Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 16/07/2005 14:30 (GMT+7)

Tìm lại người thân sau 5 thế kỷ

Đây là biểu hiện sinh động của chân lý “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.

Vào thế kỷ XV dưới triều Lê Thánh Tông, bờ cõi phía Nam đất nước ta liên tục bị quân Chiêm Thành quấy nhiễu, xâm lấn. Đức Thánh Tông đã thân chinh cầm quân bình Chiêm và thu được thắng lợi to lớn.

Trong số những quan quân theo Vua Nam tiến có một vị tên Nguyễn Phú Văn, hiệu là Nguyễn Tôn Công, tòng quân dưới triều Hậu Lê năm Quang Thuận thứ 6 (1465), được biệt phái vào đồn trấn tại Thanh Hóa.

Khoảng đầu những năm Hồng Đức, Nguyễn Phú Văn lãnh chiếu tiên phong đem quân chiếm cứ Nam phần Thiên hạ đệ nhất hùng quan (phía Nam đèo Hải Vân), dọn đường để Vua Lê Thánh Tông thân chinh dẹp giặc.

Khi quan quân Đại Việt ca khúc khải hoàn, ngài Nguyễn Tôn Công đã ở lại và đưa dân vào định cư, khai khẩn vùng đất mới và sau đó đưa cả gia quyến vào đây, khai sinh tộc Nguyễn Phú tại xứ Phổ Nê (huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, nay thuộc làng Yến Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng (sau đây gọi là tộc Nguyễn Phú Yến Nê).

Theo tộc phả Nguyễn Phú Yến Nê, do cháu 4 đời của ngài Nguyễn Tôn Công lập năm 1619, vì lớp cha ông đã quá cố không có di bút để lại, chẳng ai biết tiền tổ cội nguồn, nên chỉ ghi từ ngài Nguyễn Tôn Công về sau, đồng thời suy tôn ngài Nguyễn Tôn Công là Thủy tổ tộc Nguyễn Phú Yến Nê.

Từ năm 1619, tộc Nguyễn Phú Yến Nê lấy ngày 22 tháng 2 âm lịch hằng năm là ngày giỗ tổ.

Trải qua 5 thế kỷ, tộc Nguyễn Phú Yến Nê đến nay là đời thứ 16, số đinh hiện có trên 300 (chưa kể số vị thành niên). Tộc Nguyễn Phú Yến Nê có truyền thống hiếu học, đặc biệt trong thời hiện đại có nhiều đóng góp với cách mạng.

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, không ít lần các bậc cao niên tộc Nguyễn Phú Yến Nê đã ra đất Bắc, dò hỏi lần tìm. Hễ có manh mối nào lại viết thư, gọi điện hỏi thăm.

Trong lúc các thế hệ tộc Nguyễn Phú Yến Nê kiên trì tìm về quê hương bản quán thì ở làng Lại Đà ven sông Đuống (nay thuộc xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội), cũng có một tộc Nguyễn Phú (sau đây gọi là tộc Nguyễn Phú Lại Đà).

Theo gia phả tộc Nguyễn Phú Lại Đà, tổ tiên của tộc này đến vùng Cối Giang lập nghiệp từ trước thế kỷ XIII cùng với khởi thủy của 3 tộc Ngô, Vương, Lương hợp thành "Tứ gia Tiên tổ" làng Lại Đà, vốn thuộc tổng Cối Giang, huyện Đông Ngàn, lộ Bắc Giang (địa danh có từ đời Trần).

Đình làng này thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền do Vua Trần Thánh Tông sắc phong năm 1276 làm Thành hoàng làng Lại Đà.

Nhưng rồi trải qua loạn lạc giặc giã thiên tai, tộc phả Nguyễn Phú ở Cối Giang bị thất truyền. Cho mãi đến thế kỷ XVII, cụ Phúc Chân (chữ Phúc là mỹ từ tôn kính tiền nhân, còn danh tộc vẫn là Nguyễn Phú) là cháu 5 đời của cụ Phúc Tiên mới tái lập tộc phả Nguyễn Phú Lại Đà, và chỉ chép từ đời cụ Nguyễn Phúc Tiên về sau.

Các thế hệ tiền tổ (viễn tổ) từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XV bị thất truyền, nên trong phổ hệ ghi "bất kí viễn tổ, mộ táng tại Mả Cát đã thất lạc", và suy tôn cụ Nguyễn Phúc Tiên là Thủy tổ, mộ táng tại gò Cái Đàn, ngày giỗ là 14 tháng Chạp.

Vào đời Tự Đức, một chi đã phải đổi Nguyễn Phú thành Nguyễn Bá, đặng theo đường khoa cử (do bị cấm thi vì có người làm nghề hát "ả đào") nhưng thực chất vẫn thuộc tộc Nguyễn Phú Lại Đà.

Tính từ ngài Nguyễn Phúc Tiên, tộc Nguyễn Phú Lại Đà đến nay là 14 đời, là một tộc lớn đông dân đứng trọn 1 trong 7 giáp của Lại Đà, có truyền thống khoa bảng và thành đạt.

