Thuốc trừ sâu có thể tác động đến chứng tự kỷ ngay từ khi mang thai
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng tự kỷ, như các biến chứng trong gian đoạn mang thai, nhiễm virus hoặc rối loạn di truyền. Sau nhiều nghiên cứu được thực hiện trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện thêm rằng chính yếu tố môi trường đã góp phần làm trầm trọng hơn chứng tự kỷ đang ngày càng tăng trong xã hội hiện đại.
Janie Shelton, chuyên gia dịch tễhọc tại Đại học California, một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho rằng các chất gây ô nhiễm môi trường, những độc tố thần kinh như thuốc trừ sâu, thủy ngân, nhiên liệu diesel, khói bụi ô nhiễm... đều gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển não bộ của thai nhi. Janie Shelton khẳng định, những phụ nữ sống trong phạm vi khoảng 1,6 km xung quanh các trang trại có sử dụng thuốc trừ sâu chứa organophosphate (hợp chất hữu cơ của photpho) hay pyrethroid đều sinh ra những đứa bé có nguy cơ mắc chứng tự kỷ cao hơn rất nhiều so với những người khác.
Nhà nghiên cứu Dan Rossignol thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực trẻ em quốc tế cho rằng thuốc trừ sâu chính là một trong những độc tố thần kinh có ảnh hưởng mạnh nhất đến khả năng mắc chứng tự kỷ. Các nhà khoa học trước đây cũng đã có những cảnh báo về mối liên hệ này, nhưng nghiên cứu mới đã góp phần khẳng định sự liên hệ giữa chứng tự kỷ và thuốc trừ sâu. Trong nghiên cứu cảu mình, các nhà khoa học kết hợp dữ liệu của Sở kiểm soát việc sử dụng thuốc trừ sâu California với nơi ở của 970 trẻ em tham gia trong chương trình nghiên cứu nguy cơ mắc tự kỷ bẩm sinh do yếu tố di truyền và môi trường. Qua đó, các nhà khoa học có thể xác định được các loại hóa chất mà thai phụ đã tiếp xúc trực tiếp trong môi trường và đã gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng khảo sát chế độ dinh dưỡng của thai phụ, các rối loạn chuyển hóa và cả ảnh hưởng của tình hình kinh tế và xã hội đối với tâm lý người mang thai.
Tuy nhiên, mô hình nghiên cứu trên vẫn chưa đạt được sự phổ quát do không thể xác định ảnh hưởng củayếutố thuốc trừ sâu diễn ra vào thời điểm nào trong thai kỳ. Do vậy, cần phải thực hiện nghiên cứu thời điểm bắt đầu thụ thai, trong và sau khi mang thai nhằm xác định thời điểm chính xác thuốc trừ sâu tác động lên đứa bé. Từ đó mới có biện pháp giúp thai phụ tránh được những nhân tố trên ở thời điểm thích hợp.
Nhóm nghiên cứu cho biết họ sẽ vẫn tiếp tục thực hiện nghiên cứu trên phạm vi rộng hơn nếu nhận được nguồn tài trợ. Một trong những mục tiêu mà nhóm tiếp tục đề ra là xác định được thời điểm ảnh hưởng chính xác của thuốc trừ sâu nhằm có biện pháptưvấn hợp lý cho thai phụ.
Hiện nay tại Hoa Kỳ, cứ 68 đứa trẻ thì có 1 trường hợp mắc phải một số dạng của hội chứng rối loạn tâm thần, tự kỷ. Tuy nhiên nguy cơ sẽ lên gấp 3 lần nếu người mẹ tiếp xúc với organophosphates trong giai đoạn mang thai. Điều này có nghĩa là các nhà khoa học cần phải nghiên cứu thêm trong tương lai nhằm tìm các biện pháp ngăn ngừa các tác nhân gây hại này thậm chí là trước khi thụ thai. Trong khi chờ đợi những nghiên cứu mới hơn, các chuyên gia khuyên các thai phụ nên tránh tiếp xúc với thuốc trừ sâu.