Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 03/06/2005 21:17 (GMT+7)

Tìm thấy phác thảo 'bom nguyên tử' của phát xít Đức

Các nhà nghiên cứu, những người đưa phác thảo này ra ánh sáng, cho biết bản vẽ mới chỉ ở dạng giản đồ sơ lược, và không hàm ý rằng phát xít Đức đã chế tạo, hoặc tiến gần tới mức chế tạo một quả bom hạt nhân. Song một chi tiết trong bản báo cáo tiết lộ rằng một vài nhà khoa học của Đức quốc xã có thể đã đến gần với mục tiêu hơn so với các quan sát trước đây.

Bản báo cáo chứa hình vẽ không đề ngày tháng, song các nhà nghiên cứu khẳng định có bằng chứng cho thấy nó ra đời ngay sau khi cuộc chiến tranh ở châu Âu kết thúc. Công trình này nhằm giải quyết công việc của các nhà khoa học hạt nhân Đức trong chiến tranh và thiếu 1 trang bìa trong, vì thế không có thông tin nào về tác giả của nó.  

Rainer Karlsch, một nhà sử học đứng sau khám phá này, đã gây ra cơn bão tranh luận hồi đầu năm nay, khi ông khẳng định tìm ra bằng chứng chứng tỏ phát xít Đức từng thử nghiệm thành công một thiết bị nguyên tử đơn giản trong những ngày cuối cùng của Đại chiến thế giới II. Song khẳng định đã bị một vài nhà sử học khác bác bỏ.  

Bức vẽ trên xuất hiện ở tạp chí Physics World, trong một bài báo của Karlsch và Mark Walker, giáo sư sử học tại Đại học Union, Schenectady (Mỹ). Bản báo cáo được tiết lộ sau khi cuốn sách Hitler"s Bomb của Karlsch được xuất bản, trong đó ông khẳng định phát xít Đức đã thử nghiệm thành công thiết bị hạt nhân.

"Phát xít Đức còn xa mới làm được một quả bom nguyên tử "kinh điển". Nhưng họ đã hy vọng sẽ kết hợp "một quả bom hạt nhân mini" với một tên lửa", tiến sĩ Karlsch nói. "Quân đội của Hitler tin rằng họ cần khoảng 6 tháng nữa để buộc thứ vũ khí mới này nhả khói. Nhưng các nhà khoa học biết rõ hơn về sự khó khăn để có đủ lượng uranium giàu cần thiết".

Trưởng nhóm nghiên cứu năng lượng hạt nhân của phát xít Đức là nhà vật lý Werner Heisenberg. Mặc dù thành công trong nhiều lĩnh vực khác của vật lý, song Heisenberg đã thất bại khi tìm hiểu nhân tố quyết định trong phản ứng dây chuyền phân hạch hạt nhân.

Một vài nhà nghiên cứu cho biết, điều này đã dẫn ông đến việc tính sai khối lượng uranium cần thiết để chế tạo một quả bom hạt nhân. Song, bản báo cáo của Đức đã đưa ra ước tính cần khoảng hơn 5 kg để tạo ra khối lượng tới hạn cho một quả bom plutonium. Con số này gần tương tương với khối lượng thực cần thiết, và nó chứng tỏ một vài nhà khoa học của Đức quốc xã đã hiểu biết tốt hơn về phản ứng phân hạch so với Heisenberg.

Giáo sư Paul Lawrence Rose, từ Đại học bang Pennsylvania, Mỹ, tác giả của một cuốn sách viết năm 1998 về chương trình uranium của Đức, cho biết ông không có lý do gì để tin rằng bản báo cáo này là bịa đặt, song nghi ngờ về ý nghĩa của chi tiết khối lượng tới hạn. Theo ông, con số 5 kg không chứng tỏ rằng phát xít Đức có các nhà khoa học giỏi hơn Heisenberg, mà có thể tác giả của bản thảo này đã đọc được Báo cáo Smyth về sự phát triển của bom hạt nhân ở Mỹ, xuất bản tháng 7/1945. Tuy nhiên Karlsch và Walker phản đối khẳng định này.

Đức đã thử nghiệm thiết bị hạt nhân?


Trong cuốn Hitler"s Bomb, Karksch phỏng đoán một nhóm khoa học dưới sự chỉ đạo của nhà vật lý Kurt Diebner, trong cuộc cạnh tranh với nhóm của Heisenberg, đã thử nghiệm một thiết bị hạt nhân thô sơ ở Thuringia, Đông Đức vào tháng 3/1945.

Song Rose cho biết điều này là không thể. Bản ghi chép về các cuộc nói chuyện được thu âm lại sau khi các nhà khoa học này bị bắt ở Anh khi chiến tranh kết thúc cho thấy, Diebner thiếu kiến thức để chế tạo thiết bị hạt nhân, ông khẳng định.

"Karlsch đã tiết lộ một vài chi tiết rất quan trọng trong cuốn sách của mình, song tôi không thể đồng ý với bức tranh mà ông vẽ ra từ những chi tiết đó - một cuộc thử nghiệm hạt nhân của phát xít Đức", giáo sư Dieter Hoffmann, từ Viện khoa học lịch sử Max Planck ở Berlin, nói.

Tuy nhiên, trên bài báo đăng ở Physics World, Karlsch và Walker chỉ ra bằng chứng về sự cải tiến mà nhóm của Diebner đã thực hiện, trong đó có một thiết kế về lò phản ứng hạt nhân còn tiên tiến hơn cả thiết kế mà nhóm của Heisenberg đưa ra.

"Diebner đã thu thập tài liệu nghiên cứu từ tất cả các nhóm khác và ông ta có thể kiểm soát luồng thông tin. Chỉ một vài nhà khoa học xung quanh Diebner biết về dự án bom của ông ta. Heisenberg không ngờ về điều đó", tiến sĩ Karlsch giải thích.

Nguồn: VNExpress ngày 2/6/2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.