Thuần hóa khiến chó giống người
Giáo sư Vilmos Csányi, Trưởng khoa Phong tục học của Đại học Eötvös Loránd ở Budapest cho biết, sự gần gũi ngày một tăng giữa con người và những chú chó trung thành đã khiến loài vật này dường như thông minh hơn, hoặc ít nhất giống người hơn. Chẳng hạn, chúng có thể bắt chước các hành vi phức tạp của chủ, và dường như lĩnh hội được những tính cách cơ bản nào đó của con người.
Trong nghiên cứu, Csányi và cộng sự so sánh những con sói non được thuần hóa với chó cảnh. Họ phát hiện thấy chó sói nỗ lực rất ít để giao tiếp với người hoặc với anh bạn bốn chân họ xa của mình. Băng video ghi lại cảnh những con sói non được thả vào phòng có cả người chăm sóc lẫn chó cho thấy, chó sói hít hít những đối tượng trong phòng trước khi chán ngán và nằm ngủ trong lòng người chăm sóc.
Trong tình huống tương tự, chó sẽ thám hiểm khắp phòng và cố làm mọi cách để trở nên thân thiện với người chăm sóc, bằng cách vẫy tai, sủa, liếm mặt người và sau đó ngồi trước mặt anh ta với đôi tai hướng về phía trước.
"Chó sói có thể thuần hóa, song chúng hiếm khi tập trung sự chú ý vào con người" - Csányi nói - "Chúng không quan tâm đến con người, trừ phi chúng bị người đe dọa hoặc cho ăn. Chó thì khác".
Trong một nghiên cứu gần đây, Csányi xác nhận rằng chó nhà không những có thể di chuyển theo phương được ám thị bằng mắt, chẳng hạn theo tay người chỉ, chúng còn có thể mô phỏng động tác của người bằng chân mình.
Một nghiên cứu khác cũng do Csányi thực hiện, công bố gần đây trên tạp chí Comparative Psychology, đã tìm thấy nhiều con chó có thể vận hành một cái máy nhả bóng, tương tự như những cái máy được các vận động viên bóng chày dùng trong luyện tập, sau khi xem một người lạ sử dụng vài lần.
Cũng như vậy, trong quá trình thuần hóa dài ngày, loài người trở nên hiểu rõ cách thức giao tiếp giữa những chú cẩu với nhau và với chính họ, đôi khi họ còn học được 1-2 điều từ chúng. Adam Miklósi, một trong các cộng sự của Csányi, gần đây đã kiểm tra 90 người tình nguyện về khả năng "phiên dịch" nghĩa những tiếng chó sủa. Tiếng kêu của chúng được thu lại trong những tình huống khác nhau, như khi đang chơi, đang đợi thức ăn hoặc đối mặt với kẻ lạ mặt vào nhà. Hầu như tất cả những người tham gia, dù có sở hữu chó cảnh hay không, đều nhận diện chính xác tiếng sủa của chúng, thậm chí còn biết được chính xác tình huống gây nên tiếng sủa này.
Phải chăng chó trở nên thông minh hơn vì gần người? Giáo sư Richard Byrne, nghiên cứu về tâm lý tiến hóa tại Đại học St Andrews ở Scotland, cho biết sự tiến hóa của mối giao tiếp gần gũi giữa người và chó không nên được hiểu lầm thành kỹ năng nhận thức siêu việt. Theo Byrne, chó không nên được xem là "thông minh", vì chúng thiếu "một khả năng linh hoạt để giải quyết những vấn đề mới lạ".
"Những gì mà công trình của Miklósi và Csányi chỉ ra rằng, chó có thể thích nghi tốt hơn với hoạt động giao tiếp của con người là do chúng thực hiện theo cách mà trẻ con tìm kiếm biểu hiện trên nét mặt người khác", Byrne nói.
Theo vnepress.net 04/06/2005