Tiền Giang: Kinh nghiệm qua 3 lần tham dự giải thưởng Vifotec
Qua 3 lần tham dự Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (2016-2018), Tiền Giang có 5 công trình được trao giải, bao gồm 2 giải Ba và 3 giải Khuyến khích.
TS. Thái Quốc Hiếu (thứ hai từ trái qua) được trao Giải Khuyến khích, Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2017
Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (KHCN) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các Bộ ngành Trung ương tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh các tác giả có công trình khoa học tiêu biểu được ứng dụng vào thực tế sản xuất và đời sống mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội.
Kể từ năm 2016, UBND tỉnh Tiền Giang giao Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành liên quan tổ chức xét chọn công trình tham dự Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam hàng năm (sau lễ tổng kết và phát động của Trung ương).
Theo thông báo của Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (Vifotec), năm 2018, Tiền Giang có 1 công trình được công bố đoạt giải Ba: “Cải tiến khám chữa bệnh ban đầu bảo hiểm y tế, xây dựng mô hình chăm sóc ban đầu toàn diện theo các nguyên lý y học gia đình tại Tiền Giang” của tác giả TS.BS. Nguyễn Hùng Vĩ – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang.
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Re – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tiền Giang, để đạt được kết quả trên, ngay sau khi có phát động của Trung ương và chỉ đạo của UBND tỉnh, Liên hiệp Hội chủ động thành lập Hội đồng xét chọn Giải thưởng do Chủ tịch Liên hiệp Hội làm Chủ tịch Hội đồng, các thành viên là đại diện lãnh đạo sở, ngành tỉnh có học vị, chuyên môn liên quan đến 6 lĩnh vực dự thi của Giải thưởng.
Về công trình xét chọn tham dự Giải thưởng cũng được tuyển chọn rất khắc khe. Nguồn công trình tuyển chọn do Sở Khoa học và Công nghệ và Liên hiệp Hội chủ động đề xuất. Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất các công trình khoa học là đề tài, dự án khoa học công nghệ được Hội đồng Khoa học cấp tỉnh nghiệm thu xếp loại khá trở lên; Liên hiệp Hội đề xuất các công trình khoa học, giải pháp sáng tạo đoạt giải cao (nhất, nhì, ba) Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh qua các năm.
Các công trình, giải pháp được chọn ngoài đảm bảo các tiêu chuẩn về tính mới, tính sáng tạo, hiệu quả (kinh tế, kỹ thuật, xã hội) còn phải có khả năng áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả thiệt thực (công trình có khả năng áp dụng ở quy mô công nghiệp, sản phẩm dễ chế tạo, dễ sử dụng, nguyên liệu dễ tìm, thay thế nhập ngoại…). Hàng năm, các công trình, giải pháp sau khi được Hội đồng cấp tỉnh xét chọn thông qua, Liên hiệp Hội trình UBND tỉnh xác nhận và gửi hồ sơ về Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam trước ngày 15 tháng 10.
Cũng theo kỹ sư Nguyễn Văn Re, theo Thông tư số 27/TT-BTC, ngày 21-3-2018 của Bộ tài chính quy định chế độ tài chính cho hoạt động tổ chức Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 4-5-2018); trong đó, mức Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam được điều chỉnh tăng lên khá cao. Cụ thể: Giải nhất được điều chỉnh tăng từ 40 triệu đồng/giải lên 80 triệu đồng/giải; Giải nhì được điều chỉnh tăng từ 25 triệu đồng/giải lên 60 triệu đồng/giải; Giải ba được điều chỉnh tăng từ 20 triệu đồng/giải lên 40 triệu đồng/giải; Giải khuyến khích được điều chỉnh tăng từ 15 triệu đồng/giải lên 20 triệu đồng/giải. Qua đó, tạo động lực cho các tác giả, nhà khoa học nghiên cứu tạo ra nhiều công trình, giải pháp sáng tạo hữu ích phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đất nước./.