TP.HCM: Cần phối hợp đồng bộ để chống ngập hiệu quả
Theo ông Văn, hiện TP.HCM có nhiều đơn vị đang làm công tác chống ngập như thoát nước đô thị, thủy lợi, giao thông..., nhưng thoát nước là một ngành chuyên môn có kỹ thuật và có thể chế riêng, nếu tham gia chống ngập mà không rành kỹ thuật và thể chế này sẽ gây ra cảnh “người này tát nước ngập cho người khác”. Cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị chống ngập, nhà quản lý quy hoạch, các nhà khoa học mới có thể cải thiện tình trạng ngập hiện nay.
TP.HCM có một hệ thống thoát nước đô thị, nhưng có nhiều đơn vị thoát nước cùng các ban quản lý dự án thoát nước. Các đơn vị này hầu như không có quan hệ với nhau hoặc quan hệ với nhau rất ít. Số đơn vị quản lý nhà nước về thoát nước đô thị cũng khá nhiều như: Sở GTVT, Sở NN&PTNT, UBND các quận, ngoài ra còn có Trung tâm điều hành chương trình chống ngập...
Ông Văn nêu ví dụ: Năm 2014, triều cao, mưa lớn về cuối mùa làm phát sinh nhiều điểm ngập. Đã có nhiều tranh luận về số lượng điểm ngập và trách nhiệm để xảy ra ngập. Theo ông Văn, trong khi chờ thành phố tổ chức lại, việc chống ngập cần lấy đơn vị thoát nước làm gốc. Khi gặp hoặc được dân báo điểm ngập cụ thể, đơn vị thoát nước quản lý lưu vực cần xác định ngay nguyên nhân ngập. Trong trường hợp điểm ngập nằm ngay trên lưu vực đã được thiết kế cải tạo hệ thống thoát nước thì tìm hiểu nguyên nhân ngập và cách khắc phục ngay theo quy trình đã được hướng dẫn. Nếu nguyên nhân ngập thuộc đơn vị khác như đơn vị thiết kế, thi công hay đơn vị thoát nước quản lý mạng ống cấp khác thì báo cáo đơn vị quản lý nhà nước để truy cứu trách nhiệm và buộc họ khắc phục. Đối với điểm ngập nằm trên lưu vực chưa được thiết kế cải tạo, đơn vị thoát nước sơ bộ xác định nguyên nhân ngập, đơn giản thì khắc phục ngay, phức tạp thì báo cáo đơn vị quản lý nhà nước cho lập dự án và thiết kế chống ngập. Khi dự án hoàn tất, hồ sơ thiết kế, hồ sơ hoàn công và cả quy trình quản lý vận hành phải được giao cho đơn vị thoát nước.
Ông Văn cho biết thêm, ở TP.HCM, nhiều dự án thoát nước đã hoàn tất như dự án lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1, dự án thoát nước lưu vực Bến Nghé - Tàu Hũ, dự án thoát nước lưu vực kênh Nước Đen... Tuy nhiên, hầu như đơn vị thoát nước không nhận được hồ sơ thiết kế và quy trình vận hành hệ thống. Đến khi xảy ra ngập, mọi người đều quy trách nhiệm cho thời tiết, cho biến đổi khí hậu và cho quy hoạch lạc hậu. Đúng là quy hoạch hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020 (tạm gọi tắt là quy hoạch thoát nước) được duyệt năm 2001 chưa tính đến yếu tố biến đổi khí hậu, nhưng thực tế biến đổi khí hậu đến năm 2020 chưa làm thay đổi hoàn toàn hướng thoát nước chính mà quy hoạch này đã chọn. Vì vậy trong khi chờ điều chỉnh quy hoạch, các nhà tư vấn chống ngập vẫn có thể cập nhật các dữ liệu biến đổi khí hậu để tính toán công trình thoát nước và chịu trách nhiệm khi có ngập. Hiện quy trình này đã không được thực hiện nghiêm túc từ hai phía, phía các nhà chuyên môn như đã nói ở trên, phía các nhà quản lý nhà nước thì coi như quy hoạch thoát nước đã hết hiệu lực.
Hai quy hoạch “đá nhau”
Cùng với sự thiếu hợp tác trong chống ngập giữa các đơn vị, ông Văn chỉ ra sự thiếu nhất quán giữa các văn bản dẫn tới nghịch lý quy hoạch thủy lợi và quy hoạch thoát nước đá nhau.
Cụ thể là năm 2008, Bộ NN&PTNT lập quy hoạch thủy lợi chống ngập TP.HCM và quy hoạch này đã được Chính phủ phê duyệt. Dù có nhiều ý kiến phản đối nhưng đa số người dân thành phố rất kỳ vọng vào quy hoạch thủy lợi. Tuy nhiên, chỉ sau vài cơn mưa, các nhà chuyên môn nhận ra rằng đây chỉ là quy hoạch ngăn nước biển dâng mà bỏ qua yếu tố mưa trong biến đổi khí hậu. Đến năm 2009, Nhà nước ban hành Luật quy hoạch đô thị, theo đó trong danh mục quy hoạch các ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị không có quy hoạch thủy lợi. Dù sao thì quy hoạch thủy lợi năm 2008 cũng ra đời trước luật và quy hoạch thoát nước bao giờ cũng dựa vào các số liệu thủy lợi. Tuy nhiên hướng thoát nước của quy hoạch thủy lợi ngược hoàn toàn với quy hoạch thoát nước. Một bên là ngăn cản tối đa dòng chảy tự nhiên với hàng loạt đê đập, còn một bên là lợi dụng tối đa dòng chảy tự nhiên. Do vậy trên thực tế có trường hợp công trình của quy hoạch này gây hại cho công trình của quy hoạch kia. “Đập Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã làm giảm dòng thoát nước tự nhiên của công trình cải tạo rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Và nhà tư vấn có thể từ chối trách nhiệm khi cải tạo rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè không đạt mục tiêu thoát nước (mục tiêu thoát nước là hai năm trên lưu vực này mới bị ngập một lần)” – ông Văn nêu ví dụ.
Theo ông Văn, muốn xóa ngập phải biết nguyên nhân từng điểm ngập cụ thể, chỉ có đơn vị thoát nước mới tiếp cận điểm ngập cụ thể và người dân đúng thời điểm. Đơn vị thoát nước trước hết có thể xác định ngập là do lỗi của mình hay của ai, sau đó cung cấp dữ liệu cho nhà khoa học (tư vấn) xác định nguyên nhân các điểm ngập phức tạp. Từ nhiều điểm ngập cụ thể sẽ xác định các điểm ngập danh nghĩa (được đăng ký) là do trời, do người hay do quy hoạch. Bên cạnh đó,i sự hợp tác tốt giữa các đơn vị thoát nước và các nhà khoa học sẽ góp phần không nhỏ để sớm giải quyết tình trạng ngập của thành phố.