Thái Bình: Liên hiệp Hội phản biện Đề án Quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh
Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn, phản biện ở các hội ngành Trung ương: PGS.TS.Bùi Văn Trường, Phó trưởng Bộ môn Địa kỹ thuật Đại học Thủy lợi, PGS.TS. Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Trung ương Hội Kinh tế Môi Trường Việt Nam; PGS.TS Đào Trọng Tứ – Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu; các nhà khoa học, quản lý ở tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, đại diện chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thực hiện lập quy hoạch.
Theo nhận xét của Hội đồng phản biện: Báo cáo tổng hợp Đề án “Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Thái Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” đã nghiên cứu, xem xét đánh giá, tính toán, dự báo nhu cầu sử dụng nước, đánh giá tiềm năng nguồn nước mặt, xác định các vấn đề nổi cộm trong khai thác sử dụng tài nguyên nước, dự báo xu thế diễn biến tài nguyên nước trong quy hoạch; tính toán, phân bổ, bảo vệ tài nguyên nước cho các ngành dùng nước trên địa bàn tỉnh qua đó lựa chọn phương án phù hợp để đề xuất các giải pháp quản lý, phân bổ, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tai hại do nước gây ra một cách hợp lí, bền vững.
Quy hoạch cũng đã đề xuất 06 nhóm các giải pháp bao gồm các giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về cơ cấu tổ chức, quản lý điều hành; giải pháp về đầu tư và huy động nguồn lực; giải pháp về tăng cường năng lực và sự tham gia của các bên liên quan; giải pháp về phát triển nguồn nước; giải pháp về về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường nước. Đồng thời đề xuất 10 dự án cần phải thực hiện cũng như kinh phí, kế hoạch và tiến độ thực hiện của 10 dự án trong kỳ quy hoạch...
PGS.TS Đào Trọng Tứ – Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu trình bày phản biện Báo cáo quy hoạch tại Hội thảo
Tuy nhiên, các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn, phản biện đã chỉ ra rằng bản Báo cáo tổng hợp Dự án quy hoạch này còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Quá trình khảo sát, thống kê còn nhiều sai sót, không sát thực tế, không thấy bản chất. Các phương án phân bổ nguồn nước, bảo vệ nguồn nước và hạn chế tác hại do tài nguyên nước gây ra chưa cụ thể, rõ ràng, có phần thiếu, có phần thừa; và đặc biệt kết luận huyện Đông Hưng, huyện Tiền Hải thiếu nước là không thực tế; Phần bản đồ thể hiện sai, thiếu, không minh họa được thuyết minh; Phương pháp tiếp cận, điều tra hiện trạng và xây dựng các phương án Quy hoạch tài nguyên nước không mang tính kế thừa thực tế khách quan và chưa khẳng định được bản chất về số lượng, chất lượng của tài nguyên nước. Các giải pháp đưa ra cần cụ thể hơn. Đồng thời cần rà soát các dự án đề xuất để thực hiện quy hoạch theo nội dung và thứ tự ưu tiên theo các giai đoạn. Trong tổ chức thực hiện cần chú ý sự phối hợp, đồng bộ giữa các ngành, bộ phận…