Thanh Hoá: Tổng kết dự án quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng
Sáng 17/9, Liên hiệp hội Thanh Hóa đã tổ chứcHội nghị tổng kết Dự án“Quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng để tăng cường khả năng chống chịu với rủi ro biến đổi khí hậu ở tỉnh Thanh Hóa” .
Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 9/2021 đến nay với tổng số vốn là 380.000 EUR, do Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn quản lý tài nguyên và Thích ứng biến đổi khí hậu (CORENACCA) trực thuộc Liên hiệp hội làm chủ dự án.
Ban Chấp hành Liên hiệp hội đã khen thưởng cho 11 cá nhân có thành tích xuất sắc tham gia thực hiện Dự án
Dự án được Tổ chức Bánh Mỳ cho Thế giới ký thỏa thuận tài trợ ngày 07/10/2021 với mục đích: Nâng cao khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển tại các xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc), Nga Thủy và Nga Tân (huyện Nga Sơn) của tỉnh Thanh Hóa thông qua các hoạt động quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng.
Trong 3 năm triển khai, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song Trung tâm CORENACCA luôn bám sát vào chủ trương, chính sách của Nhà nước và tỉnh; các cơ chế, chính sách cụ thể của 2 huyên Hậu Lộc và Nga Sơn để xây dựng được chu trình thực hiện Dự án một cách khoa học và thực tiễn.
Theo báo cáo tại hội nghị, Dự án đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động tại 3 xã vùng dự án và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo lòng tin và sự tham gia tích cực của người dân địa phương đối với việc quản lý và phát triển rừng ngập mặn. Cụ thể là: Nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng của cán bộ chính quyền địa phương; xây dựng 1 vườn ươm cây giống và trồng rừng ngập mặn xen đa tầng tán; thí điểm đo lường hấp thụ cacbon của rừng ngập mặn; tổ chức khảo sát thực trạng sinh kế người dân vùng Dự án và hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi ong lấy mật, nuôi vịt biển, trồng cói và rau an toàn không sử dụng phân hóa học… Dự án đã đón tiếp nhiều đoàn khách đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và được đánh giá cao về kết quả đạt được, khẳng định hiệu quả rõ rệt đối với cộng đồng.
Tuy nhiên, do hạn chế về thời gian, một số hoạt động không thực hiện đúng theo kế hoạch, như: việc hỗ trợ các mô hình sinh kế chậm làm ảnh hưởng tới hiệu quả của mô hình; hiệu quả tương tác, hỗ trợ của người dân còn hạn chế; chưa lồng ghép được các kế hoạch của Dự án với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương…
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các huyện, xã vùng dự án và các hộ dân đã chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn trong quá trình tham gia Dự án; đồng thời đề xuất một số ý kiến đóng góp để Dự án hoạt động hiệu quả và bền vững.