GS.TS Trần Quán Anh đang chăm sóc bệnh nhân Hàng xóm láng giềng quanh khu nhà GS. TS Trần Quán Anh ở thường gọi ông thân mật là Giáo sư Anh. Thật hiếm thấy giữa thành phố Hà Nội ồn ào đông đúc này ta bỗng nhiên lại được hưởng một không khí hết sức làng quê như khu nhà ông ở. GS. Anh khác với hình dung của tôi rất nhiều. Giọng nói của ông trầm ấm nhỏ nhẹ vừa đủ nghe nhưng lại rất có sức cuốn hút. Tôi nói với GS. Anh rằng, sau khi đọc xong cuốn nhật ký của bác sĩ-liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và được biết rằng ông đã từng có những năm tháng gắn bó tình thầy trò với người nữ bác sĩ anh hùng này tôi đã không thể ngăn nổi ý muồn tìm gặp ông. GS Anh chợt trầm ngâm, đôi mắt biết nói của ông như đang nhìn thật sâu vào quá khứ. Ông nói: “Vâng, đúng là với Thùy Trâm, tôi có nhiều kỷ niệm, Tôi cũng định là sẽ cất giữ nó như những ký ức đẹp về một cô học trò mà tôi thương mến, giống như nhiều ký ức đẹp đẽ khác mà tôi có trong suốt những năm chiến tranh. Nhưng chị đã hỏi…” Năm 1961, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y, bác sĩ Trần Quán Anh được giữ lại làm giảng viên. Cũng đúng năm này, Đặng Thùy Trâm trở thành sinh viên năm đầu tiên của trường. Thông thường, các sinh viên học trường Y phải đến năm thứ 3 mới được đi thực tập. nhưng vì khóa của Đặng Thùy Trâm chuẩn bị đi B cho nên sẽ chỉ học 5 năm (thay vì 6 năm) và sinh viên phải đi thực tập ngay từ năm thứ nhất. Việc học lý thuyết và thực hành phải chạy giáo án nhanh hơn bình thường, sau đó các sinh viên sẽ được phân theo từng tổ (mỗi tổ khoảng 20-25 người) do một thầy giáo phụ trách để đi thực tập. Ngày đó có phong trào cán bộ giáo viên là tiểu đội trưởng, nên trong các tổ chực tập như vậy, thầy giáo phải đóng vai trò như một tiểu đội trưởng thực sự, phải quan tâm, chỉ đạo, lo lắng cho các tổ viên như là lo lắng cho đồng đội ngoài chiến trường. Sinh viên Đặng Thùy Trâm không ở trong tổ thực tập mà thầy giáo-bác sĩ Trần Quán Anh được phân công phụ trách, nhưng những ấn tượng của ông về Thùy Trâm lại rất rõ rệt. Chỉ tham gia giảng dạy một số giờ trên lớp của chị và qua điểm các kỳ thi cuối năm, thầy Trần Quán Anh nhận thấy Thùy Trâm là một sinh viên học giỏi, sáng tạo. Trong các kỳ thi thực hành, chị cũng đạt số điểm xuất sắc. Tình thầy trò giữa thầy giáo Trần Quán Anh và Thùy Trâm cùng nhiều sinh viên cùng khóa khác trở nên gắn bó hơn, ấy là khi ông được nhà trường phân công phụ trách đội văn nghệ, trong đó có Thùy Trâm tham gia. Những năm 1961-1964, đội văn nghệ trường Y nổi tiếng nhất trong các trường Đại học ở Hà Nội. Không chỉ biểu diễn tại trường, đội văn nghệ còn đi biểu diễn ở nhiều nơi như Lạng Sơn, Hải Phòng, Hà Tây, có khi còn bán vé lấy tiền ủng hộ phong trào y tế của địa phương. Thầy Quán Anh đóng vai trò như một người tổng đạo diễn, sắp xếp lịch biểu diễn của đội sau các giờ chuyên môn. Vì thầy còn rất trẻ (25 tuổi) mà các trò thì đều đã tuổi 20 nên trò thường gọi thầy là anh xưng em. “Gánh hát rong” (như thầy Quán Anh vẫn đùa) của trường Y rong ruổi đi phục vụ các địa phương trên hai chiếc xe cà tàng của trường. Thỉnh thoảng một trong hai chiếc xe “trở chứng” chết máy giữa đường, thầy trò lại phải nhảy xuống đẩy xe. Những ngày tháng ấy vất vả nhọc nhằn mà vui biết bao nhiêu. Đặng Thùy Trâm tham gia vào tốp ca nữ của trường. Chị hát hay và duyên dáng. Những bài hát chị thường tham gia với các bạn là bài “Nhạc rừng”, “Quê em miền trung du”, “Con kênh xanh xanh”… GS. Anh nói: “Cho đến tận bây giờ tôi vẫn hình dung ra