Thế nào là người có học ?
Đòi hỏi về người tài dường như đang tăng lên mạnh mẽ khiến nhiều tổ chức đã không chậm trễ hướng các hoạt động của họ vào việc đáp ứng đòi hỏi này. Thí dụ như một số hãng thực phẩm nào đó đã cố gắng tung ra thị trường những loại sữa có chứa những chất có thể góp phần quan trọng vào chất lượng của những người tài trong tương lai.
Rồi người ta cũng không ngần ngại may sắm những bộ áo mũ dành cho các vị tân khoa ngày đăng quang cho cả trẻ nhỏ đang giữa chừng cấp một. Thật là:
“Mảnh vải làm nên thân giáp bảng”.
Cứ cái đà này (mà theo ông Nguyễn Xuân Hãn, giáo sư Đại học Quốc gia Hà Nội, thì số lượng tiến sĩ của ta đã đạt mức cao nhất trong khu vực, kém chăng chỉ là về số lượng các công trình công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế mà thôi) thì trong chương trình “Làm giàu không khó” của VTV, có lẽ các nhà tư vấn cũng nên bàn đến đề xuất của cụ Tú ở Hàng Nâu Nam Định: đi buôn lọng! Tất nhiên, phải thay đổi mẫu mã cho phù hợp với thời đại.
Khi bàn đến người tài, lẽ tự nhiên ai cũng phải đặt câu hỏi: Vậy thì thế nào là người tài ? Một cách trả lời dễ hiểu là kể ra một số nhân vật mà do những bằng chứng hiển nhiên về cuộc đời và sự nghiệp, không ai không thừa nhận họ là người tài.
Thí dụ như ông Albert Einstein (nếu ông ở Việt Nam thì nhiều người sẽ gọi ông là “giáo sư viện sĩ” Einstein), người mà năm 2005, để nhớ lại những khám phá của ông đã làm thay đổi cái nhìn của chúng ta về thế giới 100 năm trước đó, Liên Hợp Quốc đã tuyên bố năm này là “Năm Vật lý Quốc tế”, và cộng đồng khoa học thế giới thì gọi là “Năm Einstein”. Một trong những cái tài của ông mà các nhà nghiên cứu cũng như các cơ quan quản lý khoa học và công nghệ (KH&CN) của ta nên chú ý là ông đã hoàn thành các công trình có tính chất lịch sử đó mà không hề bước chân đến một cơ quan tài trợ nào để đăng ký đề tài và xin cấp kinh phí !
Ởnước ta, những người không xin tiền Nhà nước để có thể tiến hành các công trình nghiên cứu cũng không ít. Xin được nhắc đến ông Hoàng Xuân Hãn và cũng chỉ kể một công trình của ông - đó là quyển “Danh từ khoa học”. Có thể nói cho đến nay, ít người có thể đánh giá được hết tầm quan trọng của công trình này đối với sự phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ của nước ta, hãy chỉ nói ở những phạm vi như vậy. Không có cuốn “Danh từ” của ông Hãn thì năm 1945, dù với tinh thần tự chủ của một dân tộc đã thoát khỏi xiềng xích của thực dân Pháp và phát xít Nhật, ta không thể bắt tay ngay vào việc giảng dạy khoa học bằng tiếng Việt ở các trường trung học và đại học; và việc truyền bá kiến thức khoa học (mà đằng sau đó, trực tiếp và gián tiếp, là các tư tưởng tiến bộ về tự do và dân chủ) cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1959, sau khi Uỷ ban Khoa học Nhà nước được thành lập, một trong các hoạt động tạo cơ sở cho sự phát triển lâu dài KH&CN của đất nước đã được thực hiện rất tích cực là tổ chức biên soạn (với mục đích chuẩn hóa) các thuật ngữ KH&CN. Cuốn “Danh từ Hoàng Xuân Hãn” (một cách gọi quen thuộc về cuốn sách kể trên) tự nhiên đã được sử dụng như là một tài liệu cơ sở của các nhà biên soạn thuật ngữ của ta lúc bấy giờ. Cái động lực đã thúc đẩy ông Hoàng Xuân Hãn hoàn thành công trình khoa học lớn đó rõ ràng chính là tâm huyết của ông đối với tương lai của đất nước; và ngoài ra là cái học vấn uyên thâm Đông Tây kim cổ mà ông đã có được bằng sự kiên trì lao động.
Trong số các trí thức lớn của Việt Nam được đào tạo (hoặc tự đào tạo) theo khoa học phương Tây vào khoảng giữa những năm 1920 và 1930, giáo sư Hoàng Xuân Hãn, với tài năng của mình, với con đường mà ông đã lựa chọn, và với sự tự lực thực hiện ý đồ của mình theo những công việc cụ thể, đã làm nên một sự nghiệp không nhỏ, có ích cho dân cho nước.
