Thận trọng khi khai thác bể than sông Hồng
Tiềm năng nhưng nhiều rủi ro
Ngày 4/12/2018, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức “Đánh giá tiềm năng khai thác và sử dụng bể than đồng bằng sông Hồng”.
Tại hội thảo các chuyên gia đều khẳng định, bể than sông Hồng là tiềm năng lớn, nếu được khai thác có thể tạo ra được nguồn thu ngân sách lớn; cũng như mở ra một số ngành công nghiệp mới. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng khẳng định bể than sông Hồng có đặc điểm trầm tích chứa than, địa chất công trình, thủy văn, môi trường, tai biến địa chất hết sức phức tạp với tài liệu hiện có còn rất hạn chế...
TS. Đào Văn Thịnh, Viện Địa chất và Môi trường, Tổng Hội Địa chất Việt Nam cho biết, bể than sông hồng (BTSH) có tiềm năng tài nguyên than rất cao (cao nhất Việt Nam). Nếu tính đến độ sâu -3500m thì tổng tài nguyên than đạt 210 tỷ tấn, gấp 20 lần bể than Quảng Ninh được chia thành 8 vùng tài nguyên than. Việc khai thác than BTSH rất khó khăn do nhiều yếu tố. Thứ nhất, điều kiện địa chất – mỏ, địa chất thủy văn- địa chất công trình, kiến tạo, địa chấn của bể than rất phức tạp, nguy cơ xảy ra các rủi ro khi thác than ở dưới sâu. Than có mặt ở độ sâu quá cao : đa số các vỉa than nằm ở khoảng độ sâu từ -300m đến -1200m, độ sâu tối đa đạt trên 3000m; Đá vách, đá trụ của các vỉa than mềm yếu, có sức bền cơ lý kém; Trên phạm vi BTSH có các đứt gãy kiến tạo cỡ khu vực chạy qua và đa số chúng là các đứt gãy đang hoạt động, đứt gãy sinh chấn, gồm đứt gãy Sông Hồng, Sông Chảy, Sông Lô, Vĩnh Ninh; Diện tích BTSH nằm trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng bởi động đất.
Đồng quan điểm PGS.TS. Lưu Đức Hải, Hội Kinh tế môi trường Việt Nam cũng khẳng định, bể than Sông Hồng là tiềm năng lớn về năng lượng hóa thạch của Việt Nam, nếu được khai thác có thể tạo ra được nguồn thu ngân sách lớn; cũng như mở ra một số ngành công nghiệp mới. Nhưng việc khai thác bể than Sông Hồng bằng các công nghệ hiện có là hầm lò và UCG tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực to lớn đến môi trường và kinh tế xã hội của toàn vùng do các vỉa than nằm sâu dưới các tầng nước ngầm trong các địa tầng kém gắn kết.
Không khai thác bằng mọi giá
TS. Đào Văn Thịnh cho rằng cần nghiên cứu chi tiết và cụ thể về đặc điểm địa chất mỏ, địa chất thủy văn, địa chất công trình trước hết tại các khu mỏ than dự kiến khai thác thử nghiệm; cần lựa chọn công nghệ khai thác than phù hợp nhất, an toàn nhất trong điều kiện cụ thể; cần tiến hành đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tổng quan (chiến lược) và chi tiết cụ thể tại từng khu mỏ; cần tiếp tục mời các tổ chức tư vấn nước ngoài cùng tham gia nghiên cứu hoặc các nghiên cứu riêng rẽ một số vấn đề nan giải về kỹ thuật – công nghệ khai thác bể than sông Hồng…
Vị trí bể than sông Hồng
GS.TS Tạ Đức Thịnh, Hội Địa chất công trình Việt Nam khuyến nghị cần tiếp tục triển khai công tác điều tra, thăm dò để đánh giá chính xác trữ lượng, chất lượng bể than sông Hồng làm căn cứ hoạch định chính sách an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, việc thăm dò phải lập kế hoạch chi tiết, có định hướng và theo từng giai đoạn trên cơ sở tận dụng tối đa các tài liệu đã có, hạn chế khoan các hố khoan sâu, tránh lãng phí.
Ngoài ra, cần mời các đối tác nước ngoài tiếp tục nghiên cứu về công nghệ khai thác hầm lò (Ba Lan), về công nghệ khí hóa than ngầm (Úc, Nhật, Ấn Độ Trung Quốc, Mỹ,). Đồng thời, khẩn trương cử người đi đào tạo, học tập kinh nghiệm ở những nước đã và đang triển khai có hiệu quả về công nghệ khí hóa than ngầm.
Cánh đồng lúa và khu dân cư trù phú ở đông nam huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Vị chuyên gia này cũng khuyên nên triển khai công tác khai thác than thử nghiệm bằng công nghệ khí hóa than ngầm ở những vị trí đã thăm dò chi tiết trên nguyên tắc không ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của người dân. Tuy nhiên, trước khi khai thác thử nghiệm phải nghiên cứu chi tiết, kỹ lưỡng điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn khu vực khai thác và làm rõ hiệu quả kinh tế của việc khai thác. Chỉ sau khi có kết quả khai thác thử nghiệm mới tiếp tục xem xét có nên khai thác bể than sông Hồng hay không?
“Việc khai thác bể than sông Hồng là vấn đề rất lớn, phức tạp, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng. Nếu trước mắt chưa đủ điều kiện khai thác thì nguồn tài nguyên quý giá này sẽ được để lại cho các thế hệ mai sau. Trong tương lai, với sự phát triển nhanh chóng về khoa học và kỹ thuật, chắc chắn sẽ có công nghệ khai thác bể than phù hợp, đảm bảo hiệu quả kinh tế và không gây tác động xấu đến môi trường sinh thái, xã hội vùng đồng bằng Sông Hồng. Vì vậy, không nhất thiết phải khai thác bể than Sông Hồng bằng mọi giá”- GS.TS Tạ Đức Thịnh.