khuôn mặt của Thùy Trâm. Tôi nhớ rõ cô đứng hát ở bè nào, mặc áo dài rất duyên dáng. Ngày ấy sinh viên biểu diễn văn nghệ không bạo dạn về động tác như bây giờ, chỉ là đứng hát tương đối nghiêm trang và đưa tay phác lên một vài động tác sơ sài”. Thầy trò trong đội văn nghệ của trường đã có tới 3 năm gắn bó tập luyện và đi biểu diễn cùng nhau. Sau khóa học, bác sĩ Đặng Thùy Trâm vào chiến trường Quảng Trị, bạn bè cùng khóa của chị cũng mỗi người một nơi đi phục vụ Tổ quốc. Thầy giáo-bác sĩ Trần Quán Anh cũng ra mặt trận, có mặt ở khắp các vùng đất ác liệt như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh, Quảng Trị… để phục vụ các thương bệnh binh. | Cuốn nhật ký của chị Trâm Về bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, người học trò giỏi hát hay mà thầy giáo Trần Quán Anh rất quý mến, trong suốt những năm đi chiến trường, hai thầy trò không gặp nhau một lần nào, dù ông đã gặp rất nhiều bạn cùng lớp của chị. Một lần tình cờ thầy Quán Anh gặp lại người bạn cũng là giảng viên trường Y tên là Nguyễn Văn Thái (bây giờ là PGS Nguyễn Văn Thái) đang ở cùng mặt trận Khu 5 với Đặng Thùy Trâm, đã kể lại cho ông nghe một kỷ niệm. Một đêm ở cứ, đang say ngủ, bác sĩ Thái bị Đặng Thùy Trâm hối hả đánh thức dậy và bảo: “Anh nghe kịch của anh Quán Anh đi, kịch viết về trường mình đấy”. Thì ra vở kịch “Tiền tuyến gọi” của tác giả Trần Quán Anh viết về những người chiến sĩ áo trắng đã trở nên nổi tiếng và được phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam . Hai thầy trò (Thái và Trâm) đã ngồi nghe hết vở kịch và cùng khóc vì nhớ trường, nhớ bạn bè và nhớ Hà Nội. Riêng Thùy Trâm thì nhớ thêm cả những ngày đoàn văn nghệ trường Y được cùng nhau đi biểu diễn rất vui vẻ và ý nghĩa. Thời gian trôi đi, cho đến tận năm 1975 khi nước nhà vừa thống nhất, bác sĩ Trần Quán Anh vào Huế chấm thi và gặp lại bác sĩ Nguyễn Văn Thái, khi đó đã là cán bộ giảng dạy tại Huế. Bác sĩ Thái ngậm ngùi nói vói ông rằng: “Thùy Trâm hy sinh ở Đức Phổ rồi đấy, tội quá!”. Hai người thầy ngồi lặng hồi lâu nhớ về cô sinh viên trẻ trung, nhí nhảnh năm nào. Cô sinh viên hay hát và hay tư lự suy ngẫm về cuộc đời. Tôi nói: “Thưa Giáo sư, tuổi trẻ hôm nay đọc những dòng nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, nhất là những trang day dứt buồn khổ của chị khi chị đã cố gắng rất nhiều mà vẫn chưa được đứng vào hàng ngũ của Đảng, không phải ai cũng hiểu được…” GS. TS Trần Quán Anh chợt trở nên suy nghĩ, ông bảo: “Tôi đọc đến đoạn đấy thì thương Trâm quá, và tôi có nói với một vài người bạn của tôi rằng, lẽ ra Trâm không cần phải thắc mắc, đau khổ về điều đó. Những người trí thức ngày đó cần được thử thách nhiều hơn. Chỉ cần Trâm phấn đấu với niềm tin rằng một ngày kia mình sẽ được thừa nhận” Nhưng tuổi trẻ là thế, luôn luôn khát khao được cống hiến, được ghi nhận, đôi khi không thể nào tránh khỏi tâm trạng khổ đau, thậm chí là tuyệt vọng. Song, đó là nỗi tuyệt vọng thanh lọc tâm hồn giúp cho mình sống có ích hơn, sống đẹp hơn. GS.TS Trần Quán Anh thừa nhận rằng tuổi trẻ hôm nay có nhiều cơ hội để phấn đấu, phấn đấu dễ dàng hơn, nhưng nhiều người trong số họ sống bằng tư duy thực dụng, ít hy sinh vì người khác và ít khi đặt ra những câu hỏi lớn về ý nghĩa của cuộc sống, của tuổi trẻ. Ông mong muốn câu chuyện giản dị về anh Thạc, chị Trâm sẽ giúp cho tuổi trẻ hôm nay soi lại chính mình.
* Trích từ “ GS.TS Trần Quán Anh: Sinh viên Đặng Thùy Trâm của tôi”. An Ninh Thế Giới cuối tháng, số 50, 9/2005.Nhan đề do BBT đặt.
|
|