Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Ngày 23-10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo phổ biến kiến thức “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”.
Đến dự và chỉ đạo tại Hội thảo có PGS.TS Phạm Thế Nghĩa, Uỷ viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam; Phó giáo sư tiến sĩ Dương Anh Đức, thành uỷ viên, Phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh; GS.TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp hội Tp.HCM và hơn 100 đại biểu đại diện LHH các tỉnh, thành: Bình Phước, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, một số Viện nghiên cứu, Trường đại học... tại Tp.HCM.
PGS.TS Dương Anh Đức, Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo.
Là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp Việt Nam vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế và đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm qua. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tăng trưởng nông nghiệp đang giảm dần và khả năng cạnh tranh của Việt Nam với vai trò là nhà cung cấp hàng hoá rời rạc, không có sự khác biệt, đang là những dấu hiệu cảnh báo khiến ngành nông nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh về lao động, đất đai và các nguồn lực khác.
Theo Cục thống kê, trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam hiện nay, ngành nông nghiệp mặc dù đóng góp cho ngân sách không lớn, với tỷ trọng chỉ chiếm 13,96%; và tăng trưởng chỉ đạt mức thấp 2,01% do dịch bệnh, hạn hán và biến đổi khí hậu nhưng nông nghiệp lại có vai trò đóng góp lớn đối với đời sống nông dân nói riêng và nhân dân cả nước nói chung, với nhiệm vụ cao cả là đảm bảo an ninh lương thực.
Quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản càng cao; cùng với diện tích đất bị thu hẹp do đô thị hoá, do biến đổi khí hậu trong khi dân số ngày càng tăng nên nhu cầu lương thực cũng không ngừng tăng lên... là những thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Do đó, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) là xu hướng tất yếu cho việc phát triển nền nông nghiệp nước nhà.
Tại Hội thảo, PGS.TS Dương Hoa Xô, PCT Liên hiệp hội Tp.HCM đã đặt ra vấn đề với tiềm năng và ưu thế của mình, Tp.HCM có lợi thế trong việc nghiên cứu sản xuất giống cây trồng, vật nuôi cung cấp cho thị trường khu vực. Thành phố cũng là nơi đi đầu cả nước trong việc triển khai nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Phượng, Viện Công nghiệp và môi trường, Liên hiệp hội Tp.HCM đã nêu lên những thực trạng về vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp là vấn đề nhức nhối ở hầu hết các tỉnh, thành và đưa ra một số hướng xử lý chất thải như: Quy trình tiên tiến xử lý chất thải nuôi heo: biogas -> hiếu khí -> khử Nito -> wetland; xử lý mùi hôi từ các trang trại chăn nuôi bằng phương pháp sinh học; Công nghệ xử lý và tái sử dụng nước thải nuôi trồng thuỷ sản, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu an toàn sinh học và giải pháp cách ly khi phun thuốc...
Hội thảo đã tạo sự kết nối giữa các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu, đào tạo với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp các nhà nông trong khu vực phía Nam; chia sẻ kinh nghiệm, các kết quả thành công thực tiễn áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp; góp phần đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp nước ta phát triển bền vững.
Chiều cùng ngày các đại biểu sẽ đến tham quan Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu về quá trình nghiên cứu, lai tạo các loại cây giống thành công đang được áp dụng trong cả nước.
Kiên Cường
Văn phòng LHH Bình Phước