Thừa Thiên Huế: Hội thảo Lịch sử và triển vọng phát triển Thái Y viện triều Nguyễn
Trong 02 ngày, 20-21/10 tại TP. Huế, đã diễn ra hội thảo Khoa học “Thái Y viện triều Nguyễn - Lịch sử và triển vọng phát triển” dưới sự chủ trì của UBND tỉnh.
Quang cảnh hội thảo
Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội) là cơ quan thường trực phối hợp với các Sở: Khoa học và Công nghệ, Y tế, Du lịch, Văn hóa và Thể thao; Bệnh viện Trung ương Huế; Trường Đại học Y - Dược; Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế; Hội Đông y, Hội Châm cứu và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đồng tổ chức.
Tham dự hội thảo còn có một số các nhà khoa học trong nước có cách nhìn bao quát mang tính hệ thống, nhằm định hướng bảo tồn, kế thừa và phát triển giá trị y học truyền thống có nguồn gốc từ Thái Y viện dưới triều Nguyễn một cách hữu hiệu có thể.
Thái Y viện ở Việt Nam ra đời vào thời vua Lý Thần Tông và được phát triển qua triều Trần, Hồ, Lê, thời chúa Nguyễn và Tây Sơn. Tuy nhiên, dưới triều Nguyễn, Thái Y viện đã trở thành một tổ chức Y Dược cho triều đình hoàn chỉnh nhất.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ phát biểu tại hội thảo
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, hội thảo có 07 báo cáo của các tác giả là cán bộ lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học trên các lĩnh vực khoa học lịch sử, Đông y, lâm nghiệp, thực dưỡng, cùng 05 ý kiến thảo luận tại Hội trường.
Ban Tổ chức đã nhận được sự quan tâm phối hợp, tham gia ý kiến, cung cấp tư liệu của các nhà khoa học, đã tiếp nhận hơn 40 báo cáo tham luận, trong đó có 04 báo cáo của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ các tỉnh bạn, các tham luận của các cán bộ quản lý các cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh, các tác giả là nhà khoa học của các Hội thành viên. Nhìn chung, các báo cáo khoa học đã tập trung, đánh giá toàn diện và sâu sắc nội dung xoay quanh chủ để hội thảo.
Các nghiên cứu, thảo luận, tham luận đã làm rõ về lịch sử hình thành, chức năng nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của Thái Y viện - cơ quan y tế cao nhất dưới triều Nguyễn; các tư liệu về bài thuốc, vị thuốc và phương pháp chữa trị, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe theo y học cổ truyền có nguồn gốc cung đình. Đây là những giá trị đặc thù của vùng đất Cố đô. Những nghiên cứu đã khẳng định những đóng góp to lớn của cơ quan y tế này đối với triều Nguyễn nói riêng và nền y học cổ truyền dân tộc nói chung, đề xuất các giải pháp, định hướng khai thác tài nguyên kiến thức Thái Y viện thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch riêng có của tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời các nhà khoa học cũng đề xuất xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu dược phẩm cho thị trường nhằm nâng cao cơ hội sinh kế cho cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội thảo
Các báo cáo tham luận có nội dung phong phú, sinh động, hàm lượng khoa học cao, cách tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn đa chiều, đã làm sáng tỏ nhiều khía cạnh lý luận và thực tiễn, đáp ứng mục tiêu chung của hội thảo.
Ban Tổ chức hội thảo trân trọng tiếp thu những ý kiến đóng góp trí tuệ, tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp. Sau Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ phát hành tài liệu, đây là nguồn tư liệu có giá trị phục vụ cho nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, nhằm khôi phục những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của vùng đất kinh đô xưa, quảng bá, khai thác và phát triển kinh tế xã hội, du lịch, dịch vụ ở tỉnh nhà theo định hướng của Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế: “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường... - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ của hội thảo, các đại biểu tham dự đã tham quan các điểm di tích liên quan Thái Y viện, không gian phục dựng du lịch chăm sóc sức khoẻ theo phương pháp truyền thống Đông y, không gian trưng bày các sản phẩm liên quan về Thái Y viện dưới triều Nguyễn, đó là các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ từ hữu cơ tự nhiên, đông trùng hạ thảo, sâm Bố chính, thảo dược thiên nhiên, đặc sản về sen… đặc biệt là sản phẩm Ngự dược Thái Y viện nhằm tuyên truyền và quảng bá rộng rãi hơn nữa về những bài thuốc quý, những sản phẩm tinh hoa trên vùng đất Cố đô phục vụ trong du lịch…