Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 14/07/2005 14:42 (GMT+7)

Thành công ca ghép gan thứ 2: Bước tiến mới của y học Việt Nam

19 giờ 30 phút tối 2-7-2005, hội trường lớn của Bệnh viện Nhi TƯ đang chìm trong bóng tối (phải tắt điện để chiếu màn hình truyền hình ảnh trực tiếp từ phòng mổ) bỗng ran lên tiếng vỗ tay của hằng trăm người (là người nhà bệnh nhân, các y bác sĩ bệnh viện và rất đông các phóng viên) khi PGS-Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc bệnh viện xuất hiện trong bộ blu màu trắng. Ông là một trong những người tham gia chính trong ca ghép gan lần này.

Với một giọng rất hồ hởi, ông Liêm thông báo: đến giờ phút này ca mổ đã thành công. 20 giờ 20 phút, sau khi tiến hành khâu đóng ổ bụng bệnh nhân, ca mổ kết thúc và thành công ngoài mong đợi, lại thêm nhiều tràng pháo tay rộ lên.


Theo ông Liêm, ca ghép gan thứ hai này có rất nhiều điều đặc biệt, vì vậy đã diễn ra phức tạp hơn rất nhiều so với ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam (được Viện 103 thực hiện vào đầu năm 2004 cho em Nguyễn Thị Diệp, ở Nam Định). Theo dự kiến ban đầu của các chuyên gia, người nhận gan là em Hoàng Anh Tuấn chưa bị phẫu thuật lần nào thì việc cắt bỏ đi phần gan bệnh sẽ dễ dàng.


Tuy nhiên, khi mổ ra, do bị xơ gan đã lâu khiến máu phải về tim bằng nhiều tĩnh mạch phụ, vì vậy thời gian cắt gan đã kéo dài hơn so với dự kiến do phải nối nhiều tĩnh mạch. Mặt khác, cơ thể người cho gan là bố em, ông Hoàng Văn Thanh, 46 tuổi cũng đã có rất nhiều bất thường, nhất là về đường mật. Ban đầu các bác sĩ định lấy gan trái, nhưng sau phải chuyển sang lấy gan phải do đường mật có dị dạng.


Ngoài ra, phần gan cho cũng có tới 2 tĩnh mạch gan (người bình thường chỉ có 1), vì vậy phải tiến hành nối 2 tĩnh mạch, nên thời gian lấy gan diễn ra rất lâu. Thời gian của ca mổ vì vậy đã kéo dài hơn so với dự kiến. Cũng theo ông Liêm, ở ca ghép gan thứ nhất đã không có những bất thường như vậy, và đây cũng là điều không thể biết trước.


Tuy nhiên, với những điều trái dự kiến này, kíp mổ chỉ phải làm việc thêm thời gian, còn kỹ thuật phẫu thuật hoàn toàn được bảo đảm. Đó cũng là kết quả tốt đẹp của sự phối hợp nhịp nhàng, chuẩn xác giữa các chuyên gia Việt Nam và chuyên gia Hàn Quốc.


Ca ghép gan chỉ cần tới 6 đơn vị máu (trong khi bệnh viện đã chuẩu bị sẵn sàng tới gần 100 đơn vị máu). Ông Hoàng Văn Thanh, sau hơn 7 giờ đồng hồ phẫu thuật để lấy một phần gan của mình (556g) cho con trai đã ổn định sức khoẻ.


Để thực hiện ca ghép gan này, trong phòng mổ trực tiếp chỉ có 28 chuyên gia, bác sĩ, trong đó có 9 chuyên gia từ Hàn Quốc sang, nhưng tổng cộng những người tham gia phục vụ ca mổ đặc biệt này (cả vòng trong và vòng ngoài) lên đến 100 người. Những người trực tiếp tham gia ca mổ đã có mặt tại bệnh viện từ 5,6 giờ sáng, chuẩn bị sẵn sàng cho một ngày làm việc không nghỉ ngơi.


Tất cả 7 kíp phẫu thuật (lấy gan, rửa gan, ghép, vi phẫu, nối mật ruột, gây mê hồi sức, hồi sức sau phẫu) đều túc trực tại phòng mổ. Bữa cơm trưa vội vàng diễn ra tại phòng chờ cạnh bên phòng mổ. Thậm chí, những người tham gia kíp lấy gan, vì phải tiến hành rất lâu nên đến tận 5 giờ chiều mới được ăn bữa trưa.


Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi, để phục vụ cho ca mổ này, tất cả các phòng, khoa của bệnh viện, từ điện, nước, sinh hóa, xét nghiệm, bảo vệ...đều ứng trực từ 5 giờ sáng ngày 2-7 để sẵn sàng giải quyết những vấn đề phát sinh ngoài dự kiến. Sau ca mổ, PGS-Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm cũng thổ lộ, “cả đêm 1-7 tôi không ngủ được vì hồi hộp, nhưng bây giờ thì tốt lắm rồi”.

Ngồi trước màn hình lớn chiếu hình ảnh trực tiếp từ phòng mổ, ông Hoàng Văn Phú, năm nay 68 tuổi, ông nội của Hoàng Anh Tuấn nhuốm vẻ mặt căng thẳng và đầy xót thương. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi chuyện, người đàn ông đầy vẻ lam lũ này lại rất bình tĩnh. “Chúng tôi hồi hộp lắm nhưng lại rất tin tưởng vào các bác sĩ. Sau ca mổ đau đớn này, cháu nó sẽ được sống một cuộc sống không còn khổ sở vì những cơn đau”, ông Phú nói.

Hoàng Anh Tuấn là con trai út trong một gia đình nông dân nghèo có 4 người con ở xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ. Nhưng 4-5 năm nay, vì làm ruộng không đủ sống, cả gia đình đã dắt díu nhau đến thị xã Hòa Bình thuê nhà ở và đi làm thuê, buôn bán vặt vãnh kiếm sống qua ngày (anh trai đầu của Tuấn là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội, chị gái thứ hai bỏ học ở nhà phụ bố mẹ, chị gái thứ 3 đang học lớp 11).

Tuấn bị mắc bệnh xơ gan cổ chướng từ năm 2003. Vì không có tiền chữa chạy, gia đình đã lần mò thuốc lá ở khắp mọi nơi cho em uống, thế nhưng sức khỏe em càng ngày càng yếu đi. Ngày 23-5-2005, Tuấn được đưa đến bệnh viện Nhi TƯ trong tình trạng mê sảng, bụng trướng to, ăn uống rất khó.

Tại đây, với quyết định của bệnh viện Nhi, em đã được ghép gan để bắt đầu lại một cuộc sống mới. Khi PGS-TS Nguyễn Thanh Liêm thông báo kết quả ca mổ, mẹ em, ông nội, các chú, cô đều đã bật khóc. Gia đình cũng rất yên tâm vì ngoài việc miễn toàn bộ chi phí khoảng 700 triệu đồng cho ca ghép gan này, bệnh viện dự tính sẽ lo thuốc chống thải ghép cho bệnh nhân khoảng 4 năm (từ 4 - 5 triệu đồng/tháng) sau đó sẽ đề nghị Bảo hiểm xã hội chi trả.

Nguồn: nld.com.vn   3/7/2005

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

Công đoàn VUSTA hướng về Điện Biên
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một “Dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Mảnh đất cuối trời Tây Bắc – nơi ghi dấu ấn của chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là nơi là người dân cả nước những ngày này luôn hướng về với niềm tự hào và tri ân sâu sắc.
Những trí thức đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Làm nên thắng lợi đó, có những đóng góp tâm sức và trí tuệ quý báu của đội ngũ trí thức, của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).