"Tôi là một công dân"
Bài 1: Tư cách công dân và năng lực hội nhập
Đó là lời của vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong lá thư đáp lại quyết nghị của các cử tri ngoại thành Hà Nội yêu cầu Cụ Hồ không phải ứng cử trong kỳ tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội 1/1946.
Đứng trước thiện tình của đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng những lời lẽ không chỉ khiêm nhường mà còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc: “Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi... Nhưng tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở thành phố Hà Nội, nên không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa”… (15/12/1945).
Đây là lần thứ hai Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng trong ngôn ngữ giao tiếp của mình. Lần thứ nhất là ngay trong buổi họp đầu tiên của Chính phủ triệu tập ngay sau ngày Tuyên ngôn Độc lập (3/9/1945) khi vị Chủ tịch đề cập tới một nhiệm vụ cấp bách (sau diệt giặc Đói và giặc Dốt) là: "Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bàu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”.
Như vậy, từ “công dân” được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi trong thông điệp này đã cho thấy nội hàm gắn liền với một tư cách pháp nhân trong một xã hội dân chủ. Một xã hội chưa từng có trong thân phận của người dân Việt Nam . Thời thuộc địa, các tầng lớp trên của xã hội đã từng biết đến khái niệm “citoyen” (công dân) của nền chính trị Pháp, quê hương của cuộc cách mạng tư sản 1789. Cũng từng tồn tại một cộng đồng những người “vào làng Tây” được hưởng một số quyền lợi của người chính quốc. Nhưng khái niệm về “công dân” đối với người Việt Nam một cổ hai tròng cả thực dân và phong kiến trở nên rất xa lạ.
Trong cộng đồng người Việt chỉ tồn tại những khái niệm về “đồng bào” hay “đồng chí” đã phổ biến như chất gắn kết sức mạnh trong công cuộc giải phóng đất nước. Hai chữ “quốc dân” xuất hiện cùng với cuộc nổi dậy giành độc lập khỏi tay ngoại bang đã chứa chất một niềm tự hào của một dân tộc từng bị “vong quốc nô”. Và hai chữ “công dân” còn vô cùng mới mẻ đã xác định tư cách của mỗi con người Việt Nam trong cộng đồng của một thể chế chính trị mới mẻ và hiện đại: Dân chủ-Cộng hoà. Có thể nói rằng, “công dân” là một dấu ấn của một bước chuyển lịch sử của dân tộc Việt Nam, trước đó vốn mang tập tính “thần dân” của một xã hội quân chủ kéo dài hàng ngàn năm, chỉ biết đến sự thần phục vương quyền.
Mục tiêu quan trọng hàng đầu sau việc chống giặc Đói, giặc Dốt và sớm xây dựng một thể chế của xã hội pháp quyền, là những nhiệm vụ có tính chất cấp bách ở những thời điểm nhất định thì một nhiệm vụ lâu dài và quyết định sự tồn vong của chế độ cũng là của nền độc lập dân tộc, chính là xây dựng “tư cách công dân” cho những thần dân của một quốc gia lần đầu biết đến nền dân chủ.
Vì thế, cũng trong phiên họp đầu tiên này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch rõ “chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân”. Mục tiêu của việc “giáo dục lại” này chính là khắc phục được những “thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô…” do chế độ cũ để lại để “làm cho dân tộc ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”.
Giáo dục ý thức công dân đã trở thành một mục tiêu hàng đầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sau khi đã giành được mục tiêu Độc lập dân tộc. Cuộc Tổng tuyển cử cùng với sự hình thành từng bước thể chế chính trị dân chủ cộng hoà là một bước đi đầu tiên để nhân dân có thể thể hiện quyền công dân của mình. Nhưng cũng chính trong những ngày trứng nước của chế độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người khởi xướng và cổ vũ không biết mệt mỏi mục tiêu xây dựng con người mới và nền văn hoá mới. Cuộc vận động Đời sống mới được khởi xướng ngay từ những năm tháng độc lập đầu tiên, cuộc vận động “Sửa đổi lề lối làm việc” diễn ra ngay trong lòng của cuộc kháng chiến giữ nước cho đến các cuộc vận động chống chủ nghĩa cá nhân hay phong trào “người tốt việc tốt” mà trọn vẹn cuộc đời Bác Hồ chăm lo, chính là bắt đầu từ hai chữ “công dân” được nêu lên trong bức thư của vị Chủ tịch nước trả lời cử tri của mình tháng 12/1945.
Cuộc vận động cho sự xác lập tư cách công dân cũng đồng thời đi đôi với việc chống lại sự quan liêu hoá của bộ máy hành pháp là hai mặt của một cuộc đấu tranh, cũng là hai mặt của công cuộc xây dựng. Chúng ta có thể tìm thấy trong tư tưởng xây dựng chế độ mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như trong lối sống thường ngày như một tấm gương của Bác Hồ sự nhất quán phấn đấu cho mục tiêu này. Có thể tìm thấy vô vàn những dẫn chứng trong di sản trước tác của Hồ Chí Minh cũng như trong di sản phi vật thể sưu tập từ trong ký ức những thế hệ được gần gũi với Bác Hồ để đúc kết thành những bài học về việc xây dựng tư cách công dân như một tiên đề cho việc xây dựng những mẫu hình mới của người chiến sĩ cách mạng hay một con người xã hội chủ nghĩa theo quan niệm của Bác Hồ.
Những trải nghiệm của dân tộc Việt Nam hơn sáu mươi năm qua càng cho thấy giá trị sâu sắc của dòng thư Bác viết: “Tôi là một công dân… nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử”. Để cho mỗi người dân Việt Nam tự tin và tự hào nói rằng: “Tôi là một công dân…” quả là cả một mục tiêu lâu dài, gian khổ và cao cả. Tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh được thể hiện rõ ràng trong hình tượng “Người công dân số Một” của một nước Việt Nam Mới!