Thúc đẩy phát triển chính sách y tế bằng khoa học
EBHPD hoạt động nhằm mục đích góp phần tạo nên một hệ thống y tế đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản cho các đối tượng yếu thế, giảm thiểu các chi phí thảm họa trong y tế và tăng chất lượng chăm sóc trên cơ sở bảo đảm quyền của bệnh nhân trong khám chữa bệnh. Chiến lược hành động của Nhóm là thiết kế các hoạt động hài hòa giữa vận động thay đổi chính sách y tế phục vụ lợi ích cộng đồng với lợi ích cụ thể cho các thành viên tham gia, thể hiện trong nâng cao hiệu quả hoạt động vận động chính sách y tế của từng tổ chức và cá nhân trong Nhóm.
Bằng cách tạo lập môi trường học tập và chia sẻ kinh nghiệm; duy trì hợp tác, cùng thu thập, cùng phân tích và cùng thực hiện vận động chính sách, EBHPD hướng tới trở thành diễn đàn chính của các cá nhân và tổ chức nghiên cứu khoa học độc lập quan tâm đến phát triển chính sách y tế ở Việt Nam đảm bảo mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển bền vững.
Vận hành theo nguyên tắc hệ thống mở, Nhóm khuyến khích sự tham gia đóng góp của mọi tổ chức, cá nhân cùng chung mục đích vận động phát triển chính sách y tế, với thái độ khách quan, khoa học, tôn trọng bằng chứng trong mọi trình bày và thảo luận. Việc quản lý dựa trên nguyên tắc rõ ràng, minh bạch và đảm bảo trách nhiệm giải trình.
Cấu trúc quản lý Nhóm gồm ba bộ phận hoạt động theo cơ chế “tam quyền – phân trách nhiệm” là Hội đồng Thành viên; BanThường trực Hành động và Tổ chức Điều phối. Hội đồng Thành viên gồm toàn thể thành viên chính thức của Nhóm (cá nhân và tổ chức). Ban Thường trực Hành động hoạch định kết quả dự kiến của các hoạt động Nhóm và giám sát sự minh bạch và giải trình trách nhiệm. Tổ chức Điều phối triển khai hoạt động theo kế hoạch do Hội đồng Thành viên phê duyệt. Tổ chức Điều phối được chỉ định cho nhiệm kỳ đầu 2014-2015 là Trung tâm RTCCD.
Hiện nay, EBHPD đang duy trì 7 diễn đàn chính sách về các chủ đề: Bảo hiểm y tế; Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em; Phòng chống thuốc lá và rượu bia; Cấm sản xuất và sử dụng amiang; An ninh bệnh viện; Y tế tư nhân và Hợp tác công tư. Đây là những chủ đề có tính thời sự, thu hút sự quan tâm, chú ý của xã hội.
Hoạt động nổi bật nhất của Nhóm thời gian gần đây chính là vận động Chính phủ cấm sản xuất và sử dụng amiang. Thông qua các hội thảo, tọa đàm, những bộ phim khoa học, EBHPD cùng với một số tổ chức đã kiến nghị Chính phủ cần xây dựng lộ trình tiến tới dừng sử dụng amiang trắng chậm nhất vào năm 2020 và chấp thuận đưa amiang trắng vào Phụ lục III Công ước Rotterdam tại kỳ họp năm 2015 của công ước này. Đồng thời, EBHPD cùng với một số tổ chức khuyến cáo trong thời gian tới cần thực hiện ngay việc dán nhãn sản phẩm nguy hiểm đối với sức khỏe trên tấm lợp có chứa amiang để đảm bảo việc công khai những thông tin liên quan sức khỏe của người tiêu dùng.
Những kiến nghị trên được Nhóm đưa ra dựa trên những bằng chứng khoa học, đó là những kết quả nghiên cứu của các tổ chức quốc tế như WHO (Tổ chức Y tế thế giới), Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế... và cả những điều tra tại cộng đồng do chính EBHPD thực hiện.
