Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 13/04/2010 23:02 (GMT+7)

Thiên văn học - ngành khoa học cần được quan tâm hơn nữa

Thiên văn học phục vụ kinh tế - xã hội và quốc phòng

Các Mác đã chỉ ra rằng: Sự cần thiết tính chu kỳ nước sông Nin lên xuống đã tạo nên nền thiên văn cổ Ai Cập, cũng do đó các tu sỹ Ai Cập đã trở thành những người chỉ đạo canh tác. Trước công nguyên, các tu sỹ Ai Cập đã quan sát sao Thiên Lang để dự báo các mùa trong năm và từ đó làm ra lịch để phục vụ đời sống. Việc đi lại bằng đường biển, đường hàng không khi chưa có hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu cũng phải dựa vào quan sát thiên văn. Việc xây dựng mạng lưới trắc địa quốc gia và lập bản đồ đều phải dựa vào các phép đo thiên văn mới có được các số liệu chính xác về độ phương vĩ (kinh độ và vĩ độ) ở các điểm trên mặt đất. Ngày nay, khi thiết lập hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu, các điểm mốc ban đầu cũng phải được đo bằng phương pháp thiên văn mới chính xác. Khi một vệ tinh quân sự bí mật xuất hiện, chỉ cần chụp ảnh tọa độ của nó ở 3 thời điểm khác nhau bằng phương pháp thiên văn thì có thể biết được các yếu tố quỹ đạo và dự báo được khi nào nó xuất hiện trên vùng trời chủ quyền của một quốc gia.

Thiên văn học có mối quan hệ chặt chẽ với các ngành khoa học tự nhiên và triết học

Từ nghiên cứu chuyển động của các hành tinh, Kepler (nhà thiên văn học người Đức) đã tìm ra 3 định luật về chuyển động của vật trong trường xuyên tâm. Cũng từ quan sát các hiện tượng trong tự nhiên và kết quả nghiên cứu các hiện tượng thiên văn mà Niuton (nhà bác học vĩ đại người Anh) đã tìm ra Định luật vạn vật hấp dẫn. Khi chụp ảnh quang phổ mặt trời, người ta đã phát hiện ra nguyên tố Hêli (Helio có nghĩa là mặt trời) trước khi tìm thấy nó trên trái đất 27 năm. Mặt trời là ngôi sao gần nhất, nhờ nghiên cứu mặt trời mà con người biết được các đặc trưng vật lý, hoá học của các vì sao. Sau gần 300 năm quan sát các vết đen trên mặt trời mà biết được quy luật hoạt động của mặt trời, từ đó biết được ảnh hưởng của nó đến các hiện tượng địa vật lý trên trái đất. Đặc biệt, mối quan hệ mặt trời - trái đất có liên quan đến khí hậu, thời tiết và sinh quyển, ảnh hưởng đến sự sống của con người.

Thiên văn học có tác dụng to lớn trong việc giáo dục thế giới quan duy vật biện chứng. Trong vũ trụ có những trạng thái vật lý như độ chân không, nhiệt độ rất cao và rất thấp, khoảng không gian và thời gian vô cùng lớn mà con người rất khó tạo ra hoặc không thể tạo ra trên mặt đất, nên vũ trụ là phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại. Gần đây, ngành vũ trụ học hiện đại đã được các nhà vật lý hàng đầu thế giới quan tâm để nghiên cứu nguồn gốc các hạt cơ bản và lý thuyết thống nhất các loại tương tác vật lý.

Thiên văn học ở Việt Nam

Trong nửa đầu thế kỷ XX, thiên văn học đã được giảng dạy ở năm cuối của bậc trung học chuyên khoa trước khi thi tú tài (hệ thống giáo dục phổ thông của ta trước năm 1950 vẫn theo hệ thống của Pháp). Ở nước ta, đã có đài thiên văn ở Phủ Liễn (Hải Phòng), các GS Nguyễn Xiển, Nguyễn Thúc Hào đã thực tập ở các đài thiên văn của Pháp và là những thầy giáo dạy thiên văn trước năm 1950. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, do phải tinh giản chương trình học nên ở miền Bắc, môn thiên văn chỉ được dạy cho sinh viên vật lý ngành sư phạm. Ở miền Nam , có một số sách giáo khoa thiên văn bậc trung học nhưng chủ yếu dành cho ban tú tài toán. Vì vậy, hiện nay nhiều thuật ngữ thiên văn được sử dụng thiếu chính xác. Ví dụ, từ sao (star) là thiên thể tự phát sáng, hành tinh (planet) là thiên thể nguội quay quanh các ngôi sao, vệ tinh (satellite) là thiên thể nguội quay quanh hành tinh, trong ngôn ngữ của các nước đều có 3 từ khác nhau, nhưng ở nước ta nhiều người đã sử dụng từ sao để chỉ cả 3 loại thiên thể nói trên. Chúng ta biết rằng, hiện nay, kính thiên văn vũ trụ Hubble đã phát hiện được trên 150 hành tinh của các sao và sẽ phát hiện được các vệ tinh của các hành tinh ấy. Các sao tự phát sáng cũng có nhiều loại, nếu dùng từ sao để chỉ cả 3 loại thiên thể khác bản chất thì sẽ có sự lẫn lộn và không chính xác. Việc quan sát và nghiên cứu thiên văn ở nước ta trước những năm 90 cũng hầu như không có gì đáng kể. Vào thập niên 70 của thế kỷ XX, GS Nguyễn Xiển (lúc bấy giờ là Giám đốc Nha Khí tượng thuỷ văn) cũng đã cho mua một kính thiên văn QD đường kính 16 cm của Đức đặt tại Phủ Liễn, nhưng về sau, ngành khí tượng thuỷ văn không còn quản lý về thiên văn nên kính thiên văn này cũng không được sử dụng.

