Thiết bị xử lý nước biển thành nước ngọt đầu tiên của Việt Nam
Nhiều người dân đảo Bạch Long Vĩ reo hò hoan hỉ chuyền tay nhau những chai nước ngọt đầu tiên thu được khi vận hành dây chuyền xử lý nước biển công suất 11 m3/giờ vừa được lắp đặt tại đảo. Cả ông Chủ tịch huyện và ông Bí thư huyện đảo cũng không giấu được niềm vui vì biết rằng đảo từ nay không còn lo thiếu nước. Nhớ lại những gì diễn ra trong ngày dây chuyền xử lý nước biển công suất lớn đầu tiên của Việt Nam hoạt động suôn sẻ từ lần vận hành đầu tiên trên đảo, Tiến sĩ Đào Đình Kim vui mừng xen lẫn tự hào. Ông là một trong những nhà khoa học chủ chốt của Trung tâm tư vấn và chuyển giao công nghệ nước sạch và môi trường (CTC) nghiên cứu, thiết kế và chế tạo dây chuyền này theo hợp đồng trị giá gần 2,5 tỷ đồng với UBND thành phố Hải Phòng. "Công nghệ xử lý nước biển thành nước ngọt đã được các nước phát triển nghiên cứu thành công từ hàng chục năm nay. Chìa khóa của công nghệ này là khâu tách các tinh thể muối rất nhỏ ra khỏi nước biển", ông Kim cho biết. Có nhiều cách để làm được điều này nhưng kỹ thuật thẩm thấu ngược có sử dụng màng lọc RO là phổ biến nhất. "Kỹ thuật này cho phép tách muối trong khi vẫn giữ được một số chất khoáng cần thiết để bảo đảm sức khỏe cho con người. Hơn nữa, nó cho phép thực hiện xử lý nước biển ở quy mô công nghiệp". Từ cơ sở lý thuyết này, sau gần một năm ông Kim cùng một số đồng nghiệp đã mày mò chế tạo được một dây chuyền gồm 5 thiết bị xử lý nước biển qua 5 công đoạn khác nhau với tỷ lệ nội địa hóa 70%. Nước biển được bơm qua thiết bị đầu tiên sẽ được lọc sạch rong, rêu, tảo bằng một màng lọc có kích thước lỗ 50 micrometres. Sau đó, thiết bị lọc "vạn năng" (Multimedia) sẽ lọc sạch các chất có kích thước lớn hơn 20 micrometres. Sang thiết bị thứ ba, Ca, Mg, Br... được loại ra khỏi nước biển dưới dạng muối carbonat bằng phương pháp trao đổi cation. Thiết bị lọc thứ tư tiếp tục loại các chất có kích thước lớn hơn 5 micrometres ra khỏi nước biển. Và đến thiết bị cuối cùng sử dụng màng lọc RO có kết cấu đặc biệt. Quá trình thẩm thấu ngược diễn ra tại đây khi nước biển (sau khi đã qua các công đoạn tiền xử lý trước đó) được bơm áp suất cao tới 70 asmosphere qua hệ thống màng lọc này. Kết thúc quá trình thẩm thấu ngược, người ta sẽ thu được một lượng nước ngọt bằng 36% lượng nước biển lọc qua dây chuyền. Ông Kim cho biết, khó khăn lớn nhất gặp phải khi nghiên cứu chế tạo dây chuyền xử lý nước biển là chọn được vật liệu phù hợp. Vật liệu này phải chịu được sự ăn mòn của nước biển, chịu được áp suất cao. "Các loại thép không rỉ mã bình thường không đáp ứng được yêu cầu. Các loại sợi thủy tinh hay chất dẻo chịu áp lực của nước ngoài đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật nhưng hoặc là khó mua hoặc là giá quá cao". Ông Kim cho biết. Tuy nhiên, cuối cùng ông cũng chọn được một loại thép không rỉ mã hiệu đặc biệt cho dây chuyền của mình. Vấn đề gia công thiết bị lọc có màng RO ở khâu cuối cùng cũng khá vất vả. Để tiết kiệm chi phí, ông Kim đã chọn sản phẩm trong nước sản xuất. Tuy nhiên, nhược điểm là đường ống ngắn nên phải nối. Vậy là phải mất nhiều công sức gia công với độ chính xác cao nhằm bảo đảm tuyệt đối không lọt nước trong điều kiện áp suất cao. Tuy nhiên, những nỗ lực của ông và các đồng nghiệp được đền đáp. Kết quả phân tích hóa học nước qua xử lý trên dây chuyền của Viện y học lao động và vệ sinh môi trường của Bộ Y tế cho thấy, nước đạt độ tinh khiết cao, có thể dùng uống trực tiếp. Trong khi đó giá thành dây chuyền rẻ chỉ bằng 1/2 so với loại cùng công suất nhập ngoại. Với dây chuyền này, nước ngọt sản xuất ra có giá khoảng 20.000 đồng/m3 gồm cả chi phí vận hành và khấu hao dây chuyền trong 8 năm). Giá thành này chỉ bằng 1/5 so với giá nước ngọt bán kinh doanh cho các tàu đánh cá ở Bạch Long Vĩ hiện nay; Theo ông Kim, cái giá này có thể giảm xuống đáng kể nếu dây chuyền được lắp đặt để xử lý nước lợ hay được chế tạo với công suất lớn hơn để xử lý nước mặn ở các vùng ven biển... Nguồn: Thanh Quy (Thời báo kinh tế Việt Nam), www.nhandan.org.vn ngày 7/11/2003 |