Hội nghị góp ý kiến bổ sung dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em sửa đổi do EBHPD phối hợp với RTCCD và tổ chức HealthRight tổ chức. Ảnh: EBHPD
Cũng như vấn đề amiang, những thông tin EBHPD cung cấp về bảo hiểm y tế hay bảo vệ và chăm sóc trẻ em đều dựa trên những nghiên cứu cụ thể. Chẳng hạn như nhằm khắc phục các vấn đề tồn tại trong quản lý cấp thẻ BHYT, đồng thời hỗ trợ các địa phương thực hiện được nhiệm vụ do Luật BHYT sửa đổi 2014 đặt ra, EBHPD cùng với Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành nghiên cứu đánh giá thử nghiệm chính quyền cấp xã với hai phương án đổi mới quản lý và cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tại 4 xã của Hà Nội và Hà Nam. Nhóm nghiên cứu tập trung vào mô tả quy trình cấp thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng được áp dụng tại các địa phương giai đoạn 2008- 2014, trong đó có phân tích các yếu tố nguyên nhân lý giải tình trạng trùng thẻ, chậm thẻ hoặc sai thông tin trên thẻ, đồng thời nêu ra các điều kiện thuận lợi và khó khăn trong công tác của chính quyền cấp xã thực hiện công tác BHYT. Kết quả nghiên cứu tiếp tục được báo cáo và phân tích tại hội thảo với sự tham gia của các bên liên quan, qua đó cho thấy việc nhiều bên tham gia lập danh sách đối tượng gây nên hiện tượng chồng chéo, trùng thẻ. Do vậy, cần giao trách nhiệm lập danh sách, quản lý thông tin về một mối cho UBND xã. Kết quả là hội thảo đã đưa ra kiến nghị nội dung sửa đổi trong thông tư hướng dẫn triển khai bảo hiểm y tế thực hiện từ 1/2015, đồng thời đề xuất sự hợp tác giữa các bên trong năm 2015 trong nghiên cứu hoàn thiện mô hình chính quyền xã quản lý đối tượng bảo hiểm y tế với những quy định, hướng dẫn cụ thể cho tuyến xã và các bên tham gia vận hành hệ thống bảo hiểm y tế. Mục tiêu sẽ đưa vào triển khai toàn quốc phương án quản lý mới từ tháng 1/2016 khắc phục hữu hiệu các tồn tại trùng thẻ, chậm thẻ, sai thông tin trên thẻ BHYT, đồng thời góp phần đảm bảo chắc chắn mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân trước năm 2020.
Với sự hỗ trợ của EBHPD, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC 14 đã hoàn thiện phóng sự dài 30 phút mang tên “Khi Bảo hiểm y tế trở thành bắt buộc” phát sóng trên chương trình Cận cảnh ngày 22/12/2014 vừa qua. Phóng sự tóm tắt lại những điểm mới trong Luật BHYT 2014 sắp chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2015 tới đây, đồng thời nêu ra những điểm hạn chế và tồn tại hiện nay trong quá trình cấp, phát và sử dụng thẻ BHYT.
Đối với các vấn đề bảo vệ và chăm sóc trẻ em, EBHPD cùng với RTCCD đã tổ chức một loạt hội thảo, diễn đàn nhằm vận động đưa vào dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em sửa đổi 2 nội dung: Cơ chế giám sát độc lập chất lượng thực thi quyền trẻ em ở Việt Nam và Đảm bảo mọi trẻ đều có quyền được chăm sóc cho sự phát triển toàn diện trong 1000 ngày đầu đời.Hai đề xuất này được nêu ra trên cơ sở những nghiên cứu về thực trạng công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, kết quả hoạt động nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em trong 15 năm qua tại Việt Nam (2001-2014) kết hợp với phân tích bằng chứng thực tế trong nước và khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em Liên Hiệp Quốc.
Tính đến nay, EBHPD có sự tham gia của 5 tổ chức và 19 cá nhân là thành viên chính thức, 52 cá nhân từ 34 tổ chức đóng vai trò quan sát viên và cộng tác viên. Nhóm đã chính thức nhận được hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động trong năm 2014 từ Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID) thông qua Chương trình Hỗ trợ Liên minh Vận động Chính sách do Oxfam tại Việt Nam điều phối.
Cùng với các hoạt động vận động chính sách liên quan đến amiang, bảo hiểm y tế, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, hiện Nhóm đang triển khai nghiên cứu góp ý dự thảo Luật Ngân sách, phần ngân sách tài chính cho y tế Việt Nam và dự luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.