Thực hiện mô hình nông nghiệp phát triển kinh tế hộ nông thôn trong vùng đất sản xuất được quy hoạch tại huyện Gò Dầu tỉnh Tây Ninh
Việc phát triển hộ kinh tế nông dân đã và đang thực hiện hiệu quả khắp nơi ở các vùng nông thôn trong cả nước, TP.Hồ Chí Minh là một trong những địa bàn được tập trung quy hoạch khu công nghiệp lớn, Quận 9 đã định hướng cho nông dân chuyển hướng sản xuất từ nông nghiệp nông thôn sang nông nghiệp đô thị, khuyến khích đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng thu hẹp dần diện tích đất trồng, tập trung phát triển các loại cây trồng vật nuôi có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và tiêu thụ theo hướng hàng hóa, các mô hình sản xuất nông nghiệp đang được triển khai là sản xuất hoa lan, hoa kiểng, cá cảnh, mô hình VAC, mô hình chăn nuôi thủy sản. Ở Bình Dương, mô hình kết hợp chăn nuôi, trồng trọt lấy ngắn nuôi dài, trồng hành lá, đậu bắp, nuôi heo, thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng mỗi năm…
Các mô hình kinh tế nông nghiệp khép kín cho hiệu quả kinh tế cao được phổ biến trên khắp cả nước, mô hình VAC có nhiều ưu điểm như: khai thác triệt để tài nguyên thiên nhiên đất đai, khí hậu và tập quán người dân; sản xuất sản phẩm hàng hóa với đa dạng cây, con; sử dụng chất thải chăn nuôi biến thành khí biogas hoặc nuôi cá, nuôi trùn, lấy trùn nuôi gà, vịt… tạo một dòng khép kín. Thực tế sản xuất thời gian qua cho thấy càng khép kín hiệu quả kinh tế càng cao, giá thành sản phẩm hạ và an toàn môi trường. Ngoài ra, mô hình lấy ngắn nuôi dài sử dụng hiệu quả công lao động địa phương giúp nông dân có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống. Các mô hình này đã giúp nông dân đa dạng hóa nguồn thu nhập, trên cơ sở mô hình hiệu quả này, việc xây dựng các mô hình tương tự khuyến cáo cho các hộ nông dân bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, giúp họ có thêm nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống là điều cần thiết phải thực hiện.
Mô hình sản xuất nông nghiệp tích hợp là một mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời là hướng mở cho hàng hóa nông sản an toàn, bảo vệ môi trường nông thôn bền vững, có ý nghĩa lớn trong việc tận dụng lao động nông thôn, tận dụng và phát huy hết tiềm năng kinh tế trên mỗi hộ gia đình nông dân, phù hợp với mỗi hộ nông dân có diện tích ít đất. Đồng thời mỗi hộ gia đình nông thôn, tùy theo diện tích đất, khả năng phát triển kinh tế hộ mà xây dựng mô hình phù hợp để phát triển.
Từ đó, chúng tôi đã đề xuất nghiên cứu đề tài “Xây dựng mô hình nông nghiệp phát triển kinh tế hộ nông thôn trong vùng đất sản xuất được quy hoạch tại huyện Gò Dầu tỉnh Tây Ninh”, đề tài đã được phê duyệt theo quyết định số 2440/QĐ-UBND ngày 24/11/2009 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc phê duyệt danh mục các đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2010. Trên cơ sở nghiên cứu các mô hình phù hợp có hiệu quả sẽ đưa ra ứng dụng trên qui mô rộng hơn, áp dụng cho những hộ nông dân có điều kiện tương tự, giúp giải quyết việc làm cho nông dân không còn đất sản xuất, đây là vấn đề cần phải triển khai thực hiện trên tất cả các vùng đang phát triển công nghiệp, đòi hỏi sự quan tâm định hướng của hầu hết các cấp ngành ở các địa phương.
