Tiền Giang: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế đào tạo điện não đồ cho bác sĩ trong nước
Nhằm trang bị, cập nhật kiến thức về điện não đồ (EEG) cho đội ngũ bác sĩ trong cả nước, trong những năm qua.
Hội Thần kinh khu vực Tiền Giang (thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật) phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Đồng Nai), Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), mời các giáo sư, bác sĩ giỏi từ châu Âu, mở 4 lớp đào tạo EEG cho hơn 300 bác sĩ công tác tại các sở y tế, bệnh viện khu vực phía Nam và phía Bắc.
GS. Pierre Jallon (Pháp) hướng dẫn kỹ thuật EEG cho học viên khóa 2 tại Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang
Bác sĩ chuyên khoa 2 (BS.CK2) Nguyễn Văn Thành, Trưởng khoa Nội thần kinh (Bệnh viên Đa khoa Tiền Giang) cho biết, điện não đồ là thủ thuật thăm khám nhằm đo lường các hoạt động điện và các sóng trong não bộ. Do đó, EEG có thể phát hiện những những sóng điện bất thường trong một số bệnh lý thần kinh. Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định đo EEG khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý não bộ. Chẳng hạn: Khi co giật, bệnh nhân mất ý thức tạm thời do trong não xuất hiện các sóng bất thường. EEG cũng có thể được chỉ định cho bệnh nhân đang hôn mê nhằm đánh giá chức năng hoạt động của não bộ. Đo EEG là thủ thuật nhanh, không gây đau đớn.
Khi tiến hành đo EEG, kỹ thuật viên sẽ dán các điện cực lên da đầu người bệnh, hoặc bệnh nhân có thể đội một loại mũ đặc biệt được thiết kế mạng lưới điện cực cố định. Khi đó, dòng điện chạy từ điện cực đến máy tính chính là bản ghi hoạt động điện của não bộ. Sau khi điện cực được cố định vị trí, bệnh nhân sẽ nằm hoặc ngồi thả lỏng, nhắm mắt và giữ nguyên tư thế (bệnh nhân có thể được uống thuốc gây ngủ tùy trường hợp). Trong quá trình đo, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một vài động tác như: Hít thở sâu, nhìn vào đèn…
Thông thường, EEG được thao tác trong vòng 20 phút. Một số trường hợp đặc biệt, bệnh nhân có thể được đo điện não trong vài giờ, qua đêm hay thậm chí vài ngày. Khi đó họ sẽ được đeo mũ điện cực trên đầu trong khi vẫn thực hiện công việc hàng ngày bình thường.
EEG được triển khai, áp dụng từ rất lâu ở các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu... nhằm hỗ trợ hiệu quả cho việc chẩn đoán các bệnh lý về não. Ở Việt Nam, EEG cũng được áp dụng trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, số bác sĩ được cập nhật kiến thức thường xuyên về EEG (đo và đọc kết quả EEG) từ các quốc gia phát triển trong những năm gần đây chưa nhiều. Với mong muốn tổ chức đào tạo, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm về EEG từ các chuyên gia nước ngoài (nhất là các giáo sư từ các nước châu Âu) cho các bác sĩ Việt Nam, từ năm 2016, Hội Thần Kinh Khu vực Tiền Giang đã có sáng kiến phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang mở khóa đào tạo EEG đầu tiên và cấp chứng chỉ cho 30 bác sĩ chuyên khoa thần kinh công tác tại các bệnh viện, cơ sở y tế trong nước (thời gian đào tạo là 6 tháng). Đặc biệt, Hội đã mời giáo sư (GS) Pierre Jallon (Pháp) giảng dạy, hướng dẫn thực hành chuyên sâu về EEG. Năm 2021, Hội tiếp tục phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang mở khóa đào tạo EEG thứ 2 cho 20 bác sĩ khu vực phía Nam.
Năm 2023, GS.TS.BS. Lê Quang Cường, nguyên Thứ Trưởng Bộ Y tế, nguyên Trưởng Bộ môn Thần kinh, Trường Đại học Y Hà Nội, GS. Lê Quang Cường tham gia khóa đào tạo học EEG dài ngày ở Pháp. Sau khi về nước, nắm được thông tin Hội Thần kinh khu vực Tiền Giang tổ chức đào tạo được 2 khóa EEG cho bác sĩ trong nước, GS. Cường rất phấn khởi và đề nghị BS.CK2 Nguyễn Văn Thành (Chủ tịch Hội Thần kinh khu vực Tiền Giang) tiếp tục phối hợp mở các khóa đào tạo EEG cho các bác sĩ trong nước theo hướng hợp tác quốc tế bởi theo GS. Cường, đây là nhu cầu cấp thiết, giúp hỗ trợ chẩn đoán và điều trị hiệu quả các bệnh lý về não. Cuối năm 2023, Hội Thần Kinh Khu vực Tiền Giang phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang tiếp tục mở khóa đào tạo EEG thứ 3 và cấp chứng chỉ cho 28 bác sĩ tham dự khóa đào tạo; trong đó, học viên khu vực phía Nam tham gia khóa đào tạo tại Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang, học viên vực phía Bắc tham gia khóa đào tạo tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Tham gia giảng dạy cho học viên EEG khóa 3, ngoài GS. Pierre Jallon, còn có GS.Sylvie (Pháp), chuyên gia EEG dành cho trẻ em.
BS.CK2 Nguyễn Văn Thành cho biết, trong năm 2024, Hội tiếp tục phối hợp mở lớp đào tạo EEG khóa 4 cho trên 100 học viên, chia 2 điểm: Điểm 1 dành cho học viên khu vực phía Nam, địa điểm học: Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) với sự hướng dẫn của GS.Pierre Jallon (khai giảng ngày 24/2/2024); điểm 2 dành cho học viên khu vực phía Bắc, địa điểm học: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khai giảng ngày 9/3/2024 với sự tham dự của GS.TS.BS. Lê Quang Cường, Thiếu tướng PGS.TS.BS. Nguyễn Hoàng Ngọc (Phó giám đốc Bệnh viên Trung ương Quân đội 108) cùng đại diện Bộ Y tế (Ban Đào tạo)
Theo BS.CK2 Nguyễn Văn Thành, chương trình hợp tác quốc tế đào tạo EEG do Hội Thần kinh khu vực Tiền Giang phối hợp với các cơ sở y tế thực hiện thời gian qua không chỉ thu hút đội ngũ bác sĩ chuyên ngành thần kinh trong cả nước tham gia mà còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Bộ Y tế, Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Hà Nội, các bệnh viện lớn, tên tuổi trong cả nước thông qua thường xuyên cử bác sĩ chuyên khoa tham dự các khóa đào tạo về EEG như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Tâm Anh, Bệnh viện Quốc tế SIS Cần Thơ... |