Thuốc trị cúm Tamiflu có thể diệt H5N1
Các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Nhi St Jude (Mỹ) đã cho 60 con chuột nhiễm H5N1 uống oseltamivir ở các liều khác nhau trong 5 hoặc 8 ngày, và một nhóm 20 con bệnh khác dùng giả dược.
Kết quả cho thấy oseltamivir làm giảm khả năng lây lan của virus từ các tế bào bệnh sang tế bào lành, bằng cách khống chế neuraminidase - một protein "chìa khóa" giúp virus thoát ra khỏi tế bào bệnh.
Không có con chuột nào uống giả dược sống sót. Chỉ có 5 trong 10 con chuột được uống oseltamivir liều cao nhất trong 5 ngày còn sống. Mặc dù oseltamivir khống chế virus trong 5 ngày song tác nhân gây bệnh vẫn tiếp tục phát triển khi ngừng thuốc.
Những con chuột uống thuốc trong 8 ngày có kết quả khá hơn. Tỷ lệ sống sót rất khác nhau giữa các liều dùng, cụ thể là 1 trong 10 con dùng liều thấp nhất còn sống, 6 trong 10 con uống liều trung bình và 8 trong 10 con uống liều cao nhất cũng sống sót. Liệu trình 8 ngày đã mang lại nhiều thời gian để giảm tối đa lượng virus và do đó khiến chúng ít có cơ hội phục hồi khi ngừng thuốc.
Ngoài việc đánh giá hiệu lực của oseltamivir đối với H5N1 trên chuột, nhóm nghiên cứu còn so sánh độc tính của biến thể mới ở Việt Nam với một biến thể của năm 1997 làm 6 người Hong Kong thiệt mạng. Kết quả là chủng H5N1 2004 nguy hiểm hơn nhiều. Do đó, cần điều trị bằng thuốc kháng virus trong thời gian dài để khống chế "sự hung hăng" của chủng H5N1 kháng nguyên mới, nhóm nghiên cứu kết luận.
"H5N1 đang trên đà tiến hóa rất nhanh. Thật ngạc nhiên về sự ngoan cường của biến thể mới", thành viên nhóm nghiên cứu Elena Govorkova nhận định. Mới đây, các nhà khoa học Anh khẳng định tìm thấy H5N1 trong dịch xương sống của một cậu bé chết vì cúm ở Việt Nam năm nay. Đây là dấu hiệu chứng tỏ virus có khả năng tấn công não người.
Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu St Jude sẽ tìm hiểu xem việc sử dụng oseltamivir liều cao trong thời gian dài có thể ngăn chặn H5N1 từ phổi lan tới não.
Tamiflu đang được công ty dược Roche phân phối toàn cầu.
Nguồn: vnexpress.net 20/7/2005