Chúng ta đều biết ở mọi lĩnh vực hoạt động trong xã hội - khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật, kinh tế, v.v...- đều có những con người được gọi là có tài, có những người mà tài năng của họ ai cũng thừa nhận, nhưng cũng có những người mà sự khen chê lại rất khác nhau và thay đổi lên xuống theo từng giai đoạn phát triển lĩnh vực của họ và nói chung của đất nước. Xem xét vấn đề này một cách có hệ thống là cả một công trình nghiên cứu công phu, một công trình như vậy nếu có người đảm nhận, Nhà nước nên dành kinh phí cho họ, chí ít cũng là để thể hiện sự hiểu biết của các cơ quan có trách nhiệm. ở đây, chúng tôi chỉ có thể làm một việc đơn giản là cung cấp cho các bạn đọc quan tâm một số ý kiến chọn lọc chúng tôi đã đọc được để các bạn tham khảo trong suy nghĩ của mình về vấn đề người tài quả là rất lớn lao nhưng rất không đơn giản.
Trước hết, tôi cũng xin trích dẫn một số ý kiến của người xưa mà các cụ Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân đã kể lại trong cuốn “Cổ học Tinh hoa” được nhiều người hâm mộ.
Ta hãy đọc một đoạn trong bài “Thực học” (Khuyết danh): “Người ta đi học cần cái gì, chỉ cần học làm cho có sự thật, học nói cho khỏi vọng ngôn, học biết mọi vật cho tinh, học xử với mọi người cho phải. Học chỉ thế thôi... Cố học cho được hiểu trọn vẹn, chớ hiểu dở dang, cố học cho kỳ được, đến nơi đến chốn, chớ có tự mãn tự túc. Thế mới đáng gọi là người học giả”.
Bình luận về ý kiến trên, các cụ Ôn như và Tử An đã viết thật là chí lý: “... người đi học thì nhiều, người hữu dụng thì ít; đời mới than phiền: “hiếm nhân tài” ! “. Lời bình này quả là rất gần với ý kiến ông Hãn ngày nay: tiến sĩ của ta thì rất nhiều mà người có công trình khoa học trình độ quốc tế thì rất ít. “Học giả” của ta ngày nay quá ít nhưng học “giả” thì đầy rẫy !
Trong số những ý kiến của người nay bàn về người có học, có lẽ đáng lưu ý là ý kiến của ông H. Zemanek trong báo cáo “Một số khía cạnh triết học của xử lý thông tin” đọc tại Lễ kỷ niệm lần thứ 10 của IFIP (Liên đoàn quốc tế về xử lý thông tin, 25-10-1970, ở Amsterdam), khi ông so sánh con người với máy tính. Tôi đọc bài này trong một chuyến khảo sát tại Hungari năm 1983 và chỉ vội ghi được vài dòng vắn tắt như sau:
Một số cơ quan đã chia con người thành 3 loại:
1. Không có học (uneducated): Những người chỉ thấy sự không có trật tự (disorder);
2. Nửa học (half-educated): Những người nhìn thấy các quy luật (rules) và tuân theo (follow) các quy luật. Máy tính có thể so sánh với những người này;
3. Có học (educated): Những người nhìn thấy các ngoại lệ và đánh giá được các ngoại lệ (appreciate the exceptions).
Trong hơn hai mươi năm nay, thỉnh thoảng, khi nhìn thấy hoặc nhớ lại một hành động nào đó được thực hiện mà hiệu quả kém, thậm chí có hậu quả rất nghiêm trọng, tôi lại nhớ đến ý tưởng đó. Đánh giá những hành động như vậy, người ta thường kêu tác giả của nó là “máy móc”. Theo sự phân tích của ông Zemanek thì đó chính là kết quả của sự có học một nửa.
Một trường hợp rất đáng kể mà chúng ta cần xem xét là mối liên quan giữa “khoa học” và “hành động”. Ta có thể nghĩ rằng hành động đúng phải là hành động có cơ sở khoa học (ở đây ta tạm không bàn đến hai chữ “khoa học”). Thực ra ý nghĩ đó không hoàn toàn đúng. R. L. Ackoff, nhà vận trù học có tiếng của nước Anh, đã viết rất hay về vấn đề này (trong quyển “Scientific method”, 1962) như sau: “Cũng có nhiều tình huống cần có một câu trả lời hay một giải pháp rất nhanh (thí dụ, các tình trạng khẩu cấp). ở đây, không bằng một câu trả lời tốt nhất, nhưng là một câu trả lời thích hợp nhận được “kịp thời” thì phải được coi trọng hơn câu trả lời tốt hơn nhưng chậm trễ”. Nói một cách vắn tắt, không khoa học mà kịp thời thì hơn là khoa học nhưng không kịp thời. Hành động thì cần phải như vậy, vì hành động là một quá trình xã hội, một quá trình có liên quan đến con người, do đó mang tính không thuận nghịch - “mũi tên” của thời gian. Có lẽ đây cũng là một chỗ để xét một người là “có học” hay chỉ là “có nửa học”.
Hiểu được thế nào là người có học, thế nào là người tài quả thật là không đơn giản. Những ý kiến của Zemanek và Ackoff chúng tôi giới thiệu ở trên có thể là rất đáng chú ý đối với các bạn đọc đang quan tâm đến vấn đề này. Hy vọng rằng các cơ quan có trách nhiệm về đào tạo nhân tài, đã và đang có kế hoạch thành lập những trường “đào tạo nhân tài”, thậm chí đã có kế hoạch cụ thể sản xuất mấy nghìn nhân tài gì đó cũng sẽ để ý đến những ý kiến ấy.