Tạo tiền đề hình thành “xã hội thông tin”
Thực tế thời gian qua đã chứng minh rằng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong những năm cuối thế kỷ XX đã tạo ra khả năng và cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu. Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và làm thay đổi căn bản cách quản lý, học tập và làm việc của con người. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý nhà nước giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Sự phát triển của công nghệ thông tin đã góp phần tạo ra nhiều ngành nghề mới, thay đổi và hiện đại hoá các ngành kinh tế hiện tại. Nhiều nước trên thế giới, công nghiệp công nghệ thông tin đã trở thành ngành kinh tế chủ đạo có tốc độ tăng trưởng hằng năm từ 20-30%, tạo ra nhiều việc làm do có nhiều chính sách, biện pháp quan trọng khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Còn ở nước ta, công nghệ thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát huy có hiệu quả năng lực trí tuệ của người Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới, tạo điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Mặt khác, công nghiệp công nghệ thông tin là ngành công nghiệp mà giá trị của sản phẩm chủ yếu là hàm lượng công nghệ và tri thức cao, sẽ là ngành công nghiệp mũi nhọn, là nhân tố quan trọng đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện chiến lược “đi tắt, đón đầu” sớm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển.
Một số văn bản chỉ đạo, định hướng của nước ta đã khẳng định rằng, công nghệ thông tin là phương tiện chủ lực để nước ta có thể “đi tắt, đón đầu” nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước công nghiệp tiên tiến. Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ở nước ta nhằm góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của toàn dân tộc, thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hoá các ngành kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ có hiệu quả cho quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế…
Trong những năm qua, việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Mạng viễn thông đã phủ rộng trên cả nước với chất lượng cao, mật độ sử dụng điện thoại tăng nhanh (hiện đã đạt hơn 15 máy/100 dân); số lượng người sử dụng Internet là hơn 7,5 triệu, đạt mật độ trên 9%. Đến nay, hơn 50% các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và 80% tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã có trang tin điện tử (website), cung cấp thông tin về chính sách, thủ tục hành chính, 100% các trường đại học, cao đẳng và hầu hết các trường phổ thông trung học đã được nối mạng Internet. Công nghiệp công nghệ thông tin đã bước đầu phát triển, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 20-25%. Đặc biệt sản phẩm công nghệ thông tin do các doanh nghiệp nước ta sản xuất đã từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và bước đầu có xuất khẩu.
Rõ ràng, không thể phủ nhận, việc ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển công nghiệp công nghệ thông tin của nước ta đã có những chuyển biến, tiến bộ khá nhanh theo hướng hiện đại, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Thế nhưng, do có sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, nên nhiều vấn đế phát sinh từ thực tiễn ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển công nghiệp công nghệ thông tin ở nước ta cần có sự điều chỉnh của luật. Trong khi đó, hiện các cơ quan nhà nước chưa xây dựng kịp các văn bản quản lý đồng bộ để triển khai các hoạt động trên môi trường mạng, như cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ công, thu thập, trao đổi ý kiến của nhân dân, kinh doanh, mua bán, giao dịch, học tập từ xa, khám chữa bệnh từ xa… Chính vì vậy, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư, còn người dân thì chưa tin tưởng sử dụng môi trường mạng.
Trong Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá XI mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng: Sự phát triển công nghệ thông tin của nước ta hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội, chưa tự khẳng định được vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn và động lực thúc đẩy nền kinh tế của ta hướng đến kinh tế tri thức. Việc đầu tư cho công nghệ thông tin còn dàn trải và kém hiệu quả. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam còn yếu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nhất là quản lý hành chính của các cơ quan nhà nước còn chậm, chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Sản phẩm công nghệ thông tin có sức cạnh tranh thấp, thâm nhập được vào thương trường thế giới không đáng kể.
Với xu hướng toàn cầu hoá hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và ảnh hưởng to lớn của nó đến sự phát triển kinh tế của toàn thế giới thì việc tăng cường hợp tác với các nước, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này, coi đó là một biện pháp bảo đảm ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ở nước ta là thực sự cần thiết. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo tiền đề để hình thành một “xã hội thông tin”, tạo điều kiện cho mọi người ở mọi miền đất nước được sử dụng thông tin như một nguồn tài nguyên quan trọng để nâng cao dân trí và cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo phong cách làm việc năng động, hiệu quả. Cần nhanh chóng đưa công nghệ thông tin vào địa bàn nông thôn để góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển vùng sâu, vùng xa. Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong giáo dục-đào tạo, phát triển hình thức đào tạo từ xa phục vụ cho nhu cầu học tập của toàn xã hội…
Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta còn thiếu nhiều đạo luật cụ thể điều chỉnh về công nghệ thông tin và truyền thông thì việc có một đạo luật điều chỉnh rộng về lĩnh vực này là rất thiết thực và cần thiết, mặc dù cần phải có thêm thời gian chuẩn bị. Luật Công nghệ thông tin sớm được ban hành sẽ là hành lang pháp lý cơ bản điều chỉnh ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để từng bước phát triển kinh tế tri thức, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đảm bảo quốc phòng, an ninh; đồng thời tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, đáp yêu cầu hội nhập, thực hiện các cam kết quốc tế với ASEAN, APEC, WTO…
Nguồn: quandoinhandan.org.vn 13/12/2005