Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã: Dùng luận án tiến sĩ đấu tranh cho chủ quyền nước nhà
- Xuất bản một Đặc khảo Hoàng Sa (1975); bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Namtại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (năm 2003), tổ chức triển lãm về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa... - Tiến sĩ Nguyễn Nhã sinh ngày 4/1/1940 tại Ninh Bình. Năm 1966, ông là chủ nhiệm kiêm chủ bút Tập san Sử Địa, Đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm1975, xuất bản Đặc khảo Hoàng Sa và tổ chức triển lãm trưng bày chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1993 ông là sáng lập viên Trường Đại học Dân lập Hùng Vương. Đến năm 2003 ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ đề tài “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM)... |
Điều gì thúc đẩy tiến sĩ thực hiện hàng loạt sự kiện liên quan hai quần đảo này và quá trình thực hiện ra sao?
Thập niên 60, 70 thế kỷ trước, khi chiến tranh còn ác liệt, các bạn tôi có người xuống đường, có người ra chiến khu hoạt động, tôi thì vào thư viện. Tôi thiết nghĩ rồi cũng đến lúc hòa bình và xây dựng quê hương đất nước, cần đến học thuật những người như tôi. Tôi đã miệt mài nghiên cứu Văn hóa Việt Nam , Quốc học.
Tôi có điều kiện đi du học. Song tôi nghĩ nghiên cứu quốc học thì học vị nên lấy ở trong nước tốt hơn. Và ngay năm 1974, tôi đã khởi xướng thành lập Nhóm Nghiên Cứu và Phát triển Truyền thống Việt Nam với chủ trương muốn văn hóa được coi trọng thì phải coi trọng các nhà văn hóa. Và tôi đã đứng ra tổ chức các đoàn văn hóa đến thăm những nhà văn hóa như nhà thơ yêu nước Á Nam Trần Tuấn Khải, nghệ sĩ cải lương Năm Châu…
Ôm nhau khóc ròng
Với trách nhiệm của một chủ nhiệm kiêm chủ bút (tổng biên tập) của Tập san Sử Địa tôi quyết định chủ biên số báo đặc khảo về Hoàng Sa & Trường Sa mặc dù có những ý kiến không đồng tình.
Với trách nhiệm của một công dân, một trí thức yêu nước, tôi liên hệ với những trí thức yêu nước hồi đó như GS Ngô Gia Hy, Chủ tịch Ủy ban Vận động Xây dựng Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương, và Võ sư Trần Huy Phong, lãnh đạo môn phái Vovinam Việt Võ đạo, cùng với tôi tham gia ban tổ chức triển lãm sử liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa & Trường Sa trong ba ngày tại Thư viện Quốc Gia, và ra mắt số báo đặc khảo về Hoàng Sa & Trường Sa, vào năm 1975.
Tại lễ khai mạc triển lãm, với tư cách trưởng ban tổ chức, tôi giới thiệu một bô lão đại diện năm vị quốc lão trên 80 tuổi, trong đó có nhà thơ yêu nước Á Nam Trần Tuấn Khải, đọc lời khai mạc. Tôi xúc động không cầm được nước mắt trong tiếng chuông trống vang rền khai mạc. Mọi người ôm nhau khóc ròng.
Trong Mở đầu Tập San số 29, đặc khảo Hoàng Sa và Trường Sa lấy tựa: “Thử đặt vấn đề Hoàng Sa& Trường Sa”, tôi viết:
“…Chúng tôi cũng đặt vấn đề Hoàng Sa trước lương tri của các nhà nghiên cứu trên thế giới”.
“…Chúng tôi cũng đặt vấn đề Hoàng Sa trước lương tâm của tất cả người Việt Nam, ở bên này hay bên kia, hãy đặt quyền lợi tối thượng muôn đời lên trên mọi tranh chấp nhất thời, đừng đổ lỗi cho nhau, đừng chia cách, mà hãy nhìn thẳng vào thân phận nhược tiểu để sáng suốt tìm cách bảo vệ di sản của tiền nhân…”.
Đến năm 1988, tôi lại tiếp tục quan tâm vấn đề Hoàng Sa & Trường Sa. Năm 1996, tôi đi thi, học và xác định sẽ làm luận án tiến sĩ “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tại TPHCM. Năm 2002, tôi bảo vệ cấp cơ sở. Ngày 18/1/2003, tôi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Trong buổi bảo vệ , tôi có phổ biến lời tuyên bố, tâm nguyện của tôi dùng luận án tiến sĩ để đấu tranh cho chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Lúc này tôi đã về hưu dù còn đang giảng dạy tại Trường Đại học Hùng Vương mà cả ba chúng tôi, Giáo sư Ngô Gia Hy, Võ sư Trần Huy Phong, và tôi, là ba sáng lập viên đầu tiên và chủ chốt.
Ngày 20/1/2008, Ngày Hoàng Sa của Việt Nam, tôi cùng một số người lập Tủ sách Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông để khuyến khích các nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh nhập cuộc.
Nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa, tiến sĩ có gặp những khó khăn gì không?