Vì những thăng trầm lịch sử, thiên tai địch họa, tộc phả Nguyễn Phú Lại Đà lập vào thế kỷ XVII không có điều kiện đề cập hết các thế hệ trong tộc từ thế kỷ XIII và cũng không nhắc tới người con nào ở thế kỷ XV đã Nam tiến rồi lưu lại lập nghiệp.

Song, bản tộc phả này đã khẳng định: Khắp vùng Kinh Bắc chỉ duy nhất ở Lại Đà có tộc Nguyễn Phú. Ngày nay con cháu tộc Nguyễn Phú Lại Đà đã định cư ở nhiều nơi, kể cả ở nước ngoài, nhưng đều coi nguyên quán, Thủy tổ của mình ở Lại Đà và hằng năm cứ đến 14 tháng Chạp thì tìm về quê hương giỗ tổ.

Năm 1996, tại làng Yến Nê, các bậc cao niên của tộc Nguyễn Phú Yến Nê, trong đó có hai cụ Nguyễn Phú Nam và Nguyễn Phú Lại là những bậc túc nho khi coi truyền hình thấy xuất hiện trong chương trình thời sự đồng chí Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản mang họ và tên đệm "Nguyễn Phú".

Các cụ trong tộc Nguyễn Phú Yến Nê mừng lắm, bèn gọi điện thoại ra tòa soạn Tạp chí Cộng sản , hỏi thăm về họ Nguyễn Phú ngoài Bắc. Các cụ đã nhận được câu trả lời chân tình và sự giới thiệu về tộc Nguyễn Phú ở Lại Đà.

Sau đó ít lâu, đoàn đại biểu Nguyễn Phú Yến Nê do hai cụ Nguyễn Phú Nam và Nguyễn Phú Lại dẫn đầu, ra đất Bắc tìm về tộc Nguyễn Phú Lại Đà.

Ngày 5/6/1996, tộc Nguyễn Phú Lại Đà khá bất ngờ khi được đón tiếp những đại biểu tộc Nguyễn Phú Yến Nê. Dù chưa khẳng định cây chung một cội nhưng tộc Nguyễn Phú Lại Đà rất xúc động, chân thành tiếp đãi và đưa các đại biểu tộc Nguyễn Phú Yến Nê ra thắp hương tại mộ tổ.

Sau sự kiện này, liên tiếp trong 4 năm liền (từ 1996 - 2000), hai tộc Nguyễn Phú Lại Đà và Nguyễn Phú Yến Nê đều đi lại thăm hỏi nhau. Tộc Nguyễn Phú Yến Nê ra Bắc dự giỗ tổ tộc Nguyễn Phú Lại Đà, và tộc Nguyễn Phú Lại Đà cũng vào Đà Nẵng dự giỗ tổ tộc Nguyễn Phú Yến Nê.

Các bậc trưởng lão hai tộc họp bàn và dần dần đi đến kết luận: Ngài Nguyễn Phú Văn (tức Nguyễn Tôn Công) là người họ Nguyễn Phú Lại Đà, vào thế kỷ XV từ Cối Giang (Lại Đà) vượt sông Đuống, sông Hồng đến đầu quân tại Thăng Long dưới triều Hậu Lê, sau đó theo Vua Lê Thánh Tông bình Chiêm rồi ở lại khai dân lập ấp.

Ngài thuộc thế hệ "viễn tổ thất truyền", như gia phả tộc Nguyễn Phú Lại Đà lập thế kỷ XVII đã ghi "bất ký viễn tổ" cũng như trong phổ hệ tộc Nguyễn Phú Yến Nê đã không có điều kiện tìm được tiên tổ ngoài Bắc, mà chỉ chép từ ông tổ khai cơ lập nghiệp tại vùng đất mới Quảng Nam Thừa Tuyên Đạo. Đó là lý do phổ hệ hai tộc trước đây không thể hiện được mối quan hệ anh em.

Với kết luận trên, các bậc trưởng lão hai tộc Nguyễn Phú Lại Đà và Nguyễn Phú Yến Nê đi đến quyết định ký Bản Minh Định, theo đó hai tộc này là anh em đồng tộc, cùng một tổ tiên sinh ra trên đất Cối Giang, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, lộ Bắc Giang xưa, tức là thôn Lại Đà, xã Hội Phụ, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (Kinh Bắc cũ), ngày nay là thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Theo Bản Minh Định, tộc Nguyễn Phú Lại Đà là chi trên, tộc Nguyễn Phú Yến Nê là chi dưới. Bản Minh Định được ký vào ngày 24/5/2000. Những người ký tên vào Bản Minh Định là đại diện tiêu biểu cho hai tộc Nguyễn Phú Lại Đà và Nguyễn Phú Yến Nê.

Cả hai tộc coi ngày này là một ngày lịch sử của dòng họ Nguyễn Phú thống nhất gồm chi gốc ở Hà Nội và chi anh em ở Đà Nẵng.
                           Nguồn: tienphongonline.com.vn   10/7/2005

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.