Vùng Phước Đông, Bời Lời là vùng đất sản xuất cho hiệu quả cao, vùng sản xuất chủ lực của huyện Gò Dầu với cơ cấu 2 vụ lúa - 1 vụ màu hoặc 1 vụ lúa - 2 vụ màu, nguồn nước tưới chủ động cả năm nhờ vào hệ thống kênh tưới chủ động cả năm nhờ vào hệ thống kênh tưới tiêu Hồ Dầu Tiếng phủ đều khắp cánh đồng, góp phần đưa năng suất cây trồng đạt năng suất cao, lợi nhuận bình quân/ha đạt 40-50 triệu đồng mỗi năm. Khi quy hoạch công nghiệp, tỉ lệ đất sản xuất thu hồi hầu hết ở các hộ, không ít cán hộ bị thu hồi 100% diện tích đất sản xuất, đa số các hộ dân có đất trong vùng quy hoạch vẫn còn phần đất thổ cư hoặc đất vườn nằm ngoài vùng quy hoạch, tuy nhiên diện tích không nhiều. Các mô hình khuyến nông thường xuyên chuyển giao nhưng là những mô hình đơn lẻ, chưa có mô hình nào mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời cũng chưa tận dụng và phát huy được hết tiềm năng sẵn có để giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế của hộ gia đình nên chưa có sức thuyết phục hộ nông dân gắn kết với mô hình.
Về mô hình, 2 xã Phước Đông, Bàu Đồn được chọn ứng dụng mô hình, tập trung vào các đối tượng cây trồng vật nuôi hiện đang có xu hướng phát triển, dễ dàng tiêu thụ như: heo, bò, gà, lúa, đậu, bắp, rau…. bổ sung một số cây trồng vật nuôi mới phù hợp điều kiện đất đai còn lại của các hộ dân, với nguyên tắc vận hành của hệ thống sản xuất theo chu trình khép kín các hợp phần trong sản xuất, hệ thống hoạt động theo hệ hữu cơ, sản phẩm tạo ra đáp ứng yêu cầu chất lượng, hiệu quả. Các lớp tập huấn được tổ chức thường xuyên về các biện pháp kỹ thuật thực hiện, tổ chức được 20 lớp, hội thảo chuyển giao các kết quả trên mô hình.
Mô hình 1:trồng rau an toàn, đa dạng, thâm canh: vườn rau ăn lá che lưới để sản xuất quanh năm, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học. Trồng ớt cay, bí xanh để đa dạng hóa các loại rau, áp dụng theo qui trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn.
Mô hình 2:vườn - chuồng - trại: vườn rau ăn lá che lưới để sản xuất quanh năm, đảm bảo an toàn. Chuồng nuôi 2-3 con trâu bò, nuôi gà thả vườn. Trại nuôi trùn quế, trồng cỏ xung quanh vườn làm thức ăn cho trâu bò, dùng chế phẩm sinh học (CPSH) xử lý chuồng trại và chất thải gia súc theo chu trình: phân trâu bò dùng nuôi trùn quế cùng với nước giải qua xử lý bón cho rau và cỏ trồng, con trùn quế làm thức ăn nuôi gà thả vườn, phân trùn quế bón cho rau.
Mô hình 3:vườn - ao - chuồng: vườn trồng cây ăn quả, ao nuôi cá thâm canh trải bạt, chuồng nuôi ếch, tận dụng chất thải từ nuôi ếch bổ sung cho nuôi cá, tận dụng đất vườn nhãn làm chuồng, ao theo chu trình: nước thải từ chuồng nuôi ếch đưa qua nuôi cá, tận dụng nước ao nuôi cá tưới vườn.
Mô hình 4:vườn - chuồng: vườn trồng đu đủ Đài Loan, chuồng nuôi heo hướng nạc. Lắp đặt hệ thống Biogas để xử lý nguồn chất thải, tận dụng chất thải sau biogas, xử lý để bón cho vườn đu đủ theo chu trình: phân heo qua hệ thống biogas lấy gas sử dụng, nguồn phân sau biogas xử lý CPSH dùng bón cho đu đủ.
Mô hình 5:chăn nuôi kết hợp: nuôi trâu bò 3 con trở lên và thâm canh trồng cỏ, nuôi trùn quế, nuôi gà thả vườn, nuôi cá thâm canh trong hồ nổi theo chu trình: phân trâu bò dùng nuôi trùn quế cùng với nước giải bón cho cỏ trồng, trùn quế làm thức ăn bổ sung nuôi gà, cá.
