Thừa Thiên Huế: Thúc đẩy phong trào nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào cuộc sống
Trong những năm qua, Liên hiệp Hội phối hợp với Đại học Huế, Sở Khoa học Công nghệ, Liên đoàn Lao động, Tỉnh Đoàn Thừa Thiên Huế và các sở ban, ngành trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thi đua sáng tạo, như Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng; Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật và Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ.
Năm 2014, với những cố gắng trong công tác tổ chức, tuyên truyền, vận động, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VII đã có những bước tiến quan trọng. Các công trình đăng ký tham gia có sự gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Với 40 công trình đăng ký tham gia trên 07 lĩnh vực dự thi (tăng 48% so với Giải thưởng lần thứ VI - năm 2012), Ban Tổ chức đã quyết định trao giải thưởng cho 36 công trình, với: 07 giải Nhất, 12 giải Nhì, 10 giải Ba và 07 giải Khuyến khích. Từ kết quả này, Ban tổ chức đã tuyển chọn được 20 công trình tham gia Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2014, trong đó có 06 công trình được trao giải thưởng toàn quốc.
GS.TS. Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Liên hiệp Hội, Trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng cho biết, Giải thưởng ngày càng góp phần thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của quần chúng trong việc áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học vào sản xuất và đời sống. Nó đã trở thành "cái nôi" của phong trào lao động sáng tạo. Giải thưởng không chỉ vinh danh các tác giả đoạt giải mà còn góp phần hướng phong trào lao động sáng tạo ngày càng phục vụ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Vì vậy, việc tổ chức Giải thưởng có ý nghĩa hết sức thiết thực trong vấn đề đưa khoa học đến gần hơn với cuộc sống.
Nói đến hiệu quả trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống phải kể đến những đề tài như: Nghiên cứu khôi phục và chế tạo mới các loại đầu dò thủy âm sử dụng gốm áp điện của TS. Trương Văn Chương, Trường Đại học Khoa học Huế; Tối ưu lưu lượng IP của Viễn thông Thừa Thiên Huế của TS. Dương Tuấn Anh; Phục dựng hình ảnh di tích Thiệu Phương Viên bằng công nghệ 3D tương tác của TS. Phan Thanh Hải, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế... Hay như công trình ”Địa chí Thừa Thiên Huế phần Dân cư - Hành chính” của PGS.TS. Đỗ Bang, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, đây cũng là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống về tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính ở Thừa Thiên Huế từ Hoá châu thời Trần (1306) đến tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay.
Theo TS. Trương Văn Chương, Khoa Vật Lý, Trường Đại học Khoa học Huế cho biết, thủy âm là khoa học về các hiện tượng xảy ra trong nước, liên quan đến phát, lan truyền và thu sóng âm. Khái niệm thủy âm còn bao hàm cả việc thiết kế, chế tạo các thiết bị thủy âm. Máy dò cá bằng phương pháp siêu âm là thiết bị điện tử hàng hải không thể thiếu đối với một số nghề khai thác cá biển. Đối với lĩnh vực quân sự, sóng âm – siêu âm quan trọng đến nỗi nếu thiếu nó không một tàu chiến nào có thể ra khơi. Máy dò thủy âm được mệnh danh là “con mắt của tàu ngầm”, giúp phát hiện mục tiêu dưới nước từ xa, không chỉ mục tiêu lớn như tàu bè mà cả thủy lôi, ngư lôi, bom, mìn, người nhái, thợ lặn…, và còn được gắn trên tàu hoặc ở lối vào các cảng để chống xâm nhập từ dưới nước.
Qua 7 lần tổ chức, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ nhận được gần 450 công trình tham dự và trao giải cho 164 công trình khoa học công nghệ. Các công trình đoạt giải thực sự tạo được tiếng vang lớn, góp phần giải quyết những yêu cầu cấp bách của thực tiễn, khẳng định tài năng, sức sáng tạo của đội ngũ khoa học tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời động viên, thúc đẩy phong trào thi đua nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống trong đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.