Tránh hệ lụy từ việc thay đổi các dòng chảy sông ngòi ở nước ta
Dòng chảy sông ngòi là yếu tố chính trong phương trình cân bằng nước của một lưu vực sông vì nó bao hàm các đặc điểm của lượng mưa rơi trên khu vực, khả năng tập trung, tích tụ và vận chuyển nước ở trên mặt, dưới lòng đất và trao đổi với biển cả.
Hệ thống sông phải bao gồm tất cả các sông, suối, ao hồ, đầm lầy, đồng trũng và cửa ra của lưu vực.Dòng chảy của sông càng phong phú về nguồn nước thì càng chứng tỏ sự phát triển về mặt tự nhiên và nhân tạo ở nơi chúng chảy qua.
Trên bản đồ thế giới tất cả các vùng tập trung lớn nguồn nước sông ngòi đều là những vùng đất hội tụ đa dạng về sinh thái, giàu có về kinh tế và phát triển về văn minh.Trên bản đồ, các lưu vực sông có nguồn nước dồi dào như sông Nile (Bắc Phi), sông Amazon, Sông Parana (Nam Mỹ), sông Dương Tử, sông Hoàng Hà, sông Hắc Long Giang (Trung Quốc), sông Mississippi (Bắc Mỹ), sông Yenisei, sông Ob-Irtysh (Nga), sông Congo (Phi Châu),… Sông Mekong chảy qua 6 quốc gia từ Tây Tạng ra đến Biển Đông của Việt Nam cũng là một con sông lớn trên giới.
Các dòng sông này đang nuôi sống trên 2/3 nhân loại và đều là các chiếc nôi phát triển của lịch sử các nền văn minh cổ đại và đương đại trên thế giới.Các lưu vực sông lớn chảy qua đều là những vùng đất ngập nước có tính đa dạng sinh học rất cao. Tất cả các con sông đều đảm nhận ít nhất là 5 chức năng căn bản là cung cấp nước sinh hoạt dân dụng và công nghiệp; tưới tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp; tạo ra nguồn năng lượng cho sản xuất điện, vận tải thuỷ, vận hành động cơ; đảm bảo sức khoẻ của môi trường tự nhiên và hệ sinh thái nhân văn; và duy trì nguồn sống cho tính đa dạng sinh học.
Hầu hết các con sông đều cong, uốn lượn, không cân đối về mặt cắt ngang ở hai bên bờ và thay đổi bề rộng sông dọc theo chiều dòng chảy. Sự thay đổi hình thể sông rạch và dòng chảy thường xảy ra liên tục trong suốt quá trình lịch sử tiến triển của tự nhiên.Tiến trình thay đổi này thường diễn ra từ từ, rất chậm so với với thời gian của đời người. Tuy nhiên, khi con người áp đặt các công trình trên hệ thống sông thì sự thay đổi trực tiếp và gián tiếp dòng chảy và quá trình biến hình lòng dẫn,do xói lở hay bồi lắng hoặc đổi dòng, sẽ xảy ra rất nhanh, có thể là tức thời hoặc chỉ trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, các thay đổi khác về chất lượng nước, đa dạng sinh học, hình thể dòng sông,…cả về phía thượng lưu và hạ lưu có thể diễn ra trong một thời gian dài hơn.
Sự tích luỹ kinh nghiệm và sự phát triển khoa học thuỷ lợi, đặc biệt từ thế kỷ thứ 19 đến đến thế kỷ thứ 20 đã tạo ra những cơ sở tính toán cho các thiết kế chỉnh trị dòng chảy sông ngòi. Nhiều ý tưởng khai thác nguồn nước đang được triển khai theo hai xu thế quan niệm: thứ nhất là trị thuỷ và thứ hai là điều thuỷ. Xu thế “trị thuỷ” thường thiên về sử dụng các giải pháp cứng gồm hệ thống công trình lớn như công trình đập, kè, đê bao, trạm bơm, hồ chứa, kênh dẫn dòng, nắn dòng… để kiểm soát nguồn nước và lái dẫn dòng chảy. Giải pháp “điều thuỷ” nghiêng về các giải pháp mềm, có thể gắn thêm một số biện pháp công trình nhưng không phải là công trình lớn, như điều chỉnh lịch thời vụ, lịch tưới tiêu, điều tiết nước theothuỷ triều, sử dụng tiết kiệm nước, bảo tồn các vùng đất ngập nước tự nhiên, chống xói lở bằng thuỷ thực vật,… Hiện nay,một số nhà thuỷ học đã đề xuất hài hoà, đưa cả hai giải pháp trị thuỷ và điều thuỷ cho những công trình sử dụng nguồn nước đa mục tiêu.
Trong hơn hai thập niên qua, sự xuất hiện ngày càng rõ rệt các dấu hiệu bất thường do thời tiết cực đoan, các đợt thiên tai lớn, các bằng chứng về hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Các quan sát sự thay đổi bất lợi về môi trường và xã hội được xem là những bằng chứng của những hệ luỵ xấu do nhiều công trình lớn của con người áp đặt lên sông ngòi. Các đợt lũ quét kinh hoàng hoặc các đợt khô hạn gay gắt kéo dài khiến nhiều con sông bị biến dạng và hệ sinh thái hai bên bờ sông bị ảnh hưởng. Tác động của sự thay đổi đặc điểm dòng chảy lên sinh kế của người nghèo và tính đa dạng sinh học cũng được ghi nhận. Những thay đổi mang tính tiêu cực này, trong thực tế, đôi khi vượt qua những dự báo theo những kịch bản tồi tệ nhất.
Xu thế mới hiện nay là quay về cư xử đúng mức với thiên nhiên, giữ gìn những giá trị của dòng sông, trả lại thiên nhiên những gì vốn có của nó và tạo thuận lợi cho nguồn nước cho một dòng chảy hài hoà. Trong quy hoạch sử dụng tài nguyên nước, giải pháp “không hối tiếc” đang được nhiều nhà khoa học lưu ý, khi đó việc giữ nguyên hiện trạng của dòng chảy được coi trọng hàng đầu, việc tạo ra những công trình can thiệp vào tự nhiên được đặt ở thứ tự ưu tiên thấp hơn. Nhiều quốc gia đã bắt đầu chú ý đầu tư cho dòng sông, thành lập các Uỷ ban Quản lý Tổng hợp Lưu vực Sông hoặc các Tổ chức Bảo vệ Sông ngòi.
Sông ngòi là tài nguyên cơ sở, là nguồn gốc tạo nên nền văn minh ban đầu cho xã hội loài người. Từ khi biết khai thác nguồn nước sông ngòi, con người đã can thiệp vào tiến trình tự nhiên của sông làm đặc điểm dòng chảy bị thay đổi. Sự thay đổi này có thể mang lại nhiều lợi ích, song cũng gây ra nhiều hệ luỵ bất lợi khác, cả về khích cạnh kinh tế, môi trường và xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhiều mục tiêu “cải tạo thiên nhiên” trước kia không được như mong muốn, thậm chí đảo ngược, các yếu tố “không chắc chắn” khá nhiều và phức tạp mà khả năng con người không hoàn toàn phỏng đoán được. Xu thế quay về thiên nhiên, sống hoà hợp với các quy luật tự nhiên của dòng chảy hoặc tạo thêm những điều kiện thuận lợi cho tiến trình tự nhiên được nhiều nhà khoa học lưu ý. Các bài học kinh nghiệm trong cư xử với dòng sông cần phải được học tập và cân nhắc rút tỉa trong các quy hoạch và quyết định triển khai thực hiện.