Mô hình 6:thâm canh 3 vụ màu kết hợp chăn nuôi: trồng rau an toàn, trồng bắp nếp cao sản, thâm canh cây đậu xanh theo qui trình: thâm canh, sử dụng phân bón hữu cơ, vô cơ hợp lý, thuốc BVTV sinh học trong canh tác rau màu, tận dụng cây đậu, bắp làm thức ăn bổ sung.
Mô hình 7:luân canh, thâm canh 2 lúa - 1 màu: nhân giống lúa chất lượng, thâm canh cây đậu xanh theo qui trình: áp dụng 3 giảm, 3 tăng trên lúa, sử dụng phân bón, thuốc BVTV sinh học trong canh tác rau màu.
Mô hình 8:chăn nuôi - trồng nấm: chuồng nuôi heo nái hướng nạc, lắp đặt hệ thống biogas xử lý nguồn chất thải, nuôi trùn quế làm thức ăn nuôi heo, trồng nấm để tăng thu nhập theo qui trình: trùn quế làm thức ăn bổ sung nuôi heo, phế phẩm bịt nấm và phân bò nuôi trùn quế, lắp đặt hệ thống biogas lấy gas sử dụng sinh hoạt gia đình.
Các mô hình này được hình thành dựa vào điều kiện cơ sở hạ tầng vật liệu hiện có của nông hộ (diện tích đất, điều kiện làm chuồng, trại, ao đầm…), cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với phương thức, công lao động của hộ nông dân, Các mô hình 1,2,3,4,5,6 được triển khai tại xã Phước Đông, mô hình 4,7 được triển khai tai ấp 5, Bàu Đồn.
* Kết quả từ các mô hình:
Qua 20 tháng triển khai mô hình, 08 mô hình đã được triển khai thực hiện kết quả:
Mô hình 1:trồng rau an toàn, đa dạng thâm canh, người dân đã có thể trồng rau xanh các loại như: cải xà lách, mồng tơi… trong 06 tháng mùa mưa, giá cả thường cao gấp 2 - 3 lần so với mùa nắng, tính trên 1000m 2 trồng rau mùa mưa, người dân đã thu hoạch bán thường xuyên luân phiên các loại rau thu nhập 20 triệu trong mùa khô, đa dạng trên các loại rau thâm canh như ớt, bí đao, giúp thu nhập 20 triệu từ ớt và 10 triệu từ bí đao, 35 triệu đồng từ rau xanh các loại, với 3000m 2đất, đã cho thu nhập 65 triệu đồng/năm, ổn định cuộc sống.
Mô hình 2:Mô hình vườn chuồng trại, vườn trồng rau xanh, chuồng nuôi gà, trại nuôi trùn quế, với diện tích vườn còn lại không đến 1.000m 2, khi xây dựng mô hình, hiện gia đình có 02 con bò, vùng phân nuôi trùn quế, chỉ sau 02 tháng đã có lứa trùn mới và cứ thế sinh khối trùn nhân lên, đủ bổ sung cho 200 con gà ăn hàng ngày, vệ sinh được môi trường vườn nhà được cải thiện, nhờ có trùn quế bổ sung, đàn gà nuôi lớn nhanh chỉ trong 6 tháng, qua 2 lứa gà nuôi, trọng lượng trung bình đạt 1,4 - 1,5 kg/con, giá bán từ 65.000 - 85.000 đồng/kg, thu nhập trên 20 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận thu được là 4,7 triệu đồng, kết hợp với mảnh vườn 500m 2xung quanh nhà, trồng rau che lưới, thu nhập hàng tháng bình quân 1,2 triều đồng/tháng, giúp cuộc sống dần dần ổn định.