Ngày 24.4.1993, tại Hà Nội, gần 100 người hoạt động trong lĩnh vực thiên văn và yêu thiên văn đã tiến hành đại hội thành lập Hội Thiên văn - Vũ trụ Việt Nam. Hội Thiên văn - Vũ trụ Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ của Hội Thiên văn quốc tế trong việc tổ chức các hội thảo khoa học, cử hội viên tham gia các lớp bồi dưỡng nhà thiên văn trẻ ở các nước, biên soạn từ điển Bách khoa thiên văn và một số bảng tính thiên văn... Hội Thiên văn quốc tế cũng đã kết nạp 2 hội viên là người Việt Nam, cử một số GS của các nước như: Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Canađa sang Việt Nam báo cáo khoa học, cung cấp nhiều loại sách báo về thiên văn và hỗ trợ thiết bị dạy học cho một số trường đại học của Việt Nam. Đặc biệt, Hội Thiên văn Nhật Bản đã vận động Chính phủ Nhật Bản tài trợ (từ nguồn viện trợ không hoàn lại) cho Việt Nam một nhà chiếu hình vũ trụ (Planetarium) đặt tại thành phố Vinh (Nghệ An) trị giá 50 triệu yên (bao gồm các máy móc, thiết bị). Thế nhưng, thật đáng tiếc là nhà chiếu hình vũ trụ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam này lại không được quan tâm khai thác (nó nằm trong một công viên ở trung tâm thành phố, vừa qua được chính quyền địa phương bàn giao cho một công ty tư nhân quản lý). Ngoài ra, Nhật Bản còn tài trợ cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội một kính thiên văn trị giá 50 triệu yên (là kính thiên văn lớn nhất Việt Nam hiện nay), nhưng không có chuyên ngành đào tạo về thiên văn nên hiệu suất sử dụng rất thấp. Mặt khác, nhiều nhà khoa học trẻ có bằng tiến sỹ về thiên văn đã được đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây và ở các nước phát triển trong những năm gần đây khi thấy ngành này không được quan tâm nên đã bỏ đi làm việc khác.

Hiện nay, khoa vật lý của các trường đại học và cao đẳng sư phạm đều có bộ môn thiên văn. Ngoài ra, ở các khoa địa lý, trắc địa đại địa, hàng hải, hàng không, thuỷ sản, khí tượng cũng có dạy môn thiên văn, nhưng do ở nước ta chưa có cơ sở đào tạo sau đại học về thiên văn học nên các cán bộ dạy môn này phải đi học thạc sỹ, tiến sỹ các chuyên ngành khác. Nhìn chung, thiên văn học ở Việt Nam còn thua xa các quốc gia trong khu vực và thế giới, kể cả các quốc gia có trình độ kinh tế, khoa học và công nghệ tương đương nước ta. Các nhà khoa học, nhà giáo lão thành như GS Nguyễn Thúc Hào, các GS đã quá cố Nguyễn Xiển, Phó Đức Tố, Nguyễn Văn Chiển cũng đã từng phàn nàn về sự tụt hậu này.

Một vài kiến nghị

Việc lãng quên một ngành khoa học có ý nghĩa như thiên văn học là điều thật đáng tiếc, không thể kéo dài lâu hơn nữa. Để góp phần thúc đẩy phát triển lĩnh vực này ở nước ta trong thời gian tới, chúng tôi xin có một vài kiến nghị:

Một là,Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập hợp cán bộ để mở mã ngành đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ về thiên văn học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (nhằm đào tạo giáo viên thiên văn cho các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước). Để việc đào tạo được thuận lợi, thu hút được nhiều nghiên cứu sinh, cần thực hiện liên kết với các viện nghiên cứu thiên văn và các trường đại học ở nước ngoài để khai thác các thiết bị mà ở trong nước chưa có.

Hai là,cần xây dựng bộ môn thiên văn vô tuyến tại 2 đại học quốc gia (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) để đào tạo cán bộ về chuyên ngành hiện đại và có nhiều ứng dụng này.

Ba là,để bổ sung đội ngũ những người nghiên cứu thiên văn, cần đưa các sinh viên giỏi ra nước ngoài học tập và tạo điều kiện cho các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia công tác đào tạo và đóng góp cho đất nước.

Bốn là,đầu tư các trang thiết bị tối thiểu cho các trường đại học và cao đẳng có giảng dạy môn thiên văn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Năm là,xây dựng thêm một số nhà chiếu hình vũ trụ và đài quan sát thiên văn ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để phổ biến kiến thức về thiên văn học.

Xem Thêm

Đắk Lắk: Góp ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Ngày 13/6, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức góp ý kiến đối với dự thảo kế hoạch tổ chức hội nghị lấy ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Hà Giang: Góp ý dự thảo sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm
Ngày 13/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) tỉnh đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá (CLSPHH). Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hộivà các chuyên gia TVPB.
Đắk Lắk: Hội nghị phản biện Dự thảo Nghị quyết về bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở
Sáng ngày 27/5/2025, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk (Liên hiệp hội) đã diễn ra Hội nghị phản biện và góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đắk Lắk về việc quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Tin mới

Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập hợp, đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Kể từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập ngày 26/03/1983, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đã thực sự trở thành những mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển cả về tư duy chính trị lẫn phương thức hoạt động của toàn hệ thống.
Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.