Mỹ. Ngoài ra, Lax còn là tác giả của nhiều cuốn sách giáo khoa về phân tích chức năng, đại số tuyến tính, và các phương trình vi phân tuyến tính.
Theo VietnamNet 25/05/2005