Thái Bình: Liên hiệp Hội phản biện Đề án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Theo nhận xét của Hội đồng phản biện: Báo cáo tổng hợp Đề án “Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình và hội nhập quốc tế đến năm 2025” có mục tiêu, nội dung cụ thể rõ ràng, phù hợp với định hướng, yêu cầu, lộ trình sắp xếp, tinh gọn các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; có hình thức trình bày tương đối rõ ràng. Nhóm nghiên cứu đã thu thập khá đầy đủ số liệu về thực trạng giáo dục nghề nghiệp tại tỉnh (từ quy mô trường lớp, số lượng, chất lượng đội ngũ đến điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị), có đối chiếu với quy chuẩn, với những nhận xét, đánh giá cụ thể, giúp độc giả nắm được bức tranh toàn cảnh của giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thái Bình.
Tuy nhiên, các chuyên gia tư vấn, phản biện đã chỉ ra rằng bản Báo cáo tổng hợp Đề án còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Quá trình khảo sát, thống kê còn nhiều sai sót, Đề án chưa đề cập đến hướng phát triển, sáp nhập hoặc giải thể đối với trường Trung cấp nghề Kinh tế kỹ thuật công nghiệp; Về đào tạo nghề cho người khuyết tật: Đề nghị đưa vào đề án việc sáp nhập Trung tâm dạy nghề cho người tàn tật vào trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật vì tương đồng về chức năng, nhiệm vụ và tập trung nguồn lực để phát triển trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật đồng thời phù hợp với tinh thần của nghị quyết 19, hội nghị BCH trung ương 6, khóa XII.
Trong phần thứ nhất của Đề án nên bổ sung các nội dung như: Trình độ tay nghề học sinh, SV tốt nghiệp được nhà trường, doanh nghiệp đánh giá ntn; tỉ lệ tìm được việc làm đúng ngành nghề đào tạo ... để phản ánh kết quả công tác giáo dục nghề nghiệp. Đây là những nội dung thiết yếu của phần thức trạng; thông tin về số lượng CBQL, GV của từng loại hình cơ sở GDNN: cần, có, cân đối thừa thiếu so với nhiệm vụ hiện nay. Có như vậy mới có đầy đủ căn cứ xây dựng đội ngũ. Đề án cũng cần chú ý xem xét lại phần phụ lục cũng như kiến nghị, đề xuất nhằm đảm bảo tính khả thi cho Đề án.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các ngành, Hội đồng phản biện yêu cầu: các cơ quan chuyên môn của tỉnh cần rà soát, chỉnh sửa, bổ sung bố cục và hoàn thiện nội dung đảm bảo tính sát thực với điều kiện thực tế trong việc “Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình và hội nhập quốc tế đến năm 2025” trước khi trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt.