Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 13/11/2020 21:19 (GMT+7)

Tiến sỹ Phạm Văn Tân: Được công nhận là kỹ sư chuyên nghiệp là một vinh dự cao quý

Kỹ sư là người được đào tạo và được công nhận thông qua hệ thống văn bằng chính thức trong hệ thống các trường đại học kỹ thuật. Việc phân loại kỹ sư và công nhận kỹ sư chuyên nghiệp đã có từ lâu và đã trở thành thông lệ quốc tế, Trước thềm diễn ra Hội nghị Cafeo lần thứ 38 tại Hà Nội do Vusta đăng cai, phóng viên vusta.vn có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Phạm Văn Tân  - Phó Chủ tịch kiêm TTK Vusta, người từng tham dự các hội nghị Cafeo gần đây sẽ giup bạn đọc hiểu hơn về vấn đề này.

Tiến sỹ Phạm Văn Tân  - Phó Chủ tịch kiêm TTK Vusta

PV: Thưa ông, vì sao phải đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp? Mục đích của việc này là gì?

Tiến sỹ Phạm Văn Tân:Công tác đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới đã được tiến hành cách đây mấy chục năm như ở Ôxtrâylia, Anh và Mỹ. Trong khu vực châu Á thì Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Philipine, Indonesia... cũng đã tiến hành từ hàng chục năm nay. Được công nhận là kỹ sư chuyên nghiệp là một vinh dự  cao quý, đồng thời cũng có trách nhiệm lớn lao đối với đồng nghiệp và xã hội. Ở nhiều nước phát triển, kỹ sư chuyên nghiệp được coi là danh hiệu cao quý nhất để hành nghề. Chương trình đăng bạ kỹ sư ASEAN được khởi xướng vào năm 1998, các kỹ sư một khi được cấp bằng sẽ có cơ hội được đi khắp các nước trong ASEAN làm việc mà không phải qua tuyển chọn. Việt Nam lần đầu đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp là năm 2004. Việc đăng bạ kỹ sư ASEAN nhằm mấy mục đích sau: Công nhận lẫn nhau về nghề nghiệp trong khối ASEAN, tạo thuận lợi cho sự chuyển dịch và làm việc của các kỹ sư ASEAN bên ngoài đất nước của mình với năng lực được đảm bảo; Cung cấp và giới thiệu các thông tin về cá nhân kỹ sư chuyên nghiệp cho các tổ chức, doanh nghiệp có yêu cầu sử dụng kỹ sư; Động viên các kỹ sư nâng cao trình độ để đạt tiêu chuẩn tối thiểu là kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN và thường xuyên học tập, rèn luyện để đạt tiêu chuẩn về tinh thông nghề nghiệp;v.v.

-PV: Muốn được đăng bạ kỹ sư ASEAN, người kỹ sư phải có những tiêu chuẩn gì?

Tiến sỹ Phạm Văn Tân:  Để được đăng bạ kỹ sư ASEAN cần phải có các tiêu chuẩn tối thiểu sau: Có bằng kỹ sư và có đạo đức nghề nghiệp; Tốt nghiệp đại học ít nhất 7 năm và có kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp trong một tổ chức mang tính kỹ thuật. Có ít nhất hai năm kinh nghiệm làm chủ trì thiết kế, giám đốc dự án, chủ trì các công trình có ý nghĩa về kinh tế, kỹ thuật và xã hội; Có khả năng giao dịch bằng tiếng Anh, tự nguyện tham gia hoạt động của liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN và đóng hội phí theo quy định; Được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam giới thiệu với Uỷ ban đăng bạ kỹ sư ASEAN.

 PV: Vậy, quyền lợi và nghĩa vụ của kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN?

  Tiến sỹ Phạm Văn Tân  Người kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN có mấy quyền lợi sau: Được tham gia các hoạt động của Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN (AFEO); được cấp chứng chỉ công nhận và được dùng chứng chỉ này để hành nghề trong và ngoài nước. Được các bạn ASEAN xác nhận năng lực; Được tham gia các khoá đào tạo, hội thảo, hội nghị khoa học... với chi phí ưu đãi; Được ghi danh trong hệ thống quản lý kỹ sư chuyên nghiệp Đông Nam Á và được giới thiệu với các nhà đầu tư trên mạng Internet; Được tham gia vào các đề tài, các dự án nghiên cứu, phát triển, tư vấn và chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế của khu vực.

Nghĩa vụ quan trọng nhất của người kỹ sư sau khi được đăng bạ là phải không ngừng học tập để hoàn thiện kiến thức của mình về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, quản lý, điều hành chỉ đạo và các kiến thức về quản lý kinh tế, tài chính, nhân lực, vật tư, thiết bị... phù hợp với lĩnh vực công tác của mình. Giữ vững đạo đức nghề nghiệp của người kỹ sư chuyên nghiệp, không nhận những thu nhập không chính đáng, sống bằng nghề nghiệp,v.v.

PV: Ông cho biết thêm quy trình để đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN như thế nào?

Tiến sỹ Phạm Văn Tân:Hằng năm Hội đồng đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp Việt Nam (thuộc LHH) thông báo trên trang Web: Vusta.Org.vn và gửi công văn tới các hội thành viên, các tổ chức, cá nhân có liên quan.  Kỹ sư xin đăng bạ chuẩn bị hồ sơ gồm: Văn bằng kỹ sư, chứng chỉ tiếng Anh và đảm bảo khả năng giao tiếp thông thường; Xác nhận của cơ quan về quá trình công tác đã có ít nhất 7 năm kinh nghiệm, 2 năm chủ trì các công trình chuyên môn, có trách nhiệm nghề nghiệp. Điền vào bản đăng ký đăng bạ kỹ sư ASEAN theo mẫu của Uỷ ban đăng bạ kỹ sư ASEAN (AER). Hồ sơ và phí đăng bạ gửi về Hội đồng đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp Việt Nam. Ban thư ký hội đồng ĐBKSCNVN sẽ rà soát kiểm tra hồ sơ, tổng hợp báo cáo Hội đồng ĐBKSCN xem xét đánh giá. Hội đồng sẽ họp, kỹ sư nào đủ tiêu chuẩn sẽ được đệ trình lên lãnh đạo Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam phê duyệt, kỹ sư nào chưa đạt sẽ được hội đồng xem xét và đánh giá trong các đợt tiếp theo. Hồ sơ đủ điều kiện sẽ được lãnh đạo Vusta chuyển cho AER. AER xét duyệt và cấp chứng chỉ.

PV: Trong trường hợp nào người kỹ sư ASEAN bị xoá tên khỏi đăng bạ?

Tiến sỹ Phạm Văn Tân  Cứ ba năm, kỹ sư chuyên nghiệp được xem xét lại và kiểm tra lại, nếu đạt thì tiếp tục được công nhận là kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN, nếu không sẽ bị xoá tên. Ngoài ra nếu kỹ sư đăng bạ không nộp hội phí trong 2 năm liền cho Uỷ ban đăng bạ kỹ sư ASEAN cũng có thể bị xem xét xoá tên.

- PV: Xin cảm ơn ông

Xem Thêm

Tin mới