Nghiên cứu lịch sử cổ đại, trung đại may ra ít liên quan đến chính trị. Còn nghiên cứu lịch sử chủ quyền của Việt Nam từ đầu thế kỷ XVII đến hết thế kỷ XIX cũng ít liên quan đến chính trị. Song ít nhiều cũng dính dáng đến lịch sử. Năm 1909, chính quyền Quảng Đông, Nhà Thanh cho Tây Sa là vô chủ nên tổ chức chiếm hữu theo phương cách phương tây. Việc nghiên cứu đề tài, bản thân tôi thấy không có gì khó khăn. Song việc phổ biến công trình nghiên cứu lại gặp khó khăn không nhỏ, chủ yếu là về tâm lý. Còn vấn đề học thuật muôn đời vẫn là hành trình đi tìm sự thật, bao giờ cũng gian nan, không dễ chút nào.
Thông tin trái chiều chủ yếu từ các nước hay các nhà nghiên cứu của các nước ngoài đang tranh chấp. Có điều, chúng ta hiện chưa có những diễn đàn đối thoại với nhau. Nếu có diễn đàn hội thảo của các nhà nghiên cứu thì chắc không còn khó khăn gì với thông tin trái chiều. Bởi về học thuật bất cứ thời đại nào, nước nào cũng đều tôn trọng sự thật. Ai tiếp cận sự thật có cơ sở khoa học đều có sự tôn trọng và chấp nhận dù không phải dễ dàng.
Tiến sĩ đưa ra những kết luận khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ những văn bản, tài liệu nào?
Theo pháp lý quốc tế, trước và sau năm 1909, chiếm hữu phải thật sự mang tính nhà nước, liên tục và hòa bình. Bởi thế, các văn bản mang tính nhà nước thời nhà Nguyễn trong đó các châu bản như chỉ dụ của Vua, lời tấu của Bộ Công, châu phê của Vua cũng như sách hội điển, sách chính sử Quốc sử Quán triều Nguyễn trước năm 1909, năm Trung Quốc bắt đầu tranh chấp và cho Hoàng Sa là đất vô chủ, là có giá trị nhất.
Chỉ Việt Nam mới có những văn bản cụ thể như thế. Từ lâu vua quan Việt Nam đã cho xứ Hoàng Sa là nơi hiểm yếu. Thời Nguyễn Ánh đã cho sử dụng những người nước ngoài như người Anh (Barizy), người Pháp (Chaigneau, Dayot, De Forcant) để cố vấn việc chiếm hữu các hải đảo theo cung cách phương tây như cắm cột mốc, dựng bia, xây miếu Hoàng Sa Từ,… Bởi thế ngay từ thế kỷ XIX,Việt Nam đã có quá nhiều bằng chứng, tư liệu cụ thể về xác lập thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa, kể cả tài liệu của phương tây.
Riêng bản đồ An Nam Đại Quốc Họa Đồ khổ 80,5cm X 44cm của giám mục Taberd in năm 1838, đính trong cuốn từ điển Latinh-Annam vẽ rất rõ Paracel seu (tiếng Latinh có nghĩa là Cát Vàng) tại tọa độ hiện nay của Hoàng Sa, bằng chứng hùng hồn nhất phản bác luận điểm của Trung Quốc cho Hoàng Sa của Việt Nam chỉ là đảo ven biển, không phải Paracel mà Trung Quốc gọi là Tây Sa.
Để đẩy mạnh nghiên cứu và phổ biến rộng rãi tài liệu về Hoàng Sa, Trường Sa, theo tiến sĩ, cần có những biện pháp gì?
Theo tôi mỗi công dân Việt Nam trước hết phải biết rõ sự thật lịch sử xác lập chủ quyền của ông cha mình tại Hoàng Sa và Trường Sa. Mỗi người phải thấy tầm quan trọng chiến lược cũng như về tài nguyên của vùng Hoàng Sa & Trường Sa. Phải cho các thế hệ trẻ biết rõ sự thật và, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi tin sẽ có sức mạnh.
Để đạt mục tiêu đó, các ngành chức năng phải vào cuộc. Ngành giáo dục phải đem vấn đề chủ quyền vào trường học, vừa học tập vừa nghiên cứu. Ngành văn hóa, thông tin thành lập các trung tâm nghiên cứu, lưu trữ, quảng bá trên các phương tiện truyền thông…
Ý tưởng về thành lập một trung tâm lưu giữ tư liệu, hội đồng nhà nước để thẩm định các tài liệu về Hoàng Sa, Trường Sa, theo tiến sĩ cần triển khai như thế nào?
Các văn bản mang tính nhà nước như mới phát hiện ở Lý Sơn rất hiếm quí. Song tôi tin vẫn còn nhiều. Hiện việc phát hiện hay bảo quản còn bất cập như sắc phong tại nhà thờ tộc họ đội trưởng Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh chẳng hạn, nay không biết lưu lạc ở đâu. Nên đề nghị thành lập hội đồng giám định nhà nước vừa để đảm bảo tính khoa học chân xác để làm chứng liệu pháp lý, vừa là cách thức để mọi người theo luật phải có trách nhiệm bảo quản các văn bản quí giá ấy.
Tôi hoàn toàn đồng ý thành lập các trung tâm lưu giữ tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa, cùng với hội đồng giám định nhà nước để bảo quản, nghiên cứu và đưa ra những kết luận. Tiếp đó, các sử sách, tài liệu giá trị phải được số hóa và gửi đến nhiều trung tâm lưu trữ để khuyến khích sử dụng. Theo tôi có thể thành lập nhiều trung tâm như vậy ở các địa phương như tại Quảng Ngãi, Đà Nẵng và các nơi khác, kể cả ở nước ngoài.
Cảm ơn tiến sĩ!