Mô hình 3:mô hình vườn - ao - chuồng: tận dụng những khoảng sáng của vườn nhãn để làm chuồng ếch và ao cá, với số lượng ếch mô hình đầu tư ban đầu là 1.000 con, qua hai vụ nuôi, đúng qui trình, hệ thống ao chuồng được thiết kế liên hoàn theo chu trình khép kín và tận dụng tất cả các chất thải giữa các thành phần nuôi, nước xả từ chuồn ếch ra ao cá, tận dụng hầu như toàn bộ lượng thức ăn dư thừa của ếch làm thức ăn cho cá, giảm đáng kể lượng thức ăn bổ sung nuôi cá, và cứ 10 ngày ao cá được thay nước 1 lần, nước thay từ trong ao được tận dụng bơm tưới cho nhãn, với chu trình khép kín này áp dụng đúng qui trình, thu nhập mỗi tháng từ ếch, cá là 6 - 10 triều đồng/tháng, từ nhãn là 5 triều đồng/năm, bình quân thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, đã đem lại thu nhập ổn định cho nông dân.
Mô hình 4:việc đầu tư 02 heo nái hướng nạc, qua 4 tháng nuôi, đã có 2 lứa heo con, số lượng là 24 con đang trong giai đoạn chăm sóc, nguồn phân heo được qua hệ thống biogas, tận dụng khí gas trong sinh hoạt, tiết kiệm mỗi tháng từ gần 400.000đ, thu hoạch từ 80 gốc đu đủ bình quân là 1 triệu/tháng.
Mô hình 5:từ 3 con bò gia đình nuôi ban đầu, lượng phân thải ra hàng ngày không được xử lý gây ô nhiễm môi trường sống của gia đình, mô hình triển khai xây dựng 1 trạm trùn 50m 2, sau 2 tháng khối lượng trùn tăng lên, đủ đáp ứng nuôi 200 con gà/2 vụ nuôi, lượng phân bò xung quanh nhà được xử lý sạch, 1 ao nuôi cá được xây nuôi thường xuyên 2 vụ/năm cá trê lai, thu nhập từ gà là 19,5 triệu, từ cá là 5 triệu.
Mô hình 6:mô hình thâm canh kết hợp dùng phân hữu cơ, sử dụng phế phẩm vùi vào đất cải tạo đất trong canh tác 3 vụ liên tục gồm bắp nếp cao sản, nhân giống đậu phộng mới, trồng rau ăn quả, sử dụng phân vô cơ hợp lý trên diện tích 3.000m 2luân canh liên tục 3 vụ/năm, thu nhập từ mô hình này là 36 triệu/năm.
Mô hình 7:sản xuất lúa theo hướng nhân giống, áp dụng biện pháp 3 giảm, 3 tăng, thu nhập 18 triệu đồng sản xuất giống lúa, lợi nhuận tăng thêm 3 triệu đồng, giảm chi phí 600.000đ/vụ so với sản xuất trước đây, đậu xanh thu hoạch, thu lợi 5 triệu, lượng cây đậu được vùi vào đất để tăng độ phì cho đất canh tác.
Mô hình 8:kết hợp nuôi heo nái sinh sản, nuôi trùn quế bổ sung dinh dưỡng nuôi heo con, hiện có 1 bầy 8 con và 1 con đang mang thai, trồng 2.000 bịch nấm, gồm nấm linh chi và nấm bào ngư xám, thu nhập từ nấm là 10 triệu đồng.
Kết quả đề tài có tác động ý nghĩa thiết thực đến nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội và môi trường vì có tính ứng dụng và hiệu quả cao, mô hình đúc kết của đề tài có thể đóng góp vào tiêu chuẩn hộ gia đình nông thôn trong các tiêu chí nông thôn mới. Hướng nghiên cứu đề tài rất có triển vọng vì xu hướng liên kết các hợp phần bổ sung hỗ trợ nhau trong sản xuất, vừa có tác dụng bảo vệ môi trường vừa tạo ra sản phẩm an toàn, là hướng đi bền vững trong phát triển nông nghiệp hiện đại. Đối tượng ứng dụng kết quả nghiên cứu là các hộ gia đình nông dân nông thôn, đặc biệt đối với các hộ nông dân có ít đất sản xuất hoặc bị thu hồi đất cho quy hoạch thì đây là tăng thu nhập trên đơn vị diện tích một cách có hiệu quả cao, đảm bảo cuộc sống gia đình, giải quyết được lao động nhàn rỗi vùng nông thôn, khi có công ăn việc làm hiệu quả sẽ giảm các tệ nạn, tiêu cực xã hội, góp phần phát triển kinh